16:20 08/11/2022

“Tham nhũng vặt” giống như "vòi bạch tuộc" đeo đẳng, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp

Quang Trung

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), tình trạng “tham nhũng vặt” diễn ra đa dạng và ngày càng tinh vi, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp...

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) - Ảnh: Quochoi.vn

Ngày 8/11, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022. 

Tham gia thảo luận, cơ bản tán thành với các báo cáo của các cơ quan đã trình bày, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) tập trung phân tích vấn đề “tham nhũng vặt”.

Theo đại biểu, tình trạng “tham nhũng vặt” diễn ra đa dạng và ngày càng tinh vi, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc hay giải quyết không đến nơi đến chốn, giải quyết không khách quan, không theo hướng tháo gỡ mà theo cách bóp chặt.

"Với cách làm đó, người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, đòi hỏi phải quà cáp biếu xén... thậm chí nhiều vụ việc thì còn đòi hỏi phí bôi trơn. Điều đáng lo ngại là điều này ngày càng trở nên phổ biến", đại biểu nhấn mạnh

Đại biểu ví "tham nhũng vặt" giống như “vòi bạch tuộc” đeo đẳng, bám chặt, đã gây bức xúc lớn cho Nhân dân, doanh nghiệp, làm chùn bước các nhà đầu tư, làm cho các hoạt động của xã hội bị chậm lại, làm xói mòn lòng tin của Nhân dân.

Trước thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ mong muốn của cử tri, của nhân dân là Đảng, Nhà nước cần tập trung hơn nữa việc chống “tham nhũng vặt”, chống tiêu cực trong xã hội.

Ông đánh giá cao những nỗ lực chống tham nhũng, tiêu cực, chống tội phạm, góp phần ổn định xã hội của các cơ quan cho thấy sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt, nghiêm minh của các cơ quan pháp luật từ khâu điều tra, xét xử, thi hành án trong các vụ tham nhũng lớn. Tuy nhiên, theo đại biểu, số liệu về xử lý cán bộ công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp còn khiêm tốn cho việc thực tế đang diễn ra.

"Phòng, chống tham nhũng chỉ có thể làm được tốt hơn, hiệu quả hơn khi có sự vào cuộc của cả xã hội, nhất là của Nhân dân và của quần chúng. Do đo, cần phổ biến chính sách pháp luật nhiều hơn, rộng hơn; phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan, nhất là cơ quan dân cử các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội", đại biểu đoàn Hà Nội nói.

Tại phiên họp, trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, năm 2022, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và có bước đột phá mạnh mẽ.

Theo đó, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra phát hiện, làm rõ nhiều sai phạm và thi hành kỷ luật đối với nhiều đảng viên vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổ chức bộ máy các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng tiếp tục được kiện toàn, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; các cơ quan chức năng đã làm rõ, khởi tố mới nhiều vụ án. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm minh, công khai các đối tượng sai phạm, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương quản lý; nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng, kéo dài và những hành vi tham nhũng trước đây ít được phát hiện như nhận hối lộ, đưa hối lộ… đã được khám phá, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời.

Tuy nhiên, theo bà Nga, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để phòng, chống tham nhũng còn có những hạn chế; một số quy định còn chưa đồng bộ, thống nhất; cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý.

"Một số quy định còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là trên các lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu; đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp; việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế; công tác kiểm tra, đánh giá chưa thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa tham nhũng chưa cao; chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Do đó, Ủy ban Tư Pháp đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.

Bên cạnh đó, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp chính quyền, xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Ủy ban Tư Pháp đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật.

Ủy ban Tư Pháp cũng đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, quản lý thuế...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.