Ngổn ngang thách thức kinh tế ở Italy
Lần thứ ba ngồi vào ghế Thủ tướng Italy, ông Silvio Berlusconi sẽ phải giải quyết hàng loạt vấn đề phức tạp
Ông Silvio Berlusconi và Liên minh PDL vừa giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử ngày 13 và 14/4, đã tuyên bố thúc đẩy cải cách, phục hồi nền kinh tế đang khủng hoảng và cải thiện hệ thống chính trị kém hiệu quả... Tuy nhiên, chính phủ mới của Italy đang đối mặt không ít khó khăn.
Nhà tỉ phú truyền thông của Italy, ông Silvio Berlusconi và Liên minh trung hữu Nhân dân tự do (PDL) vừa đánh bại Đảng Dân chủ (PD) của cựu thị trưởng Roma, Walter Veltroni với đa số áp đảo tại cả Hạ viện lẫn Thượng viện.
Berlusconi sẵn sàng hợp tác với phe đối lập
PDL đã giành được 167 ghế tại Thượng viện, hơn PD tới 30 ghế. Thắng lợi này có ý nghĩa lớn, cho phép tân Thủ tướng Berlusconi và Liên minh cầm quyền của ông dễ dàng thông qua các quyết sách quan trọng. Đồng thời, ông Berlusconi, 71 tuổi, đương nhiên trở thành Thủ tướng mới dẫn dắt chính phủ thứ 62 của Italy, kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Đây cũng là nhiệm kỳ Thủ tướng thứ ba của Berlusconi. Trước đó, ông đã giữ chức Thủ tướng trong 7 tháng từ tháng 4/1994 và nhiệm kỳ hai trong các năm từ 2001-2006.
Theo kế hoạch, Quốc hội mới có thể sẽ nhóm họp ngày 29/4. Sau khi tham khảo ý kiến Quốc hội về việc thành lập chính phủ mới, tân Thủ tướng Berlusconi sẽ trình trước Quốc hội chương trình của Chính phủ và đề nghị tín nhiệm. Chính phủ mới, dự kiến được thành lập vào tháng 5, bao gồm 12 bộ trưởng, trong đó có 4 nữ và 47 thứ trưởng.
Theo giới phân tích, Chính phủ mới sẽ phải đối mặt nhiều thách thức lớn. Đặc biệt là nhiệm vụ cải cách kinh tế, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới và thứ 3 trong khu vực đồng Euro này đang suy thoái.
Đồng thời, Chính phủ phải thực hiện nhiệm vụ khó khăn trước mắt là cứu hãng hàng không quốc gia Italy nợ 1,4 tỷ Euro, đang có nguy cơ phá sản và nâng cao vai trò đang sa sút của Italy trong EU cũng như trên thế giới.
Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình quốc gia sau khi thắng cử, ông Berlusconi khẳng định sẽ hoàn thành nhiệm kỳ Thủ tướng 5 năm của mình với trách nhiệm lớn lao, đồng thời tuyên bố sẵn sàng hợp tác với phe đối lập để thúc đẩy các cuộc cải cách.
Ông cam kết sẽ phục hồi nền kinh tế đang lâm vào khủng hoảng cũng như cải cách hệ thống chính trị hoạt động kém hiệu quả hiện nay; thúc đẩy vai trò của châu Âu trên trường quốc tế và nhấn mạnh mối quan hệ của châu Âu với Nga sẽ nồng ấm và gần gũi hơn trong tương lai.
Năm nay, kinh tế hầu như không tăng trưởng
Nội bộ lục đục và khủng hoảng kinh tế - xã hội là những nguyên nhân chính dẫn đến việc Chính phủ trung tả cầm quyền ở Italy đã sụp đổ cuối tháng 1 vừa qua, khi Thủ tướng R.Prodi không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Thượng viện.
Sự thất bại của Chính phủ Italy đã đẩy nền chính trị nước này lâm vào tình trạng khủng hoảng và mất phương hướng, công nợ chồng chất. Đặc biệt, tại miền Nam Italy, kinh tế không phải do thị trường chi phối mà vẫn là mafia.
Nguyên nhân của tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng là do chính phủ trung tả cầm quyền ở nước này tiếp quản một nền kinh tế yếu kém và lâm vào khủng hoảng cơ cấu nghiêm trọng.
Những dự báo về tình hình kinh tế Italy năm nay và các năm tới cũng không lạc quan hơn. Trong cuộc họp bộ trưởng tài chính các nước sử dụng đồng EUR (Eurozone) ở Xlovenia vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, nền kinh tế Italy hầu như sẽ không tăng trưởng trong năm 2008.
Theo đó, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính thế giới, nền kinh tế đứng thứ 8 thế giới này sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 0,3% năm 2008, bằng một nửa so với dự báo mà IMF đưa ra đầu năm và thấp hơn nhiều so với mức tăng 1,3% của Eurozone.
Theo IMF, thâm hụt ngân sách của Italy năm nay sẽ tăng lên 2,5%, cao hơn mức 0,1% đưa ra hồi đầu năm. IMF cũng cho rằng Italy là nước chịu khủng hoảng kinh tế nặng nhất trong Eurozone, cũng là nước bị suy thoái nhiều nhất trong các nước thuộc khối G8 và rất khó có thể đưa ra những dự báo tích cực hơn cho năm 2009, một khi kinh tế toàn cầu vẫn đang khủng hoảng như hiện tại.
