Nghề báo trước làn sóng công nghệ mới
Việc ứng dụng giải pháp công nghệ đọc báo tự động đang nổi lên như một xu hướng tất yếu
Thay vì phải dán mắt vào màn hình điện thoại hay máy tính để đọc những tin tức, bài viết trên báo điện tử, độc giả có thể rảnh tay làm các công việc khác, lái xe hoặc thư giãn... với công nghệ đọc tự động. Đọc tự động, trí tuệ nhân tạo (AI) và một số xu hướng công nghệ mới đang góp phần làm thay đổi cách thức tiếp cận thông tin của độc giả cũng như cách truyền tin của các tòa báo điện tử.
Báo điện tử Tổ quốc, Dân Trí và chuyên trang tin tức công nghệ ICTnews là những đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ tự động chuyển đổi nội dung bài báo thành báo nói đã và đang tạo trải nghiệm mới, thu hút sự quan tâm của người đọc. Audio là hướng phát triển đầy tiềm năng đang được nhiều báo điện tử tìm hiểu, xem xét để ứng dụng.
Theo ông Nguyễn Lộc Vũ, Giám đốc Công nghệ Công ty FPT Online, đây là tín hiệu tốt, cho thấy sự quan tâm và ứng dụng công nghệ vào trong hoạt động xuất bản của các tòa soạn. Điều này sẽ giúp các tòa soạn có thêm hình thức tương tác mới với độc giả, đặc biệt là những người thích nghe tin thay vì xem tin.
Audio - bước chuyển mình của báo điện tử
Với việc ứng dụng công nghệ Audio, độc giả của các báo này khi đọc tin bài trên máy tính hay các thiết bị di động đều có thêm một lựa chọn đó là bật audio để nghe nội dung bài viết. Tính năng này sẽ rất thuận tiện để độc giả cập nhật thông tin ngay cả khi bận việc, trong khi đó vì nội dung bài được tự động đọc nên tòa soạn cũng không phải huy động nhân lực. Để phù hợp với sở thích và vùng miền, độc giả có thể tùy chọn giọng đọc là nam hoặc nữ, giọng nói miền Nam hoặc miền Bắc.
Được biết, phiên bản báo nói của Dân trí là thành quả kết hợp với Trung tâm Không gian Mạng Viettel (VTCC). Các kỹ sư nhóm xử lý tiếng nói của VTCC đã sử dụng công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực AI để sinh ra tiếng nói tiếng Việt với ngữ điệu tự nhiên, đa dạng và dễ dàng tích hợp trên các hệ thống.
Còn với ICTnews ứng dụng giải pháp của Vbee- nhóm nghiên cứu, phát triển các giải pháp, dịch vụ số hoá dữ liệu và nền tảng công nghệ AI, tập trung vào công nghệ chuyển văn bản thành tiếng nói Text-To-Speech và hội thoại thông minh. Hệ thống này dựa vào nền tảng AI để tự học, tự cải thiện chất lượng đọc theo thời gian.
Có thể thấy, ngày nay một tòa soạn báo điện tử không đơn thuần làm báo viết như truyền thống mà hoàn toàn có thể sản xuất và sử dụng video như báo hình, hay hoàn toàn có thể phát những đoạn audio như báo nói để độc giả của mình có thể xem video, nghe audio bất cứ lúc nào mà không phải phụ thuộc vào thời gian phát sóng như đối với báo hình và báo nói truyền thống.
Dưới góc nhìn của người làm công nghệ, ông Bùi Công Duyến, Giám đốc sản phẩm tòa soạn hội tụ ONECMS, Công ty cổ phần Công nghệ NEKO cho rằng, bước lấn sân rộng khắp của báo điện tử là điều dễ hiểu vì sự phát triển của công nghệ số và mạng Internet hoàn toàn có khả năng hỗ trợ điều đó. Có thể nói, báo điện tử như có những vùng trời mới được mở ra khi công nghệ phát triển.
