Nghi ngờ Triều Tiên, Mỹ vẫn muốn tiếp tục đàm phán
Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục đàm phán với Bình Nhưỡng
Tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ khả năng tiếp tục đàm phán với Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa, cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump cho biết ngày 7/3. Tuyên bố này của Mỹ được đưa ra bất chấp thông tin mấy ngày gần đây nói rằng Triều Tiên đang khôi phục một phần chương trình tên lửa.
Thông tin tìn báo cho biết đang có hoạt động diễn ra tại nhà máy trước đây từng sản xuất loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đầu tiên của Triều Tiên có khả năng vươn tới đại lục Mỹ - hai tờ báo hàn Quốc JoongAng Ilbo và Donga Ilbo đưa tin ngày 7/3. Hai tờ báo này đều dẫn nguồn tin là các nghị sỹ Hàn Quốc được nghe báo cáo từ Cơ quan Tình báo Quốc gia nước này (NIS).
Trước đó, hai tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Mỹ là 38 North và Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) và tình báo Hàn Quốc cùng nói rằng Triều Tiên đã xây dựng lại một phần khu phóng tên lửa Sohae từ trước khi diễn ra cuộc gặp giữa ông Trump với Chủ tịch Kim Jong Un ở Hà Nội.
Khi được hỏi về vấn đề này, ông Trump hôm thứ Tư nói ông sẽ "rất, rất thất vọng" về ông Kim nếu những thông tin đó là sự thật.
Hôm thứ Năm, 38 North và CSIS nói rằng họ tin khu phóng tên lửa Sohae lại đang hoạt động trở lại.
Những thông tin trên về Triều Tiên đặt ra thêm nhiều câu hỏi về tương lai cuộc đối thoại Mỹ-Triều, sau khi thượng đỉnh lần thứ hai giữa ông Trump và ông Kim kết thúc mà không đạt một thỏa thuận nào.
Tuy nhiên, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton - một nhân vật theo đường lối cứng rắn trong vấn đề Triều Tiên - ngày 7/5 nói rằng ông Trump vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục đàm phán với Bình Nhưỡng.
"Tổng thống dĩ nhiên muốn tiếp tục đàm phán. Chúng ta hãy chờ xem đàm phán được lên lịch thế nào và mang lại hiệu quả ra sao", ông Bolton nói với Fox News. Vị cố vấn cũng cho rằng còn quá sớm để xác định mức độ chính xác của những thông tin mới được đưa ra về Triều Tiên.
"Chúng tôi sẽ xem xét tình hình thật kỹ lưỡng. Như Tổng thống đã nói, sẽ là rất, rất đáng thất vọng nếu họ đi theo hướng đó", ông Bolton nói.
Một số nhà phân tích cho rằng việc Triều Tiên khôi phục một phần chương trình tên lửa là nhằm gây sức ép để Washington đi đến một thỏa thuận, thay vì để nối lại các vụ thử.
Nguồn tin là quan chức Chính phủ Mỹ đề nghị giấu tên nói rằng việc Triều Tiên xây dựng lại khu thử tên lửa Sohae có thể nhằm hai mục đích: nếu thượng đỉnh Hà Nội đạt thỏa thuận, Triều Tiên sẽ đề xuất dừng kế hoạch này lại để thể hiện thiện chí; còn nếu hội nghị không có thỏa thuận, thì Bình Nhưỡng sẽ dùng điều đó để chứng tỏ thái độ cứng rắn.
Hôm thứ Tư, ông Bolton cảnh báo rằng Mỹ có thể áp thêm các biện pháp trừng phạt mới nếu Triều Tiên không từ bỏ chương trình vũ khí.
Về phần mình, Triều Tiên đang phát đi những tín hiệu trái chiều về quan hệ với Mỹ, nhưng có ý xem ông Bolton như một "kẻ phá bĩnh".
Trong một bộ phim tài liệu dài 78 phút về thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai được truyền hình trung ương Triều Tiên phát sóng hôm thứ Tư, Bình Nhưỡng nhấn mạnh vào sự thân thiện giữa ông Kim và ông Trump trong cuộc gặp ở Hà Nội. Theo giới chuyên gia, điều này là một dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng vẫn muốn tiếp tục đàm phán với Washington.
Bộ phim có những khoảnh khắc cho thấy ông Bolton giữ vẻ mặt lạnh lùng trong thượng đỉnh Hà Nội, giữa lúc ông Trump và các quan chức khác của Mỹ đều tươi cười.
Một bản tin của hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA lại chỉ trích cuộc tập trận chung quy mô nhỏ mà Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành. Cuộc tập trận nhỏ này thay thế cho hai cuộc tập trận chung thường niên quy mô lớn Mỹ-Hàn, mà ông Trump nói là nhằm giảm chi phí cho Mỹ và cũng để giảm căng thẳng với Triều Tiên.
Tuy quy mô tập trận Mỹ-Hàn giảm mạnh so với mọi năm, KCNA vẫn cho rằng cuộc tập trận là "sự vi phạm nghiêm trọng" các thỏa thuận đã có giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc.