09:35 30/10/2007

Ngân hàng Trung Quốc đổ xô đến Mỹ

Kiều Oanh

Với nguồn vốn dồi dào nhờ phát hành cổ phiếu ra công chúng, các ngân hàng của Trung Quốc đang “nhòm ngó” thị trường Mỹ

Khi ngân hàng Minsheng của Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài, UCBH Holdings được coi là một đối tác hoàn hảo.

Là một ngân hàng tại Mỹ, chuyên phục vụ đối tượng khách hàng là người Mỹ gốc Hoa, UCBH cần 205 triệu USD cho một vụ mua lại. Còn Minsheng - ngân hàng lớn thứ 8 của Trung Quốc - rất hứng thú với một đối tác giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng tư nhân và quản lý rủi ro như UCBH.

Bởi thế, vào ngày 8/10 vừa qua, Minsheng đồng ý mua lại 9,9% cổ phần trong UCHB, đánh dấu động thái mua lại đầu tiên của một ngân hàng Trung Quốc trên đất Mỹ. “Đây là thời điểm tốt nhất để đầu tư vào các ngân hàng Mỹ. Đầu tư vào đó rẻ hơn”, Hong Qi, Phó chủ tịch điều hành của Minsheng cho biết.

Với nguồn vốn dồi dào nhờ phát hành cổ phiếu ra công chúng và sự tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường trong nước, các ngân hàng của Trung Quốc đang “nhòm ngó” thị trường Mỹ. Đây là một phần trong chiến lược lớn của các ngân hàng này nhằm đạt mục tiêu trở thành những người khổng lồ toàn cầu, cung cấp một số lượng lớn các loại hình dịch vụ. Những ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc như Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) và China Merchants Bank đã nộp đơn lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ xin mở chi nhánh tại Mỹ vào năm nay nhưng vẫn chưa được thông qua.

Cơn bão trên thị trường thế chấp thứ cấp của Mỹ là một đòn giáng mạnh vào các loại cổ phiếu ngân hàng của nước này, nhưng lại là một nhân tố thúc đẩy các ngân hàng Trung Quốc. Chỉ vài tuần sau khi Minsheng tiến hành thỏa thuận với UCBH, Citic Securities - công ty chứng khoán lớn nhất của Trung Quốc, thuộc ngân hàng lớn thứ 7 Trung Quốc là China Citic Bank - lại có một thỏa thuận mua lại gần 6% cổ phần trong ngân hàng đầu tư lừng danh của Mỹ Bear Stearns với giá 1 tỷ USD.

Bước đi chiến lược này của các ngân hàng Trung Quốc đặt ra một tình huống tiến thoái lưỡng nan cho các nhà điều hành của Mỹ. FED là cơ quan chịu trách nhiệm xem xét và thông qua bất kỳ một thỏa thuận nào trong đó nhà đầu tư nước ngoài chiếm hơn 5% cổ phần trong một ngân hàng Mỹ cũng như bất kỳ một đơn xin mở chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại nước này. Khi đánh giá các ngân hàng Trung Quốc, cơ quan chức năng của Mỹ rơi hoàn cảnh rất khó xử.

Một mặt, người ta cho rằng, Chính phủ Mỹ sẽ ủng hộ việc các ngân hàng Trung Quốc vào Mỹ, khi mà các công ty Mỹ cũng đang ra sức tìm cách mua cổ phần ở Trung Quốc. Nhưng mặt khác, các ngân hàng Trung Quốc hoạt động trong một môi trường pháp lý rất khác biệt, một môi trường với kỷ luật không nghiêm và tình trạng tham nhũng khá phổ biến. Một số nhà quan sát cho rằng, đó là lý do tại sao nước Mỹ vẫn chưa cho phép các ngân hàng Trung Quốc mở chi nhánh ở Mỹ.

Những rào cản pháp lý chắc chắn đã có ảnh hưởng đối với quyết định của UCBH. Ngân hàng này ban đầu chỉ cân nhắc các thỏa thuận với 3 tổ chức tài chính của Trung Quốc, trong đó có công ty bảo hiểm quốc doanh Ping An. Cuối cùng, UCBH quyết định chọn bán cổ phần cho Minsheng một phần do ngân hàng tư nhân này có quan hệ hạn chế với Chính phủ Trung Quốc và như thế, có cơ hội tốt nhất để được FED thông qua. UCBH và Minsheng cho biết họ đã nhận được sự chấp nhận bằng lời từ phía FED nhưng vẫn đang phải đợi sự thông qua cuối cùng của cơ quan này.

Mối quan tâm mỗi lúc một tăng của các ngân hàng Trung Quốc đối với thị trường Mỹ xuất hiện vào thời điểm khi các nhà đầu tư trên khắp thế giới đổ xô vào các ngân hàng Mỹ, chủ yếu là do đồng USD mất giá. Tháng 9 vừa qua, ngân hàng Toronton-Dominion của Canada đã mua lại ngân hàng Commerce Bancorp của Mỹ, ngân hàng Royal Bank cũng của Canada đã mua lại ngân hàng Alabama National BanCorporation của Mỹ. Trong tháng 8, ngân hàng Banco Bilbao Vizcaya của Argentaria đã thông qua một thỏa thuận mua lại Compass Bank của Mỹ. Hiện tại, 8 trong số ngân hàng lớn nhất tại Mỹ tính theo số lượng tiền gửi đã năng trong sự sở hữu của các công ty nước ngoài, tăng gấp 2 lần so với 5 năm trước đây.

