16:13 18/08/2011

Ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc trong Fortune 500

An Huy

Hầu hết các công ty lớn của Trung Quốc đều là doanh nghiệp quốc doanh hoặc được nhà nước hỗ trợ

Điều khiến các doanh nghiệp Mỹ lo nhất là hầu hết công ty lớn của Trung Quốc là doanh nghiệp quốc doanh hoặc được nhà nước hỗ trợ.
Điều khiến các doanh nghiệp Mỹ lo nhất là hầu hết công ty lớn của Trung Quốc là doanh nghiệp quốc doanh hoặc được nhà nước hỗ trợ.
Khi lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gặp gỡ tại Hawaii sau 3 tháng nữa, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn có thể tự hào với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào rằng, nước Mỹ có nhiều công ty lớn hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới năm 2011 của tạp chí Fortune, nước Mỹ dẫn đầu với 133 doanh nghiệp, nhiều hơn 4 doanh nghiệp so với cả Nhật và Trung Quốc gộp lại. Nhật Bản có 68 công ty và Trung Quốc có 61 công ty lọt vào danh sách này.

Tuy nhiên, theo Reuters, nếu nhìn lại năm 2005, nhà lãnh đạo Trung Quốc có lý do để mỉm cười. Vào năm đó, Trung Quốc chỉ có 16 công ty trong Fortune 500, so với con số 176 doanh nghiệp của Mỹ. Từ đó đến nay, có ít nhất một công ty Mỹ là Lehman Brothers đã bị loại khỏi “bảng công thần” này.

Cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Robert Kimmitt cho rằng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc và nỗ lực đưa các công ty trong nước ra thị trường toàn cầu của nước này, số lượng những cái tên Trung Quốc trong danh sách các công ty lớn nhất thế giới sẽ còn tăng thêm.

Tuy nhiên, điều khiến các công ty Mỹ lo nhất là hầu hết các công ty lớn của Trung Quốc đều là những doanh nghiệp quốc doanh (SOE) hoặc được nhà nước hỗ trợ (SSE), trong đó có cả 3 công ty trong top 10 của Fortune 500 là  China Petroleum and Chemical Corp (Sinopec), China National Petroleum và State Grid.

“Một lực lượng mới trong nền kinh tế thế giới đang đe dọa sức cạnh tranh của các công ty và người lao động Mỹ trên thị trường toàn cầu, đồng thời xói mòn niềm tin của nước Mỹ vào nền kinh tế dựa trên các quy luật thị trường”, Reuters trích dẫn một báo cáo của Hội đồng Thương mại Mỹ và Hiệp hội các ngành dịch vụ Mỹ.

“Hiện tại, không có đủ những quy chế quốc tế hiệu quả để giải quyết vấn đề này”, báo cáo có đoạn viết. Bản báo cáo còn phàn nàn rằng, Trung Quốc và một số quốc gia khác áp dụng nhiều quy định pháp lý ưu ái và những khoản trợ cấp hào phóng cho các doanh nghiệp quốc doanh.

Ở thời điểm này, thực tế trên ảnh hưởng nhiều nhất tới những công ty Mỹ cạnh tranh trực tiếp với các SOE và SSE ở thị trường “sân nhà”. Tuy nhiên, báo cáo lo ngại, một khi các SOE và SSE lớn mạnh thêm, họ sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn với các công ty Mỹ ở các thị trường nước ngoài thứ ba, và thậm chí ngay tại Mỹ.

Reuters cho biết, giới quan sát đang kỳ vọng Phó tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đề cập đến những lo ngại này trong cuộc hội kiến với Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào tuần này.

Phát biểu trước báo giới hồi đầu tuần này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Lael Brainard cho biết, nước này cho rằng Trung Quốc nên “xóa bỏ những biện pháp kiểm soát tài chính thiên về việc hướng dòng vốn tín dụng giá rẻ sang các SOE”, đặt các công ty Mỹ và các công ty nước ngoài khác vào thế bất bình đẳng.

Chính quyền Tổng thống Barack Obama cũng đang thúc đẩy Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) - nhóm gồm 34 quốc gia phát triển và mới nổi - đi tới một khuôn khổ nhằm đảm bảo rằng các doanh nghiệp có sự hậu thuẫn của chính phủ không được hưởng những ưu đãi bất bình đẳng so với các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân.

“Nước Mỹ không quan tâm đến chuyện các quốc gia khác thành lập các SOE. Nhưng nước Mỹ rất lo, sân chơi giữa các công ty như vậy với các doanh nghiệp Mỹ là không bình đẳng”, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ Robert Hormats nói trong một bài phát biểu mới đây.

Theo ông Homarrt, các SOE của Trung Quốc và nhiều nước khác có hàng loạt lợi thế để giành thị phần, gồm thuế suất thấp, cơ chế pháp lý ít ngặt nghèo hơn, thị trường nội địa được bảo hộ, quyền tiếp cận ưu tiên đối với thị trường mua sắm của chính phủ trong nước…

Ông Homart cũng cho rằng, những lợi thế này đóng vai trò đòn bẩy cho những lợi thế sẵn có của các SOE như quy mô lớn, theo đó làm giảm chi phí hoạt động, tăng doanh số, cho phép các doanh nghiệp này đầu tư vào công nghệ mới, tăng sức cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước.

Các tổ chức đại diện giới doanh nghiệp Mỹ ủng hộ nỗ lực của OECD, mặc dù Trung Quốc chưa phải là một thành viên của tổ chức này. Tuy nhiên, giới doanh nghiệp Mỹ nhấn mạnh hơn vào tiến trình đàm phán thương mại tự do với 8 nước châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Singapore, Malaysia, Peru và Việt Nam.

Ngoài ra, Nhà Trắng hy vọng mối quan hệ đối tác này sẽ tạo nền móng cho Hiệp định Thương mại tự do khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà cả Mỹ cùng ủng hộ trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Ông Kimmitt cho rằng, Trung Quốc sẽ được lợi nếu định hướng lại các SOE của nước này để tránh khả năng xảy ra xung đột chính trị khi các SOE Trung Quốc tiến vào thị trường Mỹ và châu Âu.

Ông Kimmitt đề cập đến những lo ngại cách đây vài năm, khi nước Mỹ nghi ngờ các quỹ lợi ích quốc gia của Trung Quốc và một số nước khác đầu tư vào Mỹ là nhằm mục đích chính trị thay vì lợi ích thương mại đơn thuần.