Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan thứ 5 thế giới
Công việc và sức khoẻ là mối quan tâm hàng đầu
Theo công bố mới nhất của Nielsen, trong quý 3/2017, niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đạt 116 điểm, điều này tiếp tục giúp Việt Nam trở thành quốc gia có mức độ lạc quan cao thứ 5 toàn cầu.
Bà Nguyễn Hương Quỳnh - Tổng giám đốc Nielsen Vietnam nhận định: "Tại Việt Nam, người tiêu dùng vẫn tiếp tục cho thấy sự lạc quan và tự tin trong suốt năm 2017. Xu hướng đồng nhất này chính là kết quả của sự lạc quan về khả năng tài chính cá nhân cũng như mức độ sẵn sàng chi tiêu của người Việt.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng lạc quan của GDP trong 9 tháng đầu năm 2017, đi kèm với sự tăng trưởng của dòng vốn đầu tư nước ngoài, thu nhập hộ gia đình và tỷ lệ thất nghiệp giảm cũng là những tín hiệu tích cực để giúp người Việt trở nên lạc quan và tự tin hơn".
Báo cáo cũng cho thấy, người tiêu dùng ở Đông Nam Á tiếp tục là khu vực có chỉ số niềm tin thuộc hàng cao nhất trên thế giới, bên cạnh khu vực Bắc Mỹ và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Niềm tin của người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á trong quý 3/2017 tăng 1 điểm so với quý trước, và Philippines trở thành quốc gia có mức độ lạc quan đứng thứ 2 toàn cầu, sau Ấn Độ. Xếp thứ 3 toàn cầu là Indonesia với 127 điểm (tăng 6 điểm), trong khi đó, Thái Lan đã rớt xuống hạng thứ 9 với 113 điểm (tăng 6 điểm). Mức độ tự tin của người Singapore đã trở lại, tăng 5 điểm so với quý trước, đạt 94 điểm. Chỉ số niềm tin ở Malaysia giảm nhẹ, đạt 93 điểm (giảm 1 điểm).
Bà Quỳnh nhận xét: "Nguyên nhân để lý giải điều này chính là Việt Nam là một quốc gia có nhiều người tiêu dùng trẻ cùng chia sẻ niềm hy vọng tươi sáng về một tương lai tốt đẹp hơn với điều kiện sống tốt hơn, thu nhập tăng cao hơn đi kèm với nền giáo dục tốt dành cho trẻ và những cải thiện tích cực từ Chính phủ trong tương lai".
Nghiên cứu cho thấy, người tiêu dùng ở khu vực Đông Nam Á vẫn tiếp tục là những người có xu hướng tiết kiệm cao nhất toàn cầu, với hơn 3 trong 5 người (67%) gửi tiền nhàn rỗi vào các tài khoản tiết kiệm.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, 66% người Việt để dành tiền vào tiết kiệm (so với 63% trong quý trước), đứng sau Philippines (69%), Thái Lan và Indonesia (68%), Singapore (67%). Tỉ lệ này ở qui mô toàn cầu là 52%.
Khảo sát của Nielsen cũng cho thấy, sau khi chi trả cho các phí sinh hoạt thiết yếu, khoảng hai trong năm người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi tiêu cho du lịch (44%), mua sắm quần áo mới (44%), các sản phẩm công nghệ mới (44%), sửa chữa nhà cửa (37%) và các dịch vụ giải trí bên ngoài (38%).
Báo cáo cũng cho thấy, 28% người tiêu dùng Việt Nam đã mua các gói bảo hiểm y tế cao cấp trong quý vừa qua.
"Trong những quý vừa qua, người tiêu dùng Việt Nam cũng sẵn sàng mạnh dạn chi tiêu nhiều hơn cho các kỳ nghỉ, các hoạt động giải trí, nâng cấp các thiết bị công nghệ, sửa chữa, nâng cấp nhà cửa... Tất cả những điều này đều thể hiện mong muốn có được một cuộc sống với chất lượng tốt hơn trong tương lai của người Việt", bà Quỳnh nói.
Trong quý này, 5 mối quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ nguyên so với quý trước. Sự ổn định về công việc tiếp tục dẫn đầu danh sách các mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam: 41%. Mối quan tâm quan trọng tiếp theo là sức khỏe (37%). Những mối quan tâm khác là cân bằng công việc/cuộc sống (27%), nền kinh tế (22%) và phúc lợi & hạnh phúc của bố mẹ (17%).