Người nước ngoài chỉ được mua chung cư tại Việt Nam
Thời hạn sở hữu nhà ở cho người nước ngoài tại Việt Nam tối đa là 70 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận
Ngày 10/4, tại cuộc họp của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chính phủ đã có tờ trình lấy ý kiến các thành viên về dự thảo Nghị quyết về việc người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Chính sách được đánh giá là cởi mở này nhận được sự tán thành cao trong cuộc họp. Đa số ý kiến cho rằng, việc xem xét một chính sách cho phép người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là rất cần thiết, phù hợp với đường lối đổi mới, góp phần khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tạo điều kiện hỗ trợ thêm cho các ngành sản xuất, dịch vụ liên quan phát triển cũng như phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Tính trong 4 năm trở lại đây, đã có khoảng hơn 80.000 người nước ngoài vào Việt Nam làm ăn, sinh sống. Trong đó khoảng 25.000 người làm việc theo các dự án FDI, 55.000 người làm việc trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa thể thao, khoa học, sinh viên, học sinh học tập tại Việt Nam.
Thống kê sơ bộ, riêng tại Hà Nội có khoảng 220.000 m2, tương ứng 1.300 nhà và căn hộ cho người nước ngoài thuê, trong khi tại Tp.HCM, con số này gấp khoảng 3 lần. Nhà cho thuê phổ biến là biệt thự, nhà liền kề và căn hộ chung cư với giá thuê khá đa dạng, tại Hà Nội mức bình quân phổ biến từ 700-1.000 USD, Tp.HCM 1.000 - 1.500 USD/căn/tháng, thời gian thuê thường từ 3-5 năm.
Cho đến nay, theo Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản thì tổ chức, cá nhân người nước ngoài được vào Việt Nam thuê đất, trong đó có hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở để bán và cho thuê, thậm chí được tham gia, cải tạo, sửa chữa nhà ở có sẵn,...
Như vậy, người nước ngoài đã được quyền tham gia hầu hết các hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở tại Việt Nam, trừ hoạt động mua nhà ở, mua nhà để bán, cho thuê hoặc thuê nhà ở để cho thuê lại.
Cũng trong Luật Nhà ở 2005, quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài cũng đã được đề cập, nhà đầu tư nước ngoài được quyền sở hữu có thời hạn nhà ở do mình đầu tư, xây dựng để cho thuê.
Tuy nhiên, pháp luật nhà ở chưa cho phép quyền sở hữu tương tự hoặc mở rộng hơn đối với cá nhân người nước ngoài tham gia dự án đầu tư, nhà khoa học, người có công với đất nước, các chuyên gia được mời vào Việt Nam làm việc... Trong khi đó, hầu hết các nước trên thế giới đều đã cho chính sách bán nhà ở với những điều kiện, mức độ khác nhau đối với người nước ngoài đến cư trú.
Đối tượng người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở
Vì vậy, theo đề xuất của Chính phủ, sẽ có 7 loại đối tượng người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, bao gồm: người đứng đầu cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức quốc tế đang thường trú tại Việt Nam; người vào Việt Nam đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư; người có công đóng góp với đất nước được Nhà nước tăng huân, huy chương; nhà hoạt động văn hóa, khoa học, chuyên gia đang làm việc tại Việt Nam; người kết hôn với công dân Việt Nam và hiện đang sống tại Việt Nam; người được công nhận là công dân danh dự của Nhà nước Việt Nam; các doanh nghiệp FDI không có chức năng kinh doanh bất động sản đang hoạt động tại Việt Nam theo pháp luật đầu tư được mua và sở hữu nhà ở để cho những người đang làm việc tại doanh nghiệp đó ở.
Những đối tượng này sẽ có những quy định điều kiện tối thiểu để được mua và sở hữu nhà ở như đối với doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận đầu tư, cá nhân phải sống tại Việt Nam và được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú 1 năm trở lên.
Thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam tối đa là 70 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra, chỉ được mua căn hộ trong nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà ở thương mại và không thuộc khu vực hạn chế hoặc cấm người nước ngoài cư trú, đi lại.
Ngoài ra, việc mua và sở hữu nhà ở của người nước ngoài cũng phải chịu một số quy định đặc thù về thủ tục mua bán, công nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu, xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp, khiếu nại...