Người được lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội cần báo cáo bổ sung gì?
Báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm cần bổ sung nội dung tự đánh giá, kiểm điểm về việc có hay không những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống
Báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm cần bổ sung nội dung tự đánh giá, kiểm điểm về việc có hay không những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa trong nội bộ theo Nghị quyết Trung ương 4.
Tổng thư ký Quốc hội vừa có thông báo về kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 27 vừa qua.
Một trong những nội dung được xem xét tại phiên họp này là việc triển khai chuẩn bị công tác lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn sẽ diễn ra vào kỳ họp thứ 6, khai mạc ngày 22/10 tới.
Theo kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, chủ động của Ban Công tác đại biểu trong việc chuẩn bị hồ sơ các văn bản, tài liệu liên quan đến việc tổ chức triển khai lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 và các dự thảo văn bản hướng dẫn hội đồng nhân dân về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do hội đồng nhân dân bầu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giao Ban Công tác đại biểu có văn bản đề nghị người được lấy phiếu tín nhiệm chuẩn bị các văn bản theo quy định tại nghị quyết 85/2014/QH13.
Cụ thể, thời gian báo cáo tính từ thời điểm được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Nội dung báo cáo được yêu cầu súc tích, đầy đủ các nội dung theo quy định tại điều 5 của nghị quyết 85 (kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật- PV).
Báo cáo được yêu cầu có độ dài từ 4-5 trang, đánh máy và in trên giấy khổ A4.
Uỷ ban Thường vụ lưu ý: báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm cần bổ sung nội dung tự đánh giá, kiểm điểm về việc có hay không những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ theo nghị quyết Trung ương 4.
Nội dung nữa cũng được yêu cầu bổ sung là tự đánh giá, kiểm điểm về việc thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mình theo nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 và nghị quyết số 56 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Về kê khai tài sản, thu nhập, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu thực hiện theo quy định nghị định 78/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập và thông tư số 08/2013 ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.
Theo kết luận thì thời điểm trình Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm vào đầu kỳ họp thứ 6.
Về phiếu tín nhiệm, gồm các loại phiếu theo quy định tại điều 16 của nghị quyết 85 (gồm các phiếu riêng đối với từng chức vụ và nhóm chức vụ - PV).
Đối với người đồng thời giữ nhiều chức vụ thì việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với chức vụ cao nhất, kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí ban hành văn bản hướng dẫn việc lấy phiếu tín nhiệm tại hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 để giúp hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố chuẩn bị chu đáo việc tổ chức triển khai lấy phiếu tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2018.
Ban Công tác đại biểu được giao tiếp tục rà soát các văn bản hướng dẫn liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, các ý kiến tại hội nghị thường trực hội đồng nhân dân các khu vực, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo hướng dẫn, đồng thời chuẩn bị bộ tài liệu các văn bản về việc thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm trên cơ sở kinh nghiệm các lần lấy phiếu tín nhiệm trước đây để gửi tới hội đồng nhân dân tham khảo.