Ông Duyến cho biết, đã và đang tiếp tục hỗ trợ các báo điện tử triển khai công nghệ này. Nhìn chung khi có khả năng mang đến cho độc giả sản phẩm chất lượng hơn, đa dạng hơn thì chắc hẳn không đơn vị báo chí nào không muốn làm, nhất là trong thời đại thông tin bùng phát mạnh mẽ như hiện nay.
Theo chia sẻ của các đơn vị triển khai công nghệ, trong quá trình làm việc với lãnh đạo các tòa soạn ở Việt Nam, các tòa soạn đều nhận thấy sức mạnh của công nghệ và mong muốn sự thay đổi mang đến bởi công nghệ. Rất nhiều báo điện tử ở Việt Nam đã nắm bắt rất nhanh xu hướng mới này để nâng cao chất lượng, phục vụ tốt hơn cho bạn đọc.
Ông Lê Minh Hưng, Giám đốc Trung tâm không gian mạng Viettel khẳng định, việc ứng dụng giải pháp công nghệ đọc báo tự động đang nổi lên như một xu hướng tất yếu mà các báo điện tử sẽ triển khai. Các báo khi triển khai ứng dụng công nghệ này cũng đã thu hút được độc giả quan tâm, đón nhận, dùng thường xuyên. Nắm bắt tin tức thông qua nghe đang trở thành nhu cầu lớn của các đối tượng độc giả đặc biệt là người già, trung niên, những người thường xuyên di chuyển...
Sau khi được ứng dụng cho Dân Trí, ông Hưng thông tin, hiện nay đang có khoảng 30 tờ báo điện tử khác liên hệ tích hợp triển khai giải pháp này. Con số này có thể sẽ tiếp tục tăng và trong thời gian tới, phần lớn các báo sẽ triển khai ứng dụng công nghệ này.
Việc ứng dụng xử lý tiếng nói cho xã hội trong thời gian tới sẽ nở rộ. Hiện nay đang có khoảng 5.000 khách hàng đang ứng dụng công nghệ xử lý tiếng nói của Viettel bao gồm cả các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.
Ông Hưng cũng cho biết sẽ tiếp tục hướng nghiên cứu chuyên sâu, tạo giọng đọc đặc biệt hơn nữa để phục vụ các nhu cầu về đọc truyền cảm, đọc truyện, phát thanh viên... Riêng với phát thanh viên, đơn vị đang hoàn thiện công nghệ và ứng dụng trong lĩnh vực hợp lý như doanh nghiệp...
"Mặc dù các công nghệ tự đọc hiện nay chưa thể hoàn thiện như phát thanh viên, nhưng điều quan trọng là công nghệ này sẽ mở ra cánh cửa của tương lai. Hãy thử hình dung, một ngày mới thức dậy, độc giả của báo nói với chiếc loa thông minh trong nhà "Đọc cho tôi các tin tức mới nhất về thị trường chứng khoán hôm nay". Và trong khi độc giả đang đánh răng, rửa mặt thì loa sẽ đọc các tin tức mới nhất về thị trường chứng khoán vừa được đăng tải", ông Duyến nói.
Những xu hướng công nghệ chủ đạo tác động tới báo chí
Trong thập kỷ vừa qua, công nghệ đã và đang thay đổi đáng kể cách chúng ta tiếp cận và tạo ra tin tức. Với sự xuất hiện của các công nghệ mới như hiện nay thì các báo sẽ mạnh lên, thành lực lượng đáng kể cân bằng lại với thông tin của mạng xã hội. Trang nào áp dụng chậm hoặc không áp dụng sẽ khó có thể cạnh tranh, chiếm lĩnh độc giả. Điều quan trọng nhất với thời đại số là thông tin nhanh và kịp thời, chính xác. Muốn vậy phải áp dụng công nghệ nắm bắt thông tin tự động, dịch máy... để cập nhật thông tin.
