23:55 24/12/2012

Ngân hàng Nhà nước “lách luật” trong quản lý vàng?

Thúy Hằng

Đại biểu Quốc hội tiếp tục truy Ngân hàng Nhà nước về quản lý thị trường vàng

Phiên giải trình do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức sáng 24/12.
Phiên giải trình do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức sáng 24/12.
Quyết định 1623/QĐ-NHNN về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước có “lách luật”?

Chưa hài lòng nội dung trả lời của Thống đốc với chất vấn bằng văn bản từ kỳ họp Quốc hội thứ tư, tại phiên phiên giải trình của Chính phủ về việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức sáng 24/12, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ - Môi trường của Quốc hội, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh tiếp tục “truy” lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước.

Bà Khánh cho biết, tại kỳ họp 4 bà đã có văn bản chất vấn Thống đốc về việc Quyết định 1623 cho phép sản xuất kinh doanh vàng miếng SJC đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, trình tự thủ tục, đánh giá tác động văn bản trong ban hành văn bản pháp luật hay chưa? Vừa qua Thống đốc đã có công văn trả lời, trong đó chỉ nói về Nghị định 24 của Chính phủ mà không nói về Quyết định 1623.

Nghị định 24 không quy định cụ thể về vàng SJC nhưng Quyết định 1623 lại quy định cụ thể và tạo thu nhập riêng cho SJC để nhân dân và doanh nghiệp khác bị thiệt hại. Vì sao trước khi ban hành không lấy ý kiến của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và ý kiến người dân. Quyết định 1623 có nội hàm là văn bản quy định pháp luật nhưng tại sao lại không được ban hành theo đúng hình thức, trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vậy có phải là sự sơ suất hay là kiểu “lách luật” trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật? Đối với những thiệt hại của người dân và doanh nghiệp do thực hiện Quyết định 1623 gây ra thì trách nhiệm của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói chung và trách nhiệm Thống đốc nói riêng như thế nào? Bà Khánh tiếp tục nêu hàng loạt câu hỏi tại phiên giải trình.

Trả lời đại biểu Khánh, Phó thống đốc Đặng Thanh Bình giải thích, ở Nghị định 24, Chính phủ đã quy định trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước đối với việc quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh vàng, trong đó phải thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng, trách nhiệm tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng, thông qua việc quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất, phương thức sản xuất vàng miếng phù hợp với từng thời kỳ…

Để thực hiện trách nhiệm của mình về vấn đề quyết định tổ chức sản xuất vàng miếng và phương thức thực hiện, ngày 23/8/2012, Thống đốc ban hành Quyết định 1623, trong đó nói rõ phạm vi điều chỉnh của quyết định này là quy định việc tổ chức và sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ông Đặng Thanh Bình nhấn mạnh, đây là quyết định riêng của Thống đốc Ngân hàng điều chỉnh quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, không thuộc dạng văn bản quy phạm pháp luật.

“Tôi nghĩ rằng với các quy định về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong Nghị định 24 thì quyết định này được ban hành rất hợp hiến và hợp pháp”, Phó thống đốc Đặng Thanh Bình quả quyết.

Về trình tự thủ tục, vị đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định đã thực hiện đúng và đã xin ý kiến của tất cả các cơ quan liên quan, làm việc với UBND Tp.HCM là chủ sở hữu của Công ty SJC.

Liên quan đến tác động của việc độc quyền vàng SJC, ông Đặng Thanh Bình cho rằng Quyết định 1623 không hề gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nhân dân.

Vì, Nghị định 24 đã nói rất rõ Nhà nước công nhận quyền nắm giữ, mua bán tất cả các thương hiệu vàng miếng hợp pháp của người dân và không có phân biệt đối xử với các thương hiệu vàng miếng khác SJC. Đồng thời cũng không có quy định nào buộc người dân phải chuyển đổi vàng miếng sang thương hiệu SJC.

“Tôi cho rằng việc ban hành Quyết định 1623 không hề gây thiệt hại đối với người dân”, ông Đặng Thanh Bình nói.

“Phó thống đốc trả lời việc ban hành quyết định 1623 không phải văn bản quy phạm pháp luật là chưa đúng, thực tế thì nội hàm quyết định này thuộc văn bản quy phạm pháp luật. Vì không có thời gian tranh luận tại đây, tôi đề nghị Ủy ban pháp luật cũng như bộ tư pháp, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục kiểm tra, giám sát việc này”, đại biểu Khánh tiếp tục có ý kiến.

Tại kỳ họp Quốc hội thứ tư vừa qua, quản lý vàng là nội dung có nhiều đại biểu cùng chất vấn Thống đốc bằng văn bản. Và phần chất vấn trực tiếp tại nghị trường cũng không kém về độ nóng. Và câu trả lời rất nhất quán của Thống đốc Nguyễn Văn Bình là Việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng thông qua sử dụng vàng miếng SJC và yêu cầu Công ty SJC gia công vàng miếng cho Ngân hàng Nhà nước là phù hợp, đảm bảo mục tiêu của Nhà nước về tổ chức, sắp xếp lại thị trường vàng, đảm bảo lợi ích cho người dân và hoàn toàn không có lợi ích nhóm hay lợi ích cho Công ty SJC.