Ngoài mặt cứng rắn, nhưng thực ra Mỹ-Trung đang tiến gần thỏa thuận?
Nguồn thạo tin tiết lộ rằng thực ra Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần hơn tới chỗ đạt thỏa thuận
Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần hơn tới nhất trí về mức độ dỡ thuế quan trong một thỏa thuận thương mại sơ bộ, bất chấp căng thẳng về vấn đề Hồng Kông và Tân Cương - hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin cho hay.
Hôm thứ Ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ sự cấp thiết phải đạt một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc, phát tín hiệu rằng thỏa thuận như vậy có thể bị lùi tới sau bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. "Tôi chẳng có một thời hạn nào cả. Trên một vài phương diện, tôi thích ý tưởng đợi cho tới sau bầu cử mới chốt thỏa thuận với Trung Quốc", ông Trump tuyên bố trước các nhà báo khi đang ở London để chuẩn bị dự thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuy nhiên, nguồn tin đề nghị không tiết lộ danh tính nói với Reuters rằng không nên hiểu phát biểu trên của ông Trump đồng nghĩa với đàm phán đang lâm vào bế tắc. Nguồn tin thân cận với Bắc Kinh cũng cho biết mâu thuẫn về vấn đề Hồng Kông và Tân Cương có thể không ảnh hưởng gì đến đàm phán thương mại.
Nguồn tin cũng nói các nhà đàm phán Mỹ hiện đang kỳ vọng thỏa thuận giai đoạn 1 sẽ hoàn tất trước ngày 15/12 - thời điểm mà ông Trump dự định sẽ áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc. Hai vấn đề đang được thảo luận kỹ lưỡng là làm thế nào đảm bảo Trung Quốc sẽ mua hàng hóa nông sản Mỹ và những thuế quan nào sẽ được dỡ bỏ.
Khi được hỏi ở Seoul về việc liệu đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ-Trung có thể hoàn tất trong năm nay, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đáp: "Cũng còn tùy. Lập trường của Trung Quốc là rất rõ ràng. Hy vọng là có, miễn sao hy vọng đó dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và tham vấn bình đẳng".
Các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ và châu Âu đồng loạt tăng trước khi thị trường chính thức mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư. Trước đó, thị trường sụt mạnh trong phiên ngày thứ Ba sau phát biểu cứng rắn của ông Trump.
Giới đầu tư toàn cầu đang theo dõi chặt chẽ mọi dấu hiệu về đàm phán thương mại Mỹ-Trung, bởi phủ bóng lên thị trường là một nỗi lo ngày càng lớn rằng ông Trump có thể áp thêm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/12.
Ngày thứ Ba, Hạ viện Mỹ thông qua một dự luật về vấn đề người Hồi giáo ở Tân Cương. Tuần trước, ông Trump ký phê chuẩn dự luật về vấn đề Hồng Kông. Cả hai động thái này đều vấp phải phản ứng mạnh và sự cảnh báo trả đũa từ Bắc Kinh.
Giới chức Mỹ và Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng đàm phán đang tiến triển và hai bên vẫn duy trì liên lạc. Nhưng cùng với đó, hai bên gần đây cũng đưa ra những tuyên bố cứng rắn, khiến thị trường tài chính toàn cầu lo ngại rằng cuộc đàm phán có thể kéo dài lê thê mà không mang lại kết quả nào. Mối lo này ngày càng tăng, cho dù nhiều người thừa hiểu rằng chiến lược từ lâu của ông Trump trong đàm phán thương mại với Trung Quốc là tỏ ra bất cần.
Hôm thứ Ba, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói Mỹ sẽ tiến hành kế hoạch áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc nếu đến giữa tháng 12 mà hai bên chưa đạt thỏa thuận hoặc không có bước tiến quan trọng nào trong đàm phán.
Ông Lu Xiang, một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung thuộc Học viện Khoa học Xã hội ở Bắc Kinh, tổ chức nghiên cứu thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, nhấn mạnh rằng ông Trump không khởi xướng dự luật Tân Cương và đạo luật Hồng Kông, và những vấn đề này không liên quan đến đàm phán thương mại.
"Nếu Mỹ thực thi lời đe dọa áp thuế vào ngày 15/12, thì chắc chắn căng thẳng sẽ leo thang, và Trung Quốc sẽ trả đũa", ông Lu nói. Ông Trump "vẫn đang cân nhắc điều kiện để đạt thỏa thuận, nhưng vì lợi ích chính trị, ông ấy cần một thỏa thuận, cho dù thỏa thuận đó được ký vào tháng 12, tháng 1 hay tháng 2".