15:13 17/05/2013

“Ngân hàng Nhà nước cần độc lập tương đối”

Mai Minh

"Việc tiếp theo cần làm là đảm bảo Ngân hàng Nhà nước có được sự độc lập tương đối với Chính phủ"

Ông Nguyễn Trí Dũng: "Về lâu dài, các yếu tố cơ bản của Ngân hàng Nhà nước cần được Quốc hội 
quyết định như Hội đồng Chính sách tiền tệ, Thống đốc, vấn đề tài chính…
 để có thể đảm bảo vị thế pháp lý và có sự độc lập cao, không bị áp lực 
từ Chính phủ và đảm bảo tính công khai, trách nhiệm giải trình trong 
điều hành chính sách".
Ông Nguyễn Trí Dũng: "Về lâu dài, các yếu tố cơ bản của Ngân hàng Nhà nước cần được Quốc hội quyết định như Hội đồng Chính sách tiền tệ, Thống đốc, vấn đề tài chính… để có thể đảm bảo vị thế pháp lý và có sự độc lập cao, không bị áp lực từ Chính phủ và đảm bảo tính công khai, trách nhiệm giải trình trong điều hành chính sách".
“Về lâu dài, các yếu tố cơ bản của Ngân hàng Nhà nước cần được Quốc hội quyết định như Hội đồng Chính sách tiền tệ, Thống đốc, vấn đề tài chính… để có thể đảm bảo vị thế pháp lý và có sự độc lập cao, không bị áp lực từ Chính phủ và đảm bảo tính công khai, trách nhiệm giải trình trong điều hành chính sách”, ông Nguyễn Trí Dũng, Quản đốc quốc gia của dự án Chính sách kinh tế vĩ mô (Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội), nêu quan điểm khi nhìn nhận về hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Những nỗi “khó ở” hiện nay của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành lạm phát theo ông là gì?


Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 quy định “hoạt động của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền; bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Luật “giao việc” như vậy là hơi ôm đồm và đặt gánh nặng trách nhiệm lên cơ quan thực thi vì để làm được một chính sách tiền tệ có mục tiêu kép đã là phức tạp, trong khi chính sách tiền tệ của Việt Nam phải theo đuổi đa mục tiêu như vậy lại càng phức tạp hơn và rất khó đánh giá hiệu quả điều hành trong từng giai đoạn.

Đấy là chưa kể đến trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước còn theo đuổi nhiều mục tiêu khác như ổn định hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường vàng, giải cứu thị trường bất động sản…

Lạm phát mục tiêu là vấn đề được bàn tới nhiều năm nay và trong các chỉ đạo của Chính phủ cũng có đề cập tới nhưng vẫn chưa được áp dụng. Vậy theo ông thời điểm nào mới là thích hợp để triển khai?

Kinh nghiệm cho thấy đa số các nước áp dụng khuôn khổ lạm phát mục tiêu vào thời điểm kiềm chế lạm phát thành công, lạm phát đang giảm xuống. Việc thực thi chính sách đã tạo niềm tin cho công chúng vào khả năng của Ngân hàng Trung ương trong việc đạt được mục tiêu lạm phát thấp và ổn định.

Rõ ràng, trong thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước có thể tính toán lộ trình triển khai cơ chế này vì lạm phát trong thời gian gần đây đang có dấu hiệu dần được kiểm soát.

Nhiều ý kiến cho rằng nếu áp dụng điều hành chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu cũng giống như “cởi trói” cho Ngân hàng Nhà nước trong điều hành. Xin cho biết quan điểm của ông?

Trong những năm vừa qua, lạm phát luôn là nỗi ám ảnh đối với mọi người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp và rõ ràng, chúng ta cần một giải pháp lâu dài cho tình trạng này.

Tôi cũng không nghĩ đó có phải là “cởi trói” cho Ngân hàng Nhà nước hay không nhưng thực tế cho thấy, khuôn khổ chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng khá thành công, giúp kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý.

Tôi cho rằng đây cũng là một động thái tích cực gắn chặt với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Vì trước đây, tăng trưởng trông chờ nhiều vào chính sách tiền tệ, cụ thể là trông chờ vào nguồn cung tiền tăng cao mỗi năm đưa vào nền kinh tế như động lực cho tăng trưởng thì nay để chuyển từ kiểu chiều rộng đó sang chiều sâu, khuôn khổ lạm phát mục tiêu sẽ tạo cú hích quan trọng.

Hàng năm, các nghị quyết của Quốc hội cũng có định hướng và chỉ tiêu về lạm phát, song chúng ta đều thấy kết quả thường không như mong đợi. Khi áp dụng điều hành chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu sẽ cải thiện được tình trạng này.

Để áp dụng điều hành chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu thành công, theo ông đâu là điều kiện cần và đủ?


Trong điều kiện của Việt Nam, để đưa ra áp dụng chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu thành công thì cải cách về thể chế điều hành chính sách tiền tệ là điều kiện tiên quyết, trong đó ổn định giá cả phải là mục tiêu hàng đầu của chính sách tiền tệ. Luật Ngân hàng Nhà nước đã tạo tiền đề thuận lợi khi xác định rõ mục tiêu cuối cùng của chính sách tiền tệ là ổn định giá trị đồng tiền, biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát (khoản 1, điều 3).

Việc tiếp theo cần làm là đảm bảo Ngân hàng Nhà nước có được sự độc lập tương đối với Chính phủ, có thể hiểu theo nghĩa độc lập trong thực thi chính sách tiền tệ.

Về tổ chức, Ngân hàng Nhà nước vẫn là một bộ phận của Chính phủ, chịu sự quản lý của Chính phủ về cơ cấu tổ chức, nhưng về mô hình hoạt động phải được độc lập trong xác định lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế và chủ động sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ nhắm tới mục tiêu lạm phát đề ra, giảm sức ép trong điều hành chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo luật hiện hành, có khoảng 15 vấn đề quan trọng liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ do Chính phủ hoặc Thủ tướng quyết định.

Về lâu dài, các yếu tố cơ bản của Ngân hàng Nhà nước cần được Quốc hội quyết định như Hội đồng Chính sách tiền tệ, Thống đốc, vấn đề tài chính… để có thể đảm bảo vị thế pháp lý và có sự độc lập cao, không bị áp lực từ Chính phủ và đảm bảo tính công khai, trách nhiệm giải trình trong điều hành chính sách.

Nếu có thể áp dụng thì “mức mục tiêu” nên được lựa chọn thế nào, thưa ông?

Kinh nghiệm cho thấy việc lựa chọn mục tiêu lạm phát thường là từ 2-5% đối với các nước phát triển và các nước đang phát triển là dưới 1 con số và là lạm phát tổng hợp (headline) chứ không phải lạm phát cơ bản (core).

Đối với các nước phát triển có cơ cấu kinh tế khá ổn định nên mục tiêu lạm phát cũng ổn định và thường được duy trì ở mức thấp. Việc thay đổi giá tương đối giữa các ngành thường không lớn và không gây nhiều áp lực lên việc đảm bảo lạm phát mục tiêu.

Nhưng đối với Việt Nam, cấu trúc kinh tế sẽ biến động mạnh hơn khi chúng ta quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, nên khi xác định mục tiêu phải cân nhắc yếu tố này.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)