10:12 19/03/2010

Ngân hàng tìm cách “lách” trần lãi suất huy động

Ngô Hải

Với nhiều chương trình khuyến mãi gần đây lãi suất huy động đang được nhiều ngân hàng đẩy vượt trần cho phép

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, kể từ sau khi Thông tư 07/2010/TT-NHNN về cho vay trung và dài hạn theo lãi suất thỏa thuận được ban hành, đang nảy sinh ra những vấn đề gây méo mó thị trường.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, kể từ sau khi Thông tư 07/2010/TT-NHNN về cho vay trung và dài hạn theo lãi suất thỏa thuận được ban hành, đang nảy sinh ra những vấn đề gây méo mó thị trường.
Với nhiều chương trình khuyến mãi gần đây lãi suất huy động đang được nhiều ngân hàng đẩy vượt trần cho phép. Phải chăng các ngân hàng đang tìm cách “lách” luật để huy động vốn nhằm cung ứng cho các khoản vay theo lãi suất thỏa thuận.

Nhiều ngân hàng đang tung ra những chương trình khuyến mãi hấp dẫn, không chỉ tặng tiền mặt, vàng hay lãi suất tương ứng với số tiền và kỳ hạn gửi, mà còn đưa ra những hình thức rút thăm trúng thưởng với giá trị giải thưởng rất lớn.

Với mức lãi suất huy động chạm đỉnh như hiện nay, nếu cộng thêm lãi suất khuyến mại thì lãi suất huy động thực tế tại một số ngân hàng đang vượt trần lãi suất huy động cho phép.

Lãi suất đang vượt trần

Mới đây Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) đã triển khai chương trình chăm sóc khách hàng mang tên “Tích lộc mùa xuân” trên toàn hệ thống. Bên cạnh mức lãi suất hấp dẫn là 10,49% ở hầu hết các kỳ hạn, khách hàng sẽ được tặng phong bao lì xì có giá trị từ 50.000 - 300.000 đồng và các cơ hội trúng thưởng nhiều chuyến du lịch châu Âu, Hồng Công-Macao, Singapore-Malaysia.

Trước đó, Ngân hàng Nam Á (NamABank) cũng triển khai chương trình “Tri ân khách hàng” dành cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm VND và USD tại tất cả các điểm giao dịch trên toàn quốc. Với mức gửi từ 10 triệu đồng cho các kỳ hạn từ 01 tháng trở lên, ngoài phần lãi suất cao được hưởng khách hàng sẽ nhận được những phần quà bằng tiền mặt, tương ứng với mức lãi suất cộng thêm dao động từ 0,1 - 0,36%/năm. Với chương trình này, số tiền tri ân của khách hàng cũng có thể lên đến trên 10 triệu đồng.

Mạnh tay hơn có thể phải kể đến chương trình khuyến mãi của Ngân hàng Đại Á (DaiABank). Ngân hàng này cũng vừa triển khai chương trình “Gửi tiền nhận ngay vàng SJC và tiền thưởng” cho khách hàng gửi tiết kiệm VND trên toàn hệ thống. Với mức gửi tiết kiệm từ 25 triệu đồng, kỳ hạn 01 trở lên khách hàng sẽ nhận được những phần quà bằng tiền đồng hay vàng SJC. Mức thưởng cao nhất là 3 chỉ vàng SJC được dành cho khách hàng gửi từ 1 tỷ đồng trở lên trong vòng 6 tháng.

Như vậy, kể từ cuối tháng 1/2010 đến nay lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn (từ 1-36 tháng) đã được nhiều ngân hàng tăng lên kịch trần (10,49%) nhưng huy động vốn của ngân hàng vẫn đang gặp nhiều khó khăn do tâm lý người gửi tiền vẫn đang kỳ vọng mức lãi suất cao hơn, đặc biệt khi Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng được phép cho vay các khoản vay trung và dài hạn với lãi suất thỏa thuận.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước tuần qua, lãi suất cho vay theo cơ chế thỏa thuận tại các ngân hàng đang ở mức từ 15 - 20%, nếu so sánh với lãi suất đầu vào hiện nay tại các ngân hàng, chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra (NIM) đang rất lớn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng bất chấp quy định trần lãi suất cho vay để huy động vốn.

Bỏ hay giữ lãi suất huy động?

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, kể từ sau khi Thông tư 07/2010/TT-NHNN về cho vay trung và dài hạn theo lãi suất thỏa thuận được ban hành, đang nảy sinh ra những vấn đề gây méo mó thị trường.

Thứ nhất, với việc lãi suất huy động đầu vào đang bị khống chế bởi trần lãi suất khiến nhu cầu gửi tiền của người dân giảm mạnh, để huy động vốn nhiều ngân hàng cũng phải cộng thêm những chương trình khuyến mãi cộng thưởng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự méo mó trên trị trường.

Thứ hai, dù cho vay trung và dài hạn đã mở nhưng không phải khoản vay nào cũng được thông qua, vì doanh nghiệp có thể chịu đựng được mức lãi suất thỏa thuận không hay khi cho vay các ngân hàng đều phải tính đến cơ chế an toàn (chỉ được phép cho vay 30- 40% trong tổng huy động để cho vay trung và dài hạn), còn nếu ngân hàng lấy nguồn vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn sẽ khiến hoạt động của ngân hàng mất an toàn.

Thứ ba, trong tình hình hiện nay, cơ chế để kiểm soát chuyển cho vay ngắn hạn sang dài hạn, chuyển cho vay bình thường sang cho vay thỏa thuận rất hạn chế và khó kiểm soát. Thực tế, nhiều ngân hàng đang tự động cho vay ngắn hạn theo thỏa thuận và áp dụng lãi suất cho vay như trung và dài hạn.

Để giải quyết những bất hợp lý trên, một số chuyên gia kinh tế nhận định, bỏ trần lãi suất huy động là cần thiết để lãi suất vận động theo cơ chế thị trường và tạo ra sự cân bằng trong các hoạt động của ngân hàng.

Trần lãi suất đang là nguyên nhân tạo ra sự khan hiếm trong thanh khoản và các doanh nghiệp đang phải chịu mức lãi suất vay cao. Nếu bỏ trần lãi suất huy động, lãi suất cho vay sẽ giảm vì có áp lực của quy luật cung cầu thị trường và áp lực từ cạnh tranh giữa các ngân hàng. Hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đủ lớn và do đó sẽ không xảy ra tình trạng mức chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng quá cao. Thêm vào đó, việc bỏ trần lãi suất huy động sẽ tạo được tính minh bạch trong huy động và cho vay.

Nhưng cũng có không ít ý kiến lo ngại về bỏ trần lãi suất huy động. Theo ông Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM, khi bỏ trần lãi suất trên thị trường sẽ có hiện tượng các ngân hàng nhỏ, các ngân hàng thiếu thanh khoản đẩy lãi suất huy động lên rất cao. Nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại lớn sẽ chạy về các ngân hàng nhỏ và tạo nên sự hỗn loạn trong thị trường tiền tệ (!?).