10:19 28/11/2022

Ngành giao thông vận tải thanh tra 4 nhóm chính, chú trọng kiểm soát tài sản của cán bộ

Anh Tú

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng vừa ký phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030”...

Nhiều sai phạm xảy ra tại các dự án cao tốc khiến lãnh đạo các đơn vị nhà thầu, giám sát, thi công bị truy cứu.
Nhiều sai phạm xảy ra tại các dự án cao tốc khiến lãnh đạo các đơn vị nhà thầu, giám sát, thi công bị truy cứu.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ, công khai, minh bạch các hoạt động, tạo điều kiện cho việc giám sát xã hội; sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo; thực hiện nghiêm việc công khai trên hệ thống công khai của Bộ. Quan điểm của Bộ khi thực hiện đề án này là nhằm mục tiêu triển khai kịp thời, cụ thể chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cùng với quan điểm lấy phòng ngừa, là chính, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực là quan trọng, cấp bách, giai đoạn từ nay đến năm 2025,

Bộ Giao thông vận tải cũng đặc biệt lưu ý các cơ quan, đơn vị phải chủ động nhận diện những khâu, công việc, vị trí tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực của tổ chức, cá nhân để xây dựng quy định và cơ chế tự kiểm tra, kiểm soát, tập trung vào 4 nhóm lĩnh vực chính.

Thứ nhất, công tác quản lý và thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó, tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia như: dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành…

Thứ hai, công tác quản lý, sử dụng, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông vận tải.

Thứ ba, hoạt động cấp phép, cho phép, thỏa thuận về các chuyên ngành đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, đăng kiểm, quản lý chất lượng và đấu thầu các công trình thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước ngành từ Bộ Giao thông vận tải đến các Cục, đơn vị.

Thứ tư, các lĩnh vực nhạy cảm khác thuộc thẩm quyền, trách nhiệm quản lý của Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị, doanh nghiệp theo quy định, phân cấp, ủy quyền như: công tác tổ chức, cán bộ; công tác xây dựng thể chế; quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; dự án công nghệ thông tin; xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, quản lý, khai thác bảo trì công trình giao thông; quản lý tài chính công, sử dụng đất đai, tài sản công; công tác đào tạo, sát hạch cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn; đăng kiểm phương tiện…

Cũng tại đề án này, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh đến năm 2025, các đơn vị trực thuộc cũng được giao tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cùng đó là rà soát, chỉ đạo xây dựng hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng tiêu cực gắn với công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; thể chế hóa kịp thời các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập trong thể chế, chính sách, pháp luật để khắc phục.

"Các đơn vị cũng phải tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tài sản thu nhập, kiểm toán nội bộ, tập trung vào các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, nhạy cảm", Bộ Giao thông vận tải lưu ý.

Đến năm 2030, căn cứ vào Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, các văn bản quy định, hướng dẫn của Trung ương và tình hình thực tiễn thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ Giao thông vận tải sẽ tiến hành rà soát, triển khai đề án phù hợp với yêu cầu.

 

Trong 9 tháng năm 2022, Thanh tra ngành giao thông vận tải triển khai thực hiện 51.210 cuộc thanh tra, kiểm tra; qua đó, kiến nghị xử lý về kinh tế gần 227 tỷ đồng.

Cụ thể, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải triển khai thực hiện 22 cuộc thanh tra, kiểm tra, gồm 15 cuộc hành chính và 7 cuộc chuyên ngành; 16 cuộc theo kế hoạch và 6 cuộc đột xuất; đã kết thúc 20/22 cuộc thanh tra, kiểm tra tại đơn vị; tham mưu trình lãnh đạo Bộ ban hành 7 kết luận thanh tra và 10 văn bản chỉ đạo sau kiểm tra. 

Các đơn vị đã thực hiện 51.188 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, qua đó xử phạt 37.871 vụ vi phạm, với số tiền hơn 219,3 tỷ đồng...