15:01 21/10/2015

Nguy cơ suy thoái kinh tế Nhật hiện rõ

Diệp Vũ

Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và nhu cầu nội địa yếu đang gây sức ép suy giảm đối với nền kinh tế Nhật Bản

Bên trong một nhà máy lắp ráp ô tô của Nhật - Ảnh: Getty.<br>
Bên trong một nhà máy lắp ráp ô tô của Nhật - Ảnh: Getty.<br>
Tăng trưởng xuất khẩu của Nhật Bản giảm tốc tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 9 vừa qua, cho thấy sức ép đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới từ sự suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Hãng tin Reuters cho biết, thống kê này cũng làm dấy lên lo ngại về khả năng kinh tế Nhật rơi vào một cuộc suy thoái mới.

Bộ Tài chính Nhật ngày 21/10 công bố dữ liệu cho thấy trong tháng 9, xuất khẩu của nước này chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 53 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 3,4% mà các chuyên gia kinh tế được Reuters khảo sát ý kiến đưa ra trước đó.

Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của xuất khẩu Nhật Bản kể từ tháng 8 năm ngoái, đồng thời cho thấy sự giảm tốc mạnh từ mức tăng 3,1% đạt được trong tháng 8/2015. Nếu so với tháng 8, xuất khẩu tháng 9 của Nhật giảm 1,7%.

Tăng trưởng xuất khẩu là dữ liệu đầu tiên trong loạt thống kê quan trọng về kinh tế Nhật trong tháng 9 vừa qua. Số liệu này làm gia tăng quan ngại về khả năng kinh tế Nhật suy giảm trong quý 3. Nếu điều này xảy ra, thì kinh tế Nhật đã rơi vào suy thoái bởi có hai quý liên tiếp tổng sản phẩm quốc nội (GDP) suy giảm.

Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và nhu cầu nội địa yếu đang gây sức ép suy giảm đối với sản lượng của các nhà máy ở Nhật nói riêng cũng như nền kinh tế nước này nói chung.

Cho tới hiện tại, Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) cho rằng sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc chỉ có tác động hạn chế tới kinh tế Nhật và tiếp tục duy trì dự báo tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, quan điểm này có thể thay đổi trong báo cáo rà soát chính sách của BOJ công bố vào cuối tháng 10.

Theo số liệu công bố hôm thứ Hai tuần này, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã lần đầu tiên giảm dưới 7% kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, bất chấp một loạt biện pháp kích cầu mà Bắc Kinh tung ra.

Giới phân tích lo ngại sự giảm tốc tăng trưởng toàn cầu do Trung Quốc dẫn đầu sẽ kéo theo nền kinh tế Nhật, gia tăng sức ép triển khai những biện pháp kích cầu bằng chính sách tiền tệ và tài khóa đối với Tokyo trong những tháng sắp tới.

Trong tháng 9, xuất khẩu của Nhật sang Trung Quốc giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ 2 liên tiếp, còn 9,2 tỷ USD. Trong đó, dẫn đầu là sự suy giảm của các mặt hàng dầu nhẹ và phụ tùng ô tô.

Xuất khẩu của Nhật sang châu Á, khu vực chiếm khoảng một nửa tổng xuất khẩu của nước này, giảm 0,9% trong tháng 9, đánh dấu tháng giảm đầu tiên trong 7 tháng.

Xuất khẩu của Nhật sang Mỹ tăng 10,4% trong tháng 9, chủ yếu nhờ tăng xuất khẩu xe hơi, đạt hơn 10 tỷ USD. Trước đó, trong tháng 8, xuất khẩu của Nhật sang Mỹ tăng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phản ánh sự giảm xuống của giá dầu, nhập khẩu của Nhật giảm 11,1% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, còn 54 tỷ, phù hợp với dự báo trước đó của giới quan sát.

Thâm hụt thương mại tháng 9 của Nhật là 955 triệu USD, trái ngược với dự báo thặng dư khoảng 734 triệu USD mà các nhà phân tích đưa ra trước đó.