Các ngân hàng Trung Quốc đang hy vọng được lọt vào danh sách này. Nếu họ làm được, điều này sẽ đánh dấu một sự thay đổi to lớn so với thời điểm chỉ vài năm trước đây. Nhiều thập kỷ kinh tế tập trung đã khiến các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc ngập trong nợ xấu, tham nhũng và nhiều vấn đề khác. Khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, nước này đã bắt tay vào giải quyết những vấn đề tiêu cực trong hệ thống ngân hàng và tiến hành cổ phần hóa các ngân hàng.

Bởi thế, đã dẫn tới một làn sóng đầu tư vào các ngân hàng Trung Quốc từ Citigroup, Goldman Sachs và các tập đoàn lớn khác ở Wall Street, với hy vọng tìm kiếm lợi nhuận từ nền kinh tế bùng nổ của Trung Quốc. Mong muốn tiếp thu kinh nghiệm từ các nhà đầu tư này, các ngân hàng Trung Quốc đã chào đón họ.

Với vị thế đã được cải thiện, các công ty Trung Quốc hiện đang tiến tới mục tiêu thiết lập những đế chế toàn cầu vượt xa khỏi lĩnh vực ngân hàng truyền thống. Ban đầu, các ngân hàng này di chuyển vào những khu vực và các quốc gia nơi các khách hàng đã có của họ làm ăn. Đó là lý do tại sao ngân hàng lớn thứ 3 ở Trung Quốc là CCB mua lại bộ phận tại Hồng Kông và Macao của Bank of America vào năm ngoái. Còn hiện tại, các ngân hàng Trung Quốc đang tìm kiếm các đối tác chiến lược mà từ đó họ có thể học tập kinh nghiệm và mở rộng các dịch vụ tài chính.

Các quan chức của Minsheng đặc biệt thích thú với khả năng của UCBH trong việc kết hợp thành công những người dân tộc thiểu số của Trung Quốc và những người Mỹ vào đội ngũ các nhà quản lý của ngân hàng này. “Các ngân hàng Trung Quốc đang nỗ lực đạt tới ý khái niệm rộng rãi hơn về ngân hàng”, Keith Pogson, người đứng đầu hoạt động dịch vụ tài chính toàn cầu của Earn & Young tại Trung Quốc và Hồng Kông nhận định.

Nhờ giá cổ phiếu tăng cao, các ngân hàng Trung Quốc có ưu thế hơn trên các bàn đàm phán. Ba ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc hiện nằm trong số 20 ngân hàng hàng đầu thế giới tính theo giá trị thị trường. Tháng 7 vừa qua, ICBC đã vượt qua Citigroup và Bank of America để trở thành ngân hàng lớn nhất thế giới. Nhà phân tích Fan Yanjin tại China International Capital tính toán rằng, chỉ số PE trung bình của 14 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán thượng hải là 41,3. Điều này khiến cổ phiếu của những ngân hàng này có sức mua cao, nhất là so với các đối thủ Mỹ với PE khiêm tốn ở mức 10,6 lần.

Dĩ nhiên, việc cổ phiếu các ngân hàng Mỹ rẻ hơn không đồng nghĩa với việc mua lại những ngân hàng này là việc làm khôn ngoan. Các ngân hàng nước ngoài mua lại các ngân hàng Mỹ hiện nay có thể mắc kẹt với số lượng lớn bất ngờ những khoản vay mua nhà và những khoản nợ xấu khác. Điều này có thể làm chệch hướng chiến lược tăng trưởng của các ngân hàng Trung Quốc, vốn đã dành phần lớn thời gian trong thập kỷ này vào việc giải quyết những khoản nợ xấu của chính họ. “Ở môi trường hiện tại, bạn phải cực kỳ dũng cảm, hoặc là cực kỳ dại dột, mới đi mua một ngân hàng của Mỹ”, Pete Hahn, một chuyên gia tại trường kinh doanh Cass ở London nhận định.

Tuy nhiên, cách dễ dàng nhất và nhanh chóng nhất để giành được một chỗ đứng tại Mỹ là hợp tác với các đối tác Mỹ. Rất có thể, một phần lý do khiến các cơ quan chức năng của Mỹ chưa muốn thông qua những đơn xin gần đây từ các ngân hàng Trung Quốc xin mở chi nhánh là một vụ scandal năm 2002 trong đó, một chi nhánh tại New York của Bank of China cho vay sai quy định và các nhà chức trách Mỹ sau đó đã phạt ngân hàng này 20 triệu USD.

“Trước đây, có thể chúng tôi có những vấn đề của mình, nhưng hiện tại, tình hình đã khác hoàn toàn”, Chủ tịch CCB Guo Shuqing tuyên bố với báo giới bên lề Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 17 tại Bắc Kinh hôm 17/10 vừa qua. “Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn chưa thay đổi quan điểm. Điều đó thật không công bằng”, ông nói.

Các ngân hàng Mỹ - trong đó có nhiều ngân hàng muốn hiện diện nhiều hơn ở thị trường Trung Quốc đầy lợi nhuận - có thể được lợi nếu các cơ quan chức năng của Mỹ có thái độ cởi mở hơn đối với các ngân hàng Trung Quốc. Các quy định thương mại ở Trung Quốc giới hạn đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng trong nước ở mức 25%. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Điều phối ngân hàng Trung Quốc Liu Mingkang đã đưa ra những dấu hiệu cho thấy rằng, nếu phía Mỹ thông qua đơn xin mở chi nhánh tại Mỹ của các ngân hàng Trung Quốc, phía Trung Quốc có thể tăng tỷ lệ giới hạn này lên.

Babak Nikzad, một chuyên gia về dịch vụ tài chính của KPMG ở Hồng Kông nói: “Các cơ quan chức năng của Mỹ cần phải thống nhất và nhìn nhận Trung Quốc theo cách mà Mỹ vẫn nhìn nhận các nước lớn khác”.

(Theo BusinessWeek)