Người sáng lập 26 tuổi từ chối đề nghị bán startup với giá 100 triệu USD
Sau 4 năm nhận được đề nghị mua lại với giá 100 triệu USD, Carousell hiện giờ được định giá 500 triệu USD
4 năm trước, Quek Siu Rui cùng ban giám đốc của startup bán đồ cũ Carousell tại Singapore nhận được lời đề nghị mua lại công ty với giá 100 triệu USD. Tuy nhiên, Rui, khi đó mới 26 tuổi, đã từ chối cơ hội trở thành người giàu có bởi muốn tiếp tục xây dựng startup của mình.
Đó là quyết định sáng suốt bởi hiện tại Carousell được định giá khoảng 500 triệu USD, Bloomberg dẫn nguồn thân cận cho biết. Quek Siu Rui, giám đốc điều hành (CEO) của công ty, cho biết chưa bao giờ hối tiếc với lựa chọn của mình.
"Đây là cơ hội chỉ có một lần trong đời và chúng tôi muốn xây dựng một công ty lâu dài", Quek cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Startup Carousell 6 năm tuổi hiện hoạt động tại 7 thị trường, trong đó có Singapore, Hồng Kông và Australia và là một trong những nền tảng "chợ trời" phổ biến nhất tại khu vực này. Người dùng sử dụng ứng dụng Carousell để bán mọi thứ từ ôtô đã qua sử dụng, sofa cho đến máy chơi game.
Sau khi huy động được 85 triệu USD trong một vòng gọi vốn gần đây, Carousell phát triển thêm tại các thị trường hiện tại, bao gồm Indonesia, Philippines và Đài Loan, trước khi mở rộng ra thị trường khác. Carousell là một trong hàng loạt nền tảng bán đồ cũ như OfferUp Inc. của Mỹ, Mercari Inc. của Nhật, đang muốn cạnh tranh với Ebay Inc. và Craigslist Inc.
Quek và các cộng sự - Lucas Ngoo và Marcus Tan, quen nhau khi cùng học tại Đại học Quốc gia Singapore với sở thích chung là mua bán mọi thứ qua mạng. Trong một chương trình trao đổi của trường đại học, họ có 1 năm tại thung lũng Silicon và tham dự các buổi tọa đàm của nhiều doanh nhân, trong đó có người đồng sáng lập Facebook - Mark Zuckerberg.
Năm 2012, họ cùng nhau thành lập Carousell và nhanh chóng nhận được sự chú ý của giới trẻ với trải nghiệm mua sắm đơn giản trên điện thoại di động giống như Instagram hay WhatsApp.
Quek, hiện 30 tuổi, cho biết lấy cảm hứng từ Zuckerberg - người cũng từng từ chối nhiều đều nghị mua lại Facebook vào những năm đầu thành lập. Hiện tại, Facebook trở thành một trong những đối thủ của Carousell sau khi ra mắt nền tảng Marketplace - cho phép người dùng mua bán đồ cũ.
3 người đồng sáng lập của Carousell đã chuyển sang sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và máy học nhằm rút ngắn quá trình đăng bán đồ từ vài phút xuống còn vài giây. Khi người dùng chụp ảnh sản phẩm của họ, ứng dụng Carousell có thể nhận diện đó là một đôi giày hay túi xách rồi đưa ra gợi ý tiêu đề và danh mục.
Công nghệ này đã giúp Carousell tăng số lượng bài đăng bán lên hơn 144 triệu. Startup này đang phát triển tính năng giúp gợi ý mức giá phù hợp cho sản phẩm được người dùng đăng bán.
Ngoài ra, Carousell cũng có tính năng chat ngay trong ứng dụng, gợi ý câu trả lời dựa trên nội dung cuộc hội thoại.
Trong tháng 6, Carousell dự định ra mắt CarouPay cho phép người dùng hoàn tất giao dịch mua bán ngay trong ứng dụng. Công ty này cũng ra mắt các dịch vụ trả phí cho người bán hàng, quảng cáo trả phí và dịch vụ đăng ký cho môi giới ôtô, bất động sản tại Singapore.
Quek cho biết hiện tại vẫn nhận được các lời đề nghị mua lại công ty, nhưng anh tiếp tục từ chối. "Chúng tôi muốn ngồi ở 'ghế lái' để điều khiển công ty", Quek cho biết.