Ngành nuôi biển: Còn nhiều bấp cập, lãng phí tiềm năng
Nghề nuôi biển Việt Nam mới ở giai đoạn đầu, trình độ thấp, chủ yếu nuôi ở vùng ven bờ bộc lộ nhiều bất cập
Các chuyên gia cho biết, Việt Nam có đủ điều kiện tự nhiên và lợi thế để trở thành cường quốc về nuôi biển, mở ra hướng phát triển mới, chủ đạo đầy tiềm năng cho ngành thủy sản thay sắc, bứt phá vươn lên. Thế nhưng, nghề nuôi biển vẫn đang bị bỏ ngỏ với nhiều bấp cập, lãng phí tiềm năng.
Theo Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam có vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm 30% diện tích Biển Đông. Bờ biển dài 3.260 km với hơn 3.000 hòn đảo và các quần đảo như Phú Quốc, Thổ Chu, Côn Sơn, Phú Quý, Bạch Long Vĩ, Trường Sa,... và nhiều eo, vịnh.
Tiềm năng to, lợi thế lớn
Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển, trong đó có nuôi trồng, chế biến và thương mại các sinh vật biển. Cả nước có trên 20 triệu cư dân sống ven biển và trên các đảo. Đây là lực lượng lao động quan trọng để phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển.
Thời gian qua, nghề nuôi biển phát triển trên nhiều miền đất nước. Nhiều tỉnh, thành ven biển có điều kiện thuận lợi về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu đã phát triển nghề nuôi biển trên cạn, lồng bè với vốn đầu tư thấp. Tổng diện tích tiềm năng nuôi trồng hải sản trên biển và đảo của Việt Nam là 244.190 ha. Nghị quyết 09/NQ-TƯ (9/2/2007) đặt mục tiêu đến năm 2020 đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước.
Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho biết, lĩnh vực nuôi biển thời gian qua có bước phát triển đáng kể, diện tích và sản lượng không ngừng tăng. Giai đoạn từ 2010 - 2017, diện tích nuôi biển từ 38.800 ha tăng lên 246.000 ha; sản lượng nuôi biển từ 156.000 tấn tăng lên 377.000 tấn. Các đối tượng nuôi chính là cá biển (cá song, cá giò, cá vượt, cá chẽm...), nhuyễn thể (nghêu, hàu, sò, tu hài, ốc hương...), giáp xác (tôm hùm, cua, ghẹ...) và rong biển.
Những năm gần đây, nghề nuôi biển phát triển nhanh cả quy mô và sản lượng. Một số địa phương như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang... đã hình thành những mô hình nuôi biển quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến.
Một số mô hình nuôi biển hiện đại cho năng suất, chất lượng cao, hạn chế rủi ro, sản phẩm có thị trường tiêu thụ, nhưng cả nước hiện chỉ có 3 doanh nghiệp đầu tư nuôi cá biển quy mô công nghiệp tại Bình Định, Phú Yên (nuôi cá giò), Khánh Hòa (nuôi cá giò và cá chim vây vàng), sản lượng thu hoạch chủ yếu xuất khẩu.
Theo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, nghề nuôi biển Việt Nam mới ở giai đoạn đầu, trình độ thấp, chủ yếu nuôi ở vùng ven bờ bộc lộ nhiều bất cập. Nuôi tự phát, manh mún, phá vỡ quy hoạch, hạ tầng nuôi yếu kém.
Việc cung cấp thức ăn, con giống, công nghệ nuôi hạn chế. Nghề nuôi đối mặt nhiều rủi ro thách thức từ con giống, thức ăn, suy giảm môi trường, thiên tai, dịch bệnh, phát triển không bền vững. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm nuôi biển bấp bênh, xuất khẩu chủ yếu tiểu ngạch, các nhà máy chế biến không tham gia mắt xích tiêu thụ...
Bao giờ hiện thực được giấc mơ?
Phát triển tiềm năng, lợi thế lĩnh vực nuôi biển trong tình hình mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giao Tổng cục Thủy sản phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng Chiến lược phát triển nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Theo đó, duy trì và ổn định vùng nuôi biển ven bờ có hiệu quả, bảo đảm môi trường sinh thái. Phát triển mạnh công nghiệp nuôi biển xa bờ, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung qui mô lớn, bền vững, tạo sản phẩm chất lương cao, vệ sinh an toàn thực phẩm, có thương hiệu, cung ứng thị trường nội địa và xuất khẩu. Mục tiêu đến năm 2020 đạt sản lượng nuôi biển 810.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị 500 - 700 triệu USD.
Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, sản lượng đạt 1,750 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hải sản nuôi biển đạt 4-6 tỷ USD. Đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu về công nghiệp nuôi biển trong khối ASEAN và châu Á; đứng trong top 5 thế giới về sản lượng và giá trị xuất khẩu hải sản năm 2050 với sản lượng nuôi biển đạt 3 triệu tấn/năm, giá trị thương mại và xuất khẩu đạt trên 10 tỉ USD/ năm.
Để đạt mục tiêu đó, thời gian tới cần triển khai các giải pháp đồng bộ thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển bền vững, đưa lĩnh vực nuôi biển trở thành trụ cột chính trong phát triển ngành thủy sản.
Các chuyên gia cho biết, nuôi hải sản trên biển là xu hướng phát triển trên thế giới. So với vật nuôi trên cạn, nuôi thủy sản nói chung được đánh giá hiệu quả kinh tế cao hơn, không gây tác hại môi trường nhiều như vật nuôi trên cạn.
PGS.TS.Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, ngành đánh bắt khai thác gấp 2,5 lần sản lượng hải sản thiên nhiên tái tạo, nếu vẫn giữ mức khai thác như hiện nay thì nguồn lợi thủy hải sản ngày càng cạn kiệt, nuôi biển sẽ góp phần hạn chế khai thác hải sản tự nhiên.
Phát triển công nghiệp nuôi biển qui mô lớn tạo sản phẩm mới, giá trị cao trong xuất khẩu, giải quyết nguyên liệu chế biến, cơ hội phát triển cho ngành thủy sản, tăng GDP các địa phương và thu nhập cho cư dân ven biển, góp phần ổn định dân sinh, giữ gìn an ninh vùng biển. Hiện các loại hải sản mà Việt Nam đang nuôi biển như cá chẽm, cá mú, cá chim, tôm, cua, ghẹ, sò, ốc,... thị trường thế giới có nhu cầu rất cao và ngày càng tăng, nhưng Việt Nam chưa có đủ sản phẩm đạt tiêu chuẩn và sản lượng đáp ứng nhu cầu.
Nuôi biển đóng vai trò phát triển kinh tế quan trọng là thế, nhưng đến nay các giải pháp triển khai theo chiến lược đề ra với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành cường quốc nuôi biển không biết đến bao giờ mới thực hiện.