11:24 05/01/2021

Nguy hiểm đến tính mạng chỉ vì… vết cua cắp

Hoài Phương

Bác sĩ Phạm Thanh Phong- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết bệnh viện này vừa cứu sống bệnh nhân bị cua cắp (kẹp) đắp thuốc nam gây biến chứng nguy cơ tử vong cao.
Cụ thể, ông Võ Văn L, 58 tuổi, TP Bạc Liêu - tỉnh Bạc Liêu được chuyển đến từ bệnh viện địa phương đến bệnh viện ngày 28/12/2020 với chẩn đoán: Choáng nhiễm trùng, viêm mô tế bào cẳng chân phải, theo dõi nhồi máu cơ tim cấp. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng, tri giác lơ mơ, huyết áp thấp dù sử dụng thuốc vận mạch liều cao, suy hô hấp nặng đã được can thiệp đặt ống nội khí quản và gắn máy trợ thở.Người nhà bệnh nhân cho biết, cách nhập viện 3 ngày, bệnh nhân bị cua cắp ở vùng cẳng chân, sau đó bệnh nhân tự đắp thuốc lên vết thương (gừng trộn với mật ong) theo kinh nghiệm dân gian. Tuy nhiên, sau đắp thuốc vết thương ngày càng tấy đỏ nhiều hơn khiến bệnh nhân sốt cao, mệt và khó thở ngày càng tăng. Bệnh nhân nhập bệnh viện địa phương với tình trạng huyết áp khó đo, suy hô hấp nặng được xử trí cấp cứu thở máy, kháng sinh phổ rộng liều cao, vận mạch…, sau đó chuyển chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.Tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, các bác sĩ đã hội chẩn, thống nhất chẩn đoán: Cua kẹp biến chứng viêm mô tế bào cẳng chân phải - nhiễm trùng huyết biến chứng choáng nhiễm trùng suy đa cơ quan. Bệnh nhân có chỉ định lọc máu liên tục cấp cứu và sử dụng kháng sinh phổ rộng theo phác đồ của bệnh viện... Qua 48 giờ lọc máu liên tục, huyết áp bệnh nhân cải thiện dần, ngưng được thuốc vận mạch, các chỉ số suy tạng dần trở về giá trị bình thường.
Nguy hiểm đến tính mạng chỉ vì… vết cua cắp - Ảnh 1.
Sau 4 ngày điều trị tích cực tại khoa Hồi sức Tích cực, bệnh nhân đã ngưng thở máy và rút được ống thở thành công. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, sinh hiệu ổn định, đang được theo dõi điều trị tiếp tại khoa Nội tim mạch - Khớp.Bác sĩ Dương Thiện Phước - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết tùy vào mức độ nặng nhẹ do cua cắp, người bệnh có thể bị chảy máu, rách da, tạo vết thương hở hoặc mất một mảng thịt. Ngoài ra còn có cảm giác đau tại nơi bị cắp và sưng, nóng, đỏ, đau vùng lân cận. Một số người cũng ghi nhận sốt và nhiễm trùng tại nơi cắp, biến chứng nhiễm trùng huyết.
Năm 2011, từng xảy ra trường hợp một người đàn ông ở Singapore tử vong trong bệnh viện vì nhiễm một loại vi khuẩn ăn thịt, sau khi bị một con cua cắp vào tay. Khi nhập viện, bác sĩ xác nhận ông Lim bị nhiễm một loại vi khuẩn ăn thịt và đề nghị cắt bỏ ngay phần bàn tay lên đến khuỷu tay. Tuy nhiên vi khuẩn chết người đã lan rộng sau đó và qua đời. Trước đó năm 2007, cngx tại Singapore, ông Tan Boon Hock (83 tuổi) cũng bị cua kẹp vào ngón tay trong khi chuẩn bị bữa tối rồi chết 2 ngày sau đó vì bị nhiễm trùng vi khuẩn ăn thịt Vibrio.Năm 2019, một người phụ nữ có tên A Cát, đến từ Ninh Hải, Trung Quốc bị cua cắp tay trong quá trình nấu ăn. Vì chủ quan vết thương chỉ xước nhẹ nên cô không sử dụng các biện pháp khử trùng mà chỉ bóp máu độc ra khỏi vết thương sau đó dán băng cá nhân cầm máu. Vài ngày sau, ngón tay của A Cát sưng tấy và bắt đầu chảy mủ. Sau khi bác sĩ kiểm tra cho thấy tay A Cát nhiễm trùng nặng và có dấu hiệu hoại tử. Kết quả xét nghiệm cho thấy cô dương tính với vi khuẩn Mycobacterium marinum - một loại vi khuẩn sống tự do, gây nhiễm trùng cơ hội ở người và cần được phẫu thuật gấp, trong trường hợp xấu có thể phải cắt bỏ cả bàn tay.
Cách xử trí thích hợp khi bị cua kẹp là cần bình tĩnh tách cua ra, sau đó cần chà rửa tay dưới vòi nước sạch với xà bông, vừa bóp nhẹ cho máu dơ thoát ra, sau đó sát trùng vết thương bằng các dung dịch sát trùng như nước muối, oxy già, povidine... Dùng băng keo cá nhân băng vết thương để giữ sạch vết thương, thay băng mỗi ngày cho đến khi vết thương lành (thường 5 - 7 ngày). Nếu vết thương sau vài ngày có biểu hiện sưng, đỏ, đau nên đi khám để được uống kháng sinh, kháng viêm đúng, đủ liều giúp ngăn chặn nhiễm trùng. Không được tự ý đắp các loại thuốc nam lên vết thương.