08:54 29/10/2008

Nghị trường “nóng” trước khó khăn của nông dân

Minh Thúy

Gạo đầy nhà nhưng tiền không có vì nhận định sai trong xuất khẩu, chăn nuôi thua lỗ vì nhập khẩu thịt

Vấn đề thiểu phát đã không được các đại biểu đề cập nhiều như gợi ý của chủ tọa, mà những vấn đề về nông nghiệp - nông thôn mới thực sự làm nóng nghị trường.
Vấn đề thiểu phát đã không được các đại biểu đề cập nhiều như gợi ý của chủ tọa, mà những vấn đề về nông nghiệp - nông thôn mới thực sự làm nóng nghị trường.
Thảo luận  về tình hình kinh tế - xã hội cả ngày 28/10, đa số các đại biểu Quốc hội đều đánh giá đúng mức cố gắng của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định tình hình kinh tế xã hội.

Các đại biểu cho rằng Chính phủ đã nhận rõ yếu kém và có nhiều giải pháp phù hợp trong điều hành.

Tuy nhiên, đầu phiên thảo luận buổi chiều, vấn đề thiểu phát đã không được các đại biểu đề cập nhiều như gợi ý của chủ tọa, mà những vấn đề về nông nghiệp - nông thôn mới thực sự làm nóng nghị trường.

Nông dân thiệt thòi, trách nhiệm của ai?

Đại biểu Trần Hồng Việt (Hậu Giang) cho rằng cử tri ĐBSCL bức xúc, giảm niềm tin vì những chính sách sai lầm gây thiệt hại cho nông dân. "Đến nay chưa thấy bộ ngành nào có động thái cụ thể để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nông dân", ông Việt nói.

Không kém phần gay gắt, đại biểu Võ Văn Liêm (Vĩnh Long) nêu thực trạng: gạo đầy nhà nhưng tiền không có vì nhận định sai trong xuất khẩu, chăn nuôi thua lỗ vì nhập khẩu thịt... Người nông dân cứ lận đận lao đao vì tham mưu không chính xác, đề xuất không kịp thời, nhưng chưa có bộ ngành nào đứng ra nhận trách nhiệm.

Tại phiên thảo luận buổi sáng, nhiều đại biểu đã đề nghị tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Theo đại biểu Hoàng Văn Lợi (Bắc Giang) thì các chính sách của Nhà nước đối với nông thôn, nông nghiệp, nông dân còn nhiều điều chưa thỏa đáng, chưa đầy đủ và phù hợp.

Tăng cường đầu tư nông nghiệp, nông thôn từ 15% - 17% lên ít nhất là 25% tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước là kiến nghị của đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai). Theo đại biểu này,  trên 70% dân số Việt Nam sống dựa vào nông nghiệp, hàng năm đóng góp 20% GDP toàn quốc nhưng đầu tư cho nông nghiệp chỉ bằng khoảng 10% tổng vốn đầu tư của cả nước và chỉ mới đáp ứng khoảng 17% nhu cầu, bảo hộ nông nghiệp mới đạt ở mức 4%, trong khi cam kết WTO là 10% so với giá trị sản lượng nông nghiệp.

Doanh nghiệp Nhà nước: Ưu đãi nhất, yếu kém nhất

Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty cũng là nội dung được nhiều đại biểu “nâng lên, đặt xuống”.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) ví von  doanh nghiệp Nhà nước  giống như một anh chàng công tử con quan được cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo nên béo tốt, to cao vạm vỡ và muốn gì được nấy. Đứng nhất về vị thế và ưu đãi, nhưng cũng nhất về yếu kém, đóng góp cho GDP thấp nhất.

Trong kỳ họp thứ ba của Quốc hội vừa qua cũng ở hội trường này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư đã hứa với Quốc hội sẽ có ngay văn bản quản lý các tập đoàn và tổng công ty cũng như các doanh nghiệp Nhà nước, nhưng đến nay đã có chưa?", đại biểu Đáng đặt câu hỏi.

Đặt vấn đề  các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty Nhà nước đối với lạm phát và chống lạm phát, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đưa ra con số 76 tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước đã được giao xấp xỉ 403 ngàn tỷ và được vay thêm 514 ngàn tỷ đồng.  Nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ hữu ở khối này chỉ đạt 17,04%, thấp nhất so với 3 khối là doanh nghiệp Nhà nước, dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bởi vậy, ông Hùng đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định về cơ chế quản lý và hoạt động của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước theo hướng dần dần xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp và giảm hỗ trợ của nhà nước, đồng thời công khai các hoạt động của các doanh nghiệp này.

Trao đổi với báo chí, đại biểu Nguyễn Đức Kiên, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết sẽ có đánh giá toàn diện về các tập đoàn kinh tế  trong năm 2009.