Người Trung Quốc ngày càng yêu hàng nội
“Người tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ trẻ, không còn tin vào quan niệm cho rằng hàng ngoại tốt hơn”
Trung Quốc đang chứng kiến sự nổi lên của một thế hệ người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các thương hiệu trong nước, được thúc đẩy bởi niềm tự hào dân tộc gia tăng - theo một cuộc khảo sát của ngân hàng Credit Suisse.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết quan niệm cũ cho rằng các hàng nước ngoài tốt hơn đã không còn đúng đối với người tiêu dùng trẻ của Trung Quốc.
Thay vào đó, thế hệ trẻ nước này ngày càng có khuynh hướng ưu tiên các thương hiệu trong nước với "một mức độ dân tộc chủ nghĩa" tại thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới - kết quả khảo sát cho thấy.
Hơn 90% người tiêu dùng Trung Quốc trong độ tuổi 18-29 nói trong vòng 6-12 tháng tới, nếu phải mua thiết bị gia dụng, họ sẽ mua hàng trong nước.
Cuộc khảo sát thường niên lần thứ 8 của Credit Suisse về người tiêu dùng tại các thị trường mới nổi cũng cho thấy tỷ lệ người Trung Quốc từ 18-65 tuổi nói sẵn sàng trả thêm tiền để mua đồ thời trang thể thao trong nước đã tăng lên mức 19%, từ mức 15% vào năm 2010.
Cũng theo cuộc khảo sát này, người tiêu dùng trẻ ở Trung Quốc đại lục đang trở nên quả quyết hơn về lựa chọn của mình. Họ chi nhiều tiền hơn cho giải trí, du lịch và những hàng hóa giúp nâng tầm phong cách sống.
"Chúng tôi ngạc nhiên khi chứng kiến sự nổi lên của một thế hệ người tiêu dùng tự tin hơn ở Trung Quốc", ông Charlie Chen, trưởng bộ phận nghiên cứu người tiêu dùng thuộc Credit Suisse, phát biểu.
"Người tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ trẻ, không còn tin vào quan niệm cho rằng hàng ngoại tốt hơn. Giờ đây, người tiêu dùng Trung Quốc tin hàng Trung Quốc là tốt và ‘Made in China’ (sản xuất tại Trung Quốc) không hề tệ chút nào", ông Chen nói.
Nhà phân tích này tin xu hướng trên xuất phát một phần từ nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong việc khuyến khích người dân cảm thấy gắn kết hơn với văn hóa Trung Quốc, bao gồm thông qua việc mở thêm nhiều viện Khổng giáo.
Một nhân tố khác có thể là ảnh hưởng ngày càng lớn của các công ty Trung Quốc trên trường quốc tế.
"Dù muốn hay không, Trung Quốc đang trở thành một cường quốc lớn trên thế giới. Điều đó khiến thế hệ trẻ của Trung Quốc tự hào hơn", ông Chen phát biểu.
Trong vòng 3 thập kỷ trở lại đây, Trung Quốc đã có nhiều công ty lớn nổi lên, chẳng hạn nhà sản xuất thiết bị gia dụng Haier, hãng thương mại điện tử Alibaba, và công ty Internet khổng lồ Tencent.
Tất cả các công ty này đều phát triển mạnh ở thị trường trong nước và đã có những bước tiến ra nước ngoài.
Xu hướng này đã mở rộng sang cả lĩnh vực hàng tiêu dùng. Cổ phiếu các hãng thời trang thể thao Trung Quốc Anta và Li-Ning đều đã tăng mạnh trong năm 2017, khi các nhà đầu tư lạc quan về triển vọng của các công ty này.
Trong đó, cổ phiếu Anta tăng 49,3% và cổ phiếu Li-Ning tăng 40%, vượt mức tăng 35% trong năm ngoái của chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông - nơi hai công ty này niêm yết cổ phiếu.