22:58 23/10/2007

“Ngân hàng SHB sẽ có thay đổi lớn”

Minh Đức

Liệu Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) có tạo được đột phá với những kế hoạch lớn chuẩn bị triển khai?

"Với đối tác chiến lược nước ngoài, chúng tôi có quyền lựa chọn" - Ảnh: M.Đức
"Với đối tác chiến lược nước ngoài, chúng tôi có quyền lựa chọn" - Ảnh: M.Đức
Liệu Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) có tạo được đột phá với những kế hoạch lớn chuẩn bị triển khai?

Tính đến ngày 20/10, tổng tài sản của SHB đạt gần 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 101 tỷ đồng. Theo ông Đỗ Quang Hiển, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị SHB, dự kiến trong năm 2008, những con số trên sẽ có thay đổi lớn.

Ông bình luận gì về con số lợi nhuận 101 tỷ nói trên, nhất là trong bối cảnh SHB mới chuyển đổi và có sự can thiệp của Chỉ thị 03 (về hạn chế cho vay đầu tư chứng khoán)?

So với những ngân hàng lớn trên thị trường, con số 101 tỷ đồng đó là khiêm tốn. Nhưng với SHB, đó là một kết quả ban đầu khả quan.

Về ảnh hưởng của Chỉ thị 03 đối với lợi nhuận, tôi cho rằng đó là ảnh hưởng chung. Với riêng SHB, ảnh hưởng đó không nhiều, bởi chúng tôi có đa dạng trong hoạt động cho vay, trong đó tập trung chủ yếu ở khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.

SHB hiện đang thực hiện nghiêm túc theo chỉ thị này; tập trung thu hồi vốn cho vay đầu tư chứng khoán trong thời gian qua và tỷ lệ đã giảm rõ rệt. Đến thời hạn 31/12/2007, tôi tin chắc là tỷ lệ đó sẽ xuống dưới hạn mức 3% tổng dư nợ, dự kiến chỉ khoảng từ 1 – 2%.

Ông có nói đến một số thay đổi lớn trong năm 2008. Cụ thể là gì?

Đó là kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 4.500 tỷ đồng, đặt mục tiêu nâng tổng tài sản lên 20.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay dự kiến 8.000 tỷ đồng và cổ tức chia cho cổ đông phấn đầu từ 20% trở lên.

Các bạn cũng biết là Ủy ban Chứng khoán vừa chấp thuận kế hoạch thành lập Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS). Ngày 25/10 chúng tôi sẽ nộp tiền, phong tỏa tài sản và có thể chính thức hoạt động vào tháng 11 tới.

Thế mạnh của SHS có từ sự hỗ trợ của một ngân hàng, từ hai cổ đông chiến lược khác là Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Dự kiến mỗi tập đoàn này sẽ có khoảng 60 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tư vấn niêm yết, phát hành của SHS.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang xúc tiến thành lập một công ty quản lý quỹ, công ty phát triển hạ tầng bất động sản, lập quỹ đầu tư trong lĩnh vực bất động sản và năng lượng… trong năm 2007.

Trong công ty quản lý quỹ, dự kiến sẽ có một tập đoàn tài chính của Mỹ tham gia góp 10% vốn vào quỹ thành viên. Các thỏa thuận ghi nhớ với đối tác này đã được ký kết.

Công ty quản lý quỹ hiện đã hoàn thiện hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán, có thể được chấp thuận trong tháng tới. Công ty này có vốn 50 tỷ đồng, trong đó mỗi thành viên sáng lập như SHB, hai tập đoàn nói trên tham gia 10%.

Còn một kế hoạch nữa, có thể công bố thời điểm này là SHB đang xúc tiến kế hoạch để niêm yết tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Hiện chúng tôi đang làm việc với Trung tâm và có thể chào sàn vào tháng 12/2007. Kế hoạch này cũng đã được chúng tôi chuẩn bị từ đầu năm.

Ngoài những kế hoạch trên, SHB đã tính đến khả năng có đối tác chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài chưa?

Hiện chúng tôi chưa có kế hoạch cụ thể về vấn đề này, dù trong định hướng phát triển lâu dài có đặt ra. Cũng như một số ngân hàng khác, nếu tính đến khả năng này thì trước hết phải xét về những tiêu chí về năng lực tài chính, công nghệ, quản lý…

Với riêng SHB, nếu chọn thì đó phải là tổ chức thuộc tốp 50 – 100 trên thế giới. Trong vấn đề này chúng tôi có quyền lựa chọn.