Những dự báo của IMF đã tạo ra một bầu không khí bi quan ở Italy trong bối cảnh lạm phát tiếp tục ở ngưỡng nguy hiểm. Lạm phát tháng 3/2008 đạt 3,3%, mức cao nhất kể từ năm 1996. Từ tháng 4, giá điện và khí đốt tiếp tục tăng thêm 4% và giá lương thực tăng 5,5% càng đẩy cuộc sống của người dân vào tình trạng khó khăn hơn nữa, chủ yếu do giá xăng dầu đã tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2007.
Nhà tỉ phú truyền thông của Italy, ông Silvio Berlusconi và Liên minh trung hữu Nhân dân tự do (PDL) vừa đánh bại Đảng Dân chủ (PD) của cựu thị trưởng Roma, Walter Veltroni với đa số áp đảo tại cả Hạ viện lẫn Thượng viện.
Berlusconi sẵn sàng hợp tác với phe đối lập
PDL đã giành được 167 ghế tại Thượng viện, hơn PD tới 30 ghế. Thắng lợi này có ý nghĩa lớn, cho phép tân Thủ tướng Berlusconi và Liên minh cầm quyền của ông dễ dàng thông qua các quyết sách quan trọng. Đồng thời, ông Berlusconi, 71 tuổi, đương nhiên trở thành Thủ tướng mới dẫn dắt chính phủ thứ 62 của Italy, kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Đây cũng là nhiệm kỳ Thủ tướng thứ ba của Berlusconi. Trước đó, ông đã giữ chức Thủ tướng trong 7 tháng từ tháng 4/1994 và nhiệm kỳ hai trong các năm từ 2001-2006.
Theo kế hoạch, Quốc hội mới có thể sẽ nhóm họp ngày 29/4. Sau khi tham khảo ý kiến Quốc hội về việc thành lập chính phủ mới, tân Thủ tướng Berlusconi sẽ trình trước Quốc hội chương trình của Chính phủ và đề nghị tín nhiệm. Chính phủ mới, dự kiến được thành lập vào tháng 5, bao gồm 12 bộ trưởng, trong đó có 4 nữ và 47 thứ trưởng.
Theo giới phân tích, Chính phủ mới sẽ phải đối mặt nhiều thách thức lớn. Đặc biệt là nhiệm vụ cải cách kinh tế, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới và thứ 3 trong khu vực đồng Euro này đang suy thoái.
Đồng thời, Chính phủ phải thực hiện nhiệm vụ khó khăn trước mắt là cứu hãng hàng không quốc gia Italy nợ 1,4 tỷ Euro, đang có nguy cơ phá sản và nâng cao vai trò đang sa sút của Italy trong EU cũng như trên thế giới.
Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình quốc gia sau khi thắng cử, ông Berlusconi khẳng định sẽ hoàn thành nhiệm kỳ Thủ tướng 5 năm của mình với trách nhiệm lớn lao, đồng thời tuyên bố sẵn sàng hợp tác với phe đối lập để thúc đẩy các cuộc cải cách.
Ông cam kết sẽ phục hồi nền kinh tế đang lâm vào khủng hoảng cũng như cải cách hệ thống chính trị hoạt động kém hiệu quả hiện nay; thúc đẩy vai trò của châu Âu trên trường quốc tế và nhấn mạnh mối quan hệ của châu Âu với Nga sẽ nồng ấm và gần gũi hơn trong tương lai.
Năm nay, kinh tế hầu như không tăng trưởng
Nội bộ lục đục và khủng hoảng kinh tế - xã hội là những nguyên nhân chính dẫn đến việc Chính phủ trung tả cầm quyền ở Italy đã sụp đổ cuối tháng 1 vừa qua, khi Thủ tướng R.Prodi không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Thượng viện.
Sự thất bại của Chính phủ Italy đã đẩy nền chính trị nước này lâm vào tình trạng khủng hoảng và mất phương hướng, công nợ chồng chất. Đặc biệt, tại miền Nam Italy, kinh tế không phải do thị trường chi phối mà vẫn là mafia.
Nguyên nhân của tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng là do chính phủ trung tả cầm quyền ở nước này tiếp quản một nền kinh tế yếu kém và lâm vào khủng hoảng cơ cấu nghiêm trọng.
Những dự báo về tình hình kinh tế Italy năm nay và các năm tới cũng không lạc quan hơn. Trong cuộc họp bộ trưởng tài chính các nước sử dụng đồng EUR (Eurozone) ở Xlovenia vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, nền kinh tế Italy hầu như sẽ không tăng trưởng trong năm 2008.
Theo đó, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính thế giới, nền kinh tế đứng thứ 8 thế giới này sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 0,3% năm 2008, bằng một nửa so với dự báo mà IMF đưa ra đầu năm và thấp hơn nhiều so với mức tăng 1,3% của Eurozone.
Theo IMF, thâm hụt ngân sách của Italy năm nay sẽ tăng lên 2,5%, cao hơn mức 0,1% đưa ra hồi đầu năm. IMF cũng cho rằng Italy là nước chịu khủng hoảng kinh tế nặng nhất trong Eurozone, cũng là nước bị suy thoái nhiều nhất trong các nước thuộc khối G8 và rất khó có thể đưa ra những dự báo tích cực hơn cho năm 2009, một khi kinh tế toàn cầu vẫn đang khủng hoảng như hiện tại.
Những dự báo của IMF đã tạo ra một bầu không khí bi quan ở Italy trong bối cảnh lạm phát tiếp tục ở ngưỡng nguy hiểm. Lạm phát tháng 3/2008 đạt 3,3%, mức cao nhất kể từ năm 1996. Từ tháng 4, giá điện và khí đốt tiếp tục tăng thêm 4% và giá lương thực tăng 5,5% càng đẩy cuộc sống của người dân vào tình trạng khó khăn hơn nữa, chủ yếu do giá xăng dầu đã tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2007.