15:06 21/02/2022

Người dân Ninh Thuận bức xúc vì nứt nhà do thi công Quốc lộ 1 nhưng không được đền bù

Ánh Tuyết

Thi công dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận làm nứt hàng trăm căn nhà khiến người dân bức xúc. Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo các đơn vị sớm giải quyết triệt để, trả quyền lợi chính đáng cho các hộ dân...

Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo các đơn vị sớm giải quyết triệt để, trả quyền lợi chính đáng cho các hộ dân.
Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo các đơn vị sớm giải quyết triệt để, trả quyền lợi chính đáng cho các hộ dân.

Bộ trưởng Giao thông vận tải vừa có công văn số 1506 gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Ninh Thuận gửi tới Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Cụ thể, cử tri tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh, việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị nứt nhà ở khi thi công dự án mở rộng Quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận được chính quyền, cử tri địa phương phản ánh, kiến nghị nhiều lần.

Tuy nhiên, đến nay, việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ nứt nhà các hộ dân do thi công dự án mở rộng Quốc lộ 1 vẫn chưa được giải quyết.

CHƯA RÕ NGUYÊN NHÂN GÂY NỨT NHÀ DÂN

Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các hộ dân bị ảnh hưởng do thi công mở rộng Quốc lộ 1, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm giải quyết dứt điểm việc bồi thường, hỗ trợ nứt nhà đối với các hộ dân bị ảnh hưởng do thi công dự án mở rộng Quốc lộ 1A, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Giao thông vận tải nêu thực tế, trong quá trình thi công các dự án đường bộ, đặc biệt là dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ qua khu vực dân cư như dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ, trong đó, có đoạn đi qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận, xảy ra hư hỏng, rạn nứt nhà ở, công trình xây dựng của các hộ dân hai bên đường.

Đối với 02 dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận, trong quá trình triển khai thi công, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương để xem xét, giải quyết, bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

 

Tuy nhiên, “do sự phối hợp giữa các bên liên quan chưa chặt chẽ, đầy đủ và dứt điểm, nên đến nay việc phản ánh, kiến nghị của các hộ dân vẫn chưa được giải quyết triệt để”, Bộ Giao thông vận tải thừa nhận.

Cụ thể, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 2, Công ty TNHH MTV BOT tỉnh Ninh Thuận (nhà đầu tư BOT), khi triển khai xây dựng dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận, từ tháng 9/2013 đến tháng 12/2015, sau khi nhận được phản ánh hiện tượng rạn, nứt của một số hộ dân, đại diện Ban quản lý dự án, nhà đầu tư BOT, các nhà thầu và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra và lập 804 biên bản rạn nứt, hư hỏng nhà của các hộ dân hai bên đường. Trong đó, 593 biên bản không có sự tham gia của của nhà thầu.

Tuy nhiên, phần lớn các biên bản nêu trên không có kết luận nguyên nhân hư hỏng, rạn nứt nhà, công trình xây dựng của các hộ dân là do rung động trong quá trình thi công dự án gây ra, nên chưa xác định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các nhà thầu thi công.

Sau đó, khi các dự án hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2016 đến nay, theo phản ánh, kiến nghị của các hộ dân, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, xác minh và lập 420 biên bản, trong đó, các biên bản cũng đều không có sự tham gia của các nhà thầu. Hầu hết các biên bản đều không xác định được nguyên nhân gây hư hỏng, rạn nứt của các hộ dân.

Ngày 06/7/2017, Bộ Giao thông vận tải thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép được sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để chi trả bồi thường.

Tại kỳ họp thứ 19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị nêu trên và kết luận phần thiệt hại phải bồi thường sau khi doanh nghiệp bảo hiểm trả theo hợp đồng bảo hiểm là khoản tiền bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện theo các quy định của pháp luật có liên quan, không sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để bồi thường.

Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan, Ban Quản lý dự án, doanh nghiệp dự án BOT phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương tập trung rà soát để giải quyết phản ánh, kiến nghị của cử tri về việc hỗ trợ nứt nhà các hộ dân do thi công dự án mở rộng Quốc lộ 1 nêu trên.

Tuy nhiên, "cho đến thời điểm hiện tại, việc lập hồ sơ xác định các nguyên nhân, mức độ thiệt hại cụ thể và trách nhiệm của các bên vẫn chưa được các cơ quan chức năng của địa phương thống nhất với các Ban Quản lý dự án, nhà đầu tư và nhà thầu theo quy định của pháp luật dân sự", Bộ Giao thông vận tải khẳng định.

GIẢI QUYẾT DỨT ĐIỂM, TRẢ QUYỀN LỢI CHO NGƯỜI DÂN

Để giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương phối hợp, làm việc với các Ban Quản lý dự án, doanh nghiệp dự án BOT và các đơn vị liên quan để giải quyết dứt điểm phản ánh, kiến nghị của cử tri tỉnh Ninh Thuận nêu trên.

Cụ thể, các đơn vị cần rà soát, tổng hợp hồ sơ có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, gồm có biên bản kiểm tra, xác minh thiệt hại do ảnh hưởng bởi quá trình thi công gây ra.

Đồng thời, có tính toán xác định khoản tiền phải chi trả hỗ trợ, bồi thường và xác định được trách nhiệm của đơn vị nhà thầu phải bồi thường thiệt hại... để giải quyết hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cho các hộ dân bị hư hỏng, nứt nhà và công trình xây dựng do thi công các dự án nêu trên gây ra.

Đối với các hồ sơ không đủ điều kiện bồi thường theo quy định của pháp luật không xác định được đơn vị có trách nhiệm bồi thường, đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận thông báo cho các hộ dân biết.

Đồng thời, cùng với Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội, cử tri tỉnh Ninh Thuận tuyên truyền, giải thích để nhân dân hiểu rõ về quy định của pháp luật, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài.

Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, nhà đầu tư phối hợp với các cơ quan chuyên môn của địa phương để xem xét, giải quyết quyền lợi chính đáng cho các hộ dân theo quy định của pháp luật.

 

Dự án này được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 2461 ngày 27/6/2014 với tổng mức đầu tư là 2.110 tỷ đồng.

Ban quản lý dự án 7 được giao làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án trong khi doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Một thành viên BOT Ninh Thuận.

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua Ninh Ninh Thuận theo hình thức hợp đồng BOT đi qua địa bàn 4 huyện và 11 xã, thị trấn, được khởi công xây dựng từ tháng 7/2014 và hoàn thành vào tháng 12/2015. Đây là đoạn cuối cùng của dự án mở rộng Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ.