15:07 11/11/2020

Ngân hàng lựa chọn “tốt gỗ” hay “tốt nước sơn”

Minh Tú

Kỳ vọng quý còn lại của năm 2020, hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại sẽ giảm sự lệch pha giữa lợi nhuận và các chỉ số lõi cơ bản, để cùng vừa tốt "gỗ" lẫn "nước sơn"

Techcombank cũng chính là trường hợp hiếm hoi cân bằng được giữa lợi nhuận và quản trị rủi ro.
Techcombank cũng chính là trường hợp hiếm hoi cân bằng được giữa lợi nhuận và quản trị rủi ro.

Kỳ vọng quý còn lại của năm 2020, hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại sẽ giảm sự lệch pha giữa lợi nhuận và các chỉ số lõi cơ bản, để cùng vừa tốt "gỗ" lẫn "nước sơn", tiếp tục vững vàng bước vào giai đoạn 2021-2025.

Nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt báo lợi nhuận tăng trưởng cao sau 9 tháng. Điều này dễ tạo triển vọng về khả năng ngành ngân hàng đang rút ngắn độ trễ tác động từ Covid-19, và bứt phá về đích sớm. Song, các chuyên gia cho rằng, vẫn còn đó những rủi ro tiềm ẩn khi chất lượng hoạt động của không ít thành viên có chiều hướng xấu đi.

"NƯỚC SƠN" LỢI NHUẬN

Đến nay, hầu hết các ngân hàng thương mại đều đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2020. Mùa báo cáo kỳ này được chú ý hơn so với những quý trước, khi độ trễ tác động của đại dịch Covid-19 được rút ngắn.

Nói một cách hình ảnh, lợi nhuận như là "nước sơn" được nhìn đến đầu tiên qua mỗi kỳ báo cáo. Nhưng theo quá trình vận động của hệ thống, sự phát triển ngày càng chuyên nghiệp hơn của thị trường cũng như trong nhìn nhận của nhà đầu tư, hoạt động lõi của mỗi ngân hàng thương mại ngày càng được chú ý hơn ở loạt các chỉ số quan trọng khác.

Theo hướng đó, tại không ít ngân hàng thương mại, qua 9 tháng đầu năm, chất lượng hoạt động có chiều hướng không đồng đều, trong đó 16/19 ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu tăng lên. Chỉ có 3 ngân hàng giảm mạnh tỉ lệ nợ xấu, trong đó, đặc biệt Techcombank giảm mạnh từ 1,33% cuối 2019 xuống chỉ còn 0,6%, và hiện cũng là thành viên kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu tốt nhất hệ thống.

TÁC ĐỘNG TỪ COVID-19 CHƯA BỘC LỘ HẾT RỦI RO

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, cho biết: 9 tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng mọi mặt đời sống kinh tế. Khi doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, nguồn thu giảm, khả năng trả nợ sẽ gặp nhiều khó khăn và đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tăng.

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là vấn đề kỹ thuật tính toán, trong bối cảnh tác động của Covid-19, tình hình kinh tế khó khăn, cầu tín dụng không cao như những năm trước, do đó, tỷ lệ tương đối nợ xấu/dư nợ phát sinh cũng tăng lên.

Theo Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trong thời gian tới, nếu tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp chưa rõ thời điểm kết thúc, gây khó khăn cho doanh nghiệp, thương mại quốc tế, thương mại dịch vụ bị ảnh hưởng, nhiều khả năng làm nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng lên.

Báo cáo của Chính phủ trước thềm kỳ họp Quốc hội đang diễn ra cũng lý giải, trước tác động của Covid-19, nợ xấu tăng lên, dự kiến mục tiêu giảm được tỷ lệ nợ xấu nhận diện tổng thể xuống dưới 3% sẽ không hoàn thành được trong năm nay mà tiếp tục chuyển sang thực hiện trong năm 2021.

Thực tế, dữ liệu thống kê và cập nhật cũng cho thấy đó là một xu hướng nổi bật.

Tổng hợp từ báo cáo tài chính 19 ngân hàng thương mại đã công bố cho thấy, đến 30/9/2020, tổng nợ xấu của nhóm đã hơn 101,1 nghìn tỷ đồng, tăng tới 29,7% so với đầu năm. Trong đó, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn tính đến cuối tháng 9 tăng 7,6% so với đầu năm, lên mức 49,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 49,1% tổng nợ xấu.

