14:35 21/02/2024

Ngân hàng Nhà nước sắp công khai lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng

Tùng Thư

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết ngày 23/2/2024 là thời hạn cuối cùng để các tổ chức tín dụng báo cáo tình hình công bố lãi suất cho vay bình quân. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ lập một website tập trung tất cả đường link công bố lãi suất của các tổ chức tín dụng…

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại công bố chênh lệch lãi suất tiền gửi bình quân và cho vay bình quân.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại công bố chênh lệch lãi suất tiền gửi bình quân và cho vay bình quân.

Công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân... là những nội dung được thảo luận sôi nổi tại "Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024".

“Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ từ cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại công bố lãi suất cho vay bình quân. Vậy khi nào các ngân hàng sẽ công bố? Tất nhiên, Ngân hàng Nhà nước không có chế tài xử phạt nếu ngân hàng không công bố lãi suất cho vay bình quân nhưng người dân, doanh nghiệp…sẽ giám sát và đánh giá vấn đề này”, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú nêu vấn đề.

Hầu hết lãnh đạo các ngân hàng thương mại tham dự hội nghị đều cho biết đang loay hoay, gặp khó khăn khi công khai lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng là tổ chức.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng (Tổng giám đốc Vietcombank), việc công khai lãi suất cho vay đối với các khách hàng cá nhân thì không gặp khó khăn gì nhưng đối với khách hàng tổ chức thì thực sự vướng mắc. Bởi vì, ngân hàng xác định lãi suất cho vay đối với khách hàng tổ chức trên cơ sở rủi ro tổng thể và lợi ích tổng thể của khách hàng. Bên cạnh hoạt động tín dụng, các khách hàng tổ chức cũng có tiền gửi tại ngân hàng, sử dụng các dịch vụ khác của ngân hàng. Do vậy, lãi suất cho vay không phản ánh toàn bộ chi phí khách hàng.

“Do vậy, chúng tôi nghĩ rằng chỉ nên công khai lãi suất cho vay đối với khách hàng là cá nhân”.

Đồng quan điểm với ông Tùng, ông Phạm Quang Thắng (Phó tổng giám đốc Techcombank) cho rằng đối với khách hàng cá nhân thì ngân hàng cho vay theo sản phẩm nên việc công khai lãi suất là tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, đối với khách hàng doanh nghiệp, lãi suất cho vay lại phụ thuộc vào từng doanh nghiệp, từng nhóm doanh nghiệp.

Ông Phạm Quang Thắng cho rằng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp phụ thuộc vào mức độ quan hệ tín dụng của doanh nghiệp đối với ngân hàng, mức độ rủi ro của doanh nghiệp, tính khả thi của phương án kinh doanh, giá trị tài sản bảo đảm… Do đó, lãi suất cho vay bình quân không thể phản ánh chính xác tình hình thực tế.

Phó tổng giám đốc Techcombank cũng kiến nghị chỉ công bố lãi suất cho vay với cá nhân vì nó ảnh hưởng đến phần đông người dân và được công chúng quan tâm.

Ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc LPBank cho rằng, công bố lãi suất cho vay ngắn hạn thì không vấn đề gì, vì khách hàng quay vòng vốn nhanh, cho vay theo hạn mức thì không khó, nhưng đối với việc cho vay trung dài hạn, việc công bố lãi suất bình quân sẽ khiến cho một số doanh nghiệp có cơ sở để so sánh, dẫn đến có sự phản ứng của khách hàng khi hết ưu đãi.

“Ví dụ có những khách hàng, trong thời gian ưu đãi, dù đã được giảm tới 3%, nhưng khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ tăng lên. Nếu áp dụng công bố lãi suất cho vay bình quân thì khách hàng sẽ có phản ứng, sẽ lại ép đòi giảm, điều này gây khó cho ngân hàng”, ông Tiến phân tích.

Cũng theo ông Tiến, đối với các gói cho vay cụ thể, LPBank cũng đã công bố công khai, nên đề nghị chỉ công khai lãi suất cho vay cá nhân, không công khai lãi suất cho vay doanh nghiệp. 

 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu việc công bố công khai lãi suất cho vay bình quân của từng tổ chức tín dụng và chênh lệch lãi suất bình quân tiền gửi và cho vay; qua đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp, người dân lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay.

(Công văn số 527/TB-VPCP ngày 18/12/2023)

Tổng giám đốc MBBank, ông Phạm Như Ánh cũng cho rằng việc công khai lãi suất bình quân cho vay nhóm doanh nghiệp sẽ khó. Ông Ánh kiến nghị sẽ công bố các mức lãi suất cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn riêng, để khách hàng biết mình thuộc phân khúc nào và có thể so sánh.

Tương tự, một loạt lãnh đạo các ngân hàng khác cũng đề nghị không công khai lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng doanh nghiệp.

Phản hồi ý kiến của các ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân là trách nhiệm của toàn hệ thống ngân hàng. Việc này nhằm tạo môi trường minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các ngân hàng. Dù Ngân hàng Nhà nước không có chế tài nhưng dư luận xã hội sẽ giám sát việc công khai lãi suất cho vay.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết ngày 23/2/2024 là thời hạn cuối cùng để các ngân hàng thương mại báo cáo tới Ngân hàng Nhà nước tình hình công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân. Ông Quang đề nghị các ngân hàng nêu chi tiết các khó khăn, vướng mắc đồng thời kiến nghị giải pháp để thực hiện tốt nhất chỉ đạo của Chính phủ về công khai thông tin lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước sẽ tổng hợp và có giải pháp tháo gỡ phù hợp.

Cũng theo ông Quang, Ngân hàng Nhà nước không giới hạn các tổ chức tín dụng công bố lãi suất cho vay chi tiết đối với các nhóm khách hàng; cách phân loại khách hàng..Các ngân hàng thương mại chủ động trong vấn đề này.

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thông tin thêm, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng một website tập trung đường link công bố lãi suất cho vay bình quân của các tổ chức tín dụng để đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng đối với tất cả các tổ chức tín dụng.