10:49 13/04/2007

Ngành giao thông đẩy nhanh cổ phần hóa

Nguyên Linh

Ngành giao thông vận tải sẽ tiến tới hoàn tất cổ phần hóa các tổng công ty trong năm 2009

Theo kế hoạch, ngành giao thông sẽ hoàn thành công tác cổ phần hóa vào năm 2009.
Theo kế hoạch, ngành giao thông sẽ hoàn thành công tác cổ phần hóa vào năm 2009.

Bộ Giao thông vận tải vừa tổ chức Hội nghị triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước năm 2007.

Tại hội nghị này, ngành giao thông đặt mục mục tiêu đẩy mạnh công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp, kể cả việc cổ phần hóa toàn bộ các tổng công ty để tiến tới xóa bỏ phương thức quản lý Bộ chủ quản đối với các doanh nghiệp.

Theo báo cáo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp ngành giao thông vận tải, từ khi có chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã cổ phần hóa tổng cộng được 279 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, trong đó từ năm 2001 đến 1/12/2006 đã cổ phần hóa được 250 doanh nghiệp. Trong đó, có 132 doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối, tăng 14 doanh nghiệp so với thời điểm cuối năm 2005.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, đặc biệt là năm 2006, công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là công tác cổ phần hóa trong ngành có dấu hiệu chững lại.

Theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là phải cổ phần hóa 74 doanh nghiệp nhà nước nhưng Bộ Giao thông vận tải chỉ hoàn thành chuyển đổi được 31 doanh nghiệp.

Hoàn tất cổ phần hóa tổng công ty trong năm 2009

Theo kế hoạch của ngành, năm 2007 công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước sẽ được đẩy mạnh với tổng số 165 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 92 doanh nghiệp; thực hiện bán 4 doanh nghiệp; thực hiện phá sản 5 doanh nghiệp; sáp nhập 5 doanh nghiệp thành doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc vào công ty mẹ; làm thủ tục công nhận các công ty nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích; tiếp tục sắp xếp lại các đoạn quản lý đường sông trong đó chuyển một số đoạn sang hình thức công ty cổ phần Nhà nước nắm cổ phần chi phối; thành lập mới 3 doanh nghiệp.

Bộ Giao thông vận tải phấn đấu trong 2 năm (2007 - 2008), cổ phần hóa toàn bộ các công ty thành viên thuộc các Tổng công ty 90 và 91 để tạo tiền đề để hoàn tất cổ phần hóa các tổng công ty trong năm 2009.

Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng, đây là mục tiêu phải thực hiện bằng được để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong ngành tiếp cận với tiến trình hội nhập, cạnh tranh khi Việt Nam tham gia WTO.

Trước mắt, Bộ sẽ rà soát lại hệ thống cơ chế chính sách về cổ phần hóa và hoàn thiện theo hướng: mở rộng đối tượng cổ phần hóa bao gồm cả các doanh nghiệp hoạt động công ích, các đơn vị sự nghiệp, bổ sung phương thức bán cổ phần lần đầu, quy định về nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, chính sách bán cổ phần lần đầu, nâng tỷ lệ cổ phần bán ra ngoài, sửa đổi quy định xác định giá trị doanh nghiệp, tăng cường giám sát việc cổ phần hóa các doanh nghiệp có quy mô lớn...

Cổ phần hóa ngay các đơn vị đủ điều kiện

Để đạt mục tiêu này, Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo các cục quản lý nhà nước, các tổng công ty 90, 91 cần có sự tập trung chỉ đạo để đẩy tiến độ sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mà trọng tâm là thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp; đối với các doanh nghiệp không thể cổ phần hóa được, lãnh đạo đơn vị chủ quản cần chủ động đề xuất, báo cáo Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ cho thực hiện bán hoặc phá sản.

Đối với các doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi, các doanh nghiệp cần có sự chuyển biến thực sự trong hoạt động của mình. Đối với một số doanh nghiệp công ích có tính đặc thù, các cục quản lý nhà nước chuyên ngành một mặt nghiên cứu đề xuất các giải pháp sắp xếp, đổi mới đối với những doanh nghiệp này đồng thời có thể nhanh chóng tiến hành cổ phần hóa ngay những đơn vị hội đủ điều kiện.

Do số lượng các doanh nghiệp nhà nước cần tiến hành cổ phần hóa còn nhiều, chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô lớn và nắm giữ khối lượng vốn Nhà nước rất lớn nên ngành giao thông vận tải đề xuất những giải pháp thống nhất nhận thức, chỉ đạo kiên quyết và đề cao trách nhiệm trong thực hiện.

Các cục, tổng công ty được yêu cầu kế hoạch thật cụ thể sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa theo phương án đã được phê duyệt. Đồng thời, tìm cách xóa bỏ tình trạng cổ phần hóa khép kín, tăng lượng cổ phần bán ra ngoài doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược được tham gia với tỉ lệ sở hữu vốn lớn hơn, có vai trò và tác động thực sự làm thay đổi cung cách quản lý, tăng tiềm lực tài chính, công nghệ, thị trường của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp tiếp tục cải tiến quy trình cổ phần hóa theo hướng đơn giản, giảm thủ tục hành chính, đặc biệt là quy trình kiểm kê tài sản, xác nhận nợ, xử lý tài chính và định giá doanh nghiệp. Sử dụng các dịch vụ của thị trường tài chính và thị trường bất động sản để định giá doanh nghiệp, trong trường hợp cần thiết được thuê công ty tư vấn và chuyên gia nước ngoài.