"TỐT GỖ" PHẢI TỪ CÁC CHỈ SỐ LÕI

Vì vậy, nếu như lợi nhuận được xem như "nước sơn", thì thị trường ngày càng chú ý hơn ở các chỉ số lõi phản ánh chất lượng hoạt động bền vững của các ngân hàng thương mại, hay nói nôm na là "tốt gỗ".

Như Phó thống đốc đã chia sẻ, tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu giảm ở nhiều thành viên, hoặc chỉ đạt được mức thấp.

Cụ thể, dữ liệu thống kê cho thấy, đến cuối quý 3/2020, một số ngân hàng thương mại như Kienlongbank, VPBank, VIB, Eximbank, tỷ lệ trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu chỉ đạt dưới 50%. Nhiều thành viên khác chỉ đạt từ 60-90%.

Chỉ có 5 ngân hàng thương mại có tỷ lệ bao phủ này trên 100%; trong đó, nổi bật ở kỳ báo cáo quý 3/2020 là Techcombank, khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên mức 148% so với mức 77,1% cùng kỳ 2019 và giảm tỉ lệ nợ xấu về mức chỉ có 0,6%. Tỷ lệ trích lập ở một mức cao như vậy cho thấy năng lực chủ động ứng xử với nợ xấu tốt, mặt khác tạo tiềm năng giúp ngân hàng này hoàn nhập và gia tăng lợi nhuận mạnh mẽ trong tương lai.

Cùng đó, trong môi trường đang còn nhiều rủi ro tiềm ẩn, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) được Techcombank giữ tới 16,7% tại thời điểm cuối quý 3/2020 - ở nhóm cao nhất hệ thống, đây cũng đươc xem như điểm nhấn của nhà băng này.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân đến từ việc nhà băng này đã tiên phong trong việc triển khai và áp dụng thành công các chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế, điển hình như Basel II từ 1/7/2019 và Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế về công cụ tài chính tại Việt Nam (IFRS 9) kể từ năm 2018, trong bối cảnh Bộ Tài chính đề xuất lộ trình áp dụng IFRS bắt đầu từ năm 2022. Và Covid-19 chính là phép thử cho "bộ đệm vốn dày" và nền tảng quản trị rủi ro bền vững của Techcombank.

Nhìn lại các dữ liệu trên, Techcombank cũng chính là trường hợp hiếm hoi cân bằng được giữa lợi nhuận và quản trị rủi ro. Lợi nhuận của ngân hàng này tiếp tục tăng trưởng cao và dẫn đầu khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, giảm được mạnh tỷ lệ nợ xấu đồng thời tăng được hơn gấp đôi tỷ lệ bao phủ nợ xấu.

Cũng liên quan đến tác động của Covid-19, nhiều ngân hàng thương mại đã thực hiện cắt giảm nhân sự, lương thưởng để kiểm soát chi phí hoạt động. Ở đây, một chỉ số lõi nữa được thị trường quan tâm là tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR).

Tuy nhiên, CIR kiểm soát ở mức thấp hoặc được cải thiện không đến từ cắt giảm chi phí hoạt động, mà từ động lực mẫu số thu nhập tăng lên mới góp phần phản ánh hiệu quả của mỗi ngân hàng. Chỉ số này tại nhiều ngân hàng thương mại vẫn còn khá cao, bình quân 9 tháng năm 2020 ở nhóm 7 thành viên lớn với vào khoảng 43,5%. Với chỉ số này, một lần nữa Techcombank lại ghi điểm, khi CIR tiếp tục cải thiện chỉ còn 32,8% so với 34,5% cùng kỳ năm ngoái.

Dù vẫn còn những quan ngại về độ trễ tác động từ covid-19 đến nền kinh tế, song đến nay Việt Nam đang kiểm soát thành công và nối dài thời gian không có ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, triển vọng phát triển vắc-xin thành công đang dần định hình. Nền kinh tế tiếp tục nỗ lực phục hồi và tăng trưởng dương, với các ngân hàng thương mại nói chung đều đang vượt qua khó khăn với nhiều thành viên giữ được tăng trưởng lợi nhuận.

Trong bối cảnh đó, kỳ vọng quý còn lại của năm 2020,hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại sẽ giảm sự lệch pha giữa lợi nhuận và các chỉ số lõi cơ bản, để cùng vừa tốt "gỗ" lẫn "nước sơn", tiếp tục vững vàng bước vào giai đoạn 2021-2025.