Cùng với sự xuất hiện của các thiết bị loa thông minh trong gia đình với khả năng tự động đọc báo cho độc giả, ông Duyến cho rằng, có 4 xu hướng công nghệ mới đang thu hút sự quan tâm. Trước hết là các hội, nhóm kín của người dùng trên các mạng xã hội và các ứng dụng nhắn tin là sự phát triển tiếp theo trong truyền thông xã hội.
Bên cạnh đó, mặc dù vẫn còn quá sớm để nói về công nghệ thực tế ảo (VR) nhưng hiện nay các tòa soạn báo lớn trên thế giới đã bắt đầu thử nghiệm, áp dụng công nghệ này như The New York Times và BBC. "Thử hình dung, khi sử dụng công nghệ thực tế ảo, một bản tin về tình hình chiến sự tại Syria sẽ cho khán giả thấy các cảnh tượng tàn khốc của cuộc chiến mà không hình ảnh hay video nào có thể diễn tả được", ông Duyến minh họa.
Ngoài ra, Chat bot đang tạo ra một công cụ giao tiếp mới bởi nhiều tòa soạn báo trên thế giới đang sử dụng đố vui, chat bot để trò chuyện và nhiều cách không chính thức khác để truyền tải tin tức cũng như các vấn đề hiện tại đến độc giả.
Một xu hướng mới cũng đang được báo chí thế giới quan tâm, đó là "phóng viên robot". Theo ông Duyến, viết báo tự động, hay robot báo chí có thể không thể viết được nội dung của mọi chuyên mục nhưng đang được sử dụng cho các bài báo công thức như báo cáo kinh doanh và thể thao... Trong khi đó, Los Angeles Times thì sử dụng các phóng viên robot để báo cáo về các trận động đất trong khu vực.
Từ những minh chứng này, các chuyên gia nhấn mạnh, các công nghệ Big Data, AI,... đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đối với nghiệp vụ báo chí theo chiều hướng tích cực hơn. AI đã được sử dụng rộng rãi tại nhiều tòa soạn trên thế giới. Các ông lớn trong làng báo như AP, Reuters, BBC, Washington Post, New York Times, The Guardian,... đã tiên phong trong vận dụng AI vào hoạt động xuất bản.
Các tòa soạn vận dụng những công nghệ này để tự động hóa trong hoạt động xuất bản, từ đó tối ưu hóa quy trình xuất bản. Thông qua các việc tự động tổng hợp, trích xuất, xử lý thông tin từ nhiều nguồn, tòa soạn và phóng viên có thể cập nhật nhanh các sự kiện, xu hướng mới theo thời gian thực, qua đó hỗ trợ đắc lực và hiệu quả cho việc định hướng xuất bản tin.
Ông Vũ cho rằng, nếu vận dụng tốt AI, các tòa soạn có thể tối ưu hóa chi phí hoạt động sản xuất với nhân lực vừa phải, thông qua tự động hóa. Các nhà báo sẽ có thêm thời gian, có thêm nguồn dữ liệu khổng lồ, công cụ tác nghiệp hiệu quả, từ đó tăng năng suất lao động, tính sáng tạo cũng như chất lượng tin bài.
Đặc biệt, việc ứng dụng các công nghệ Big Data sẽ giúp tòa soạn phân tích được hành vi truy cập, tương tác của độc giả, từ đó hiểu hơn về nhu cầu, cách tiếp cận thông tin của họ để có được những ứng dụng nâng cao trải nghiệm, đáp ứng được đúng nhu cầu về tin tức mà độc giả quan tâm.
Ngoài ra, thời gian gần đây có một số dự án công nghệ blockchain trong báo chí, nhằm kiểm tra nguồn thông tin, xác định tác quyền... nhưng mới ở mức bắt đầu. "Do đó các công nghệ như Big Data, AI vẫn tiếp tục là xu thế chủ đạo được nhiều tòa soạn ứng dụng trong thời gian tới", ông Vũ nhận định.