08:18 15/07/2023

Nguyên nhân giảm phát ở Trung Quốc

Hoài Thu

Trong khi ngân hàng trung ương tại các quốc gia phát triển đang chật vật để kiểm soát lạm phát cao, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - lại đối mặt với vấn đề ngược lại: Giảm phát...

Trung Quốc là nền kinh tế lớn cuối cùng mở cửa trở lại sau đại dịch với việc gỡ bỏ các biện pháp hạn chế vào tháng 12/2022 - Ảnh: Bloomberg
Trung Quốc là nền kinh tế lớn cuối cùng mở cửa trở lại sau đại dịch với việc gỡ bỏ các biện pháp hạn chế vào tháng 12/2022 - Ảnh: Bloomberg

Theo dữ liệu mới công bố đầu tuần này, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Trung Quốc không thay đổi so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lạm phát tại Mỹ tháng 6/2022 lên tới 9,1% và tháng 6 năm nay giảm xuống còn 3% sau các lần mạnh tay tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) suốt hơn một năm qua. Thậm chí Nhật Bản, quốc gia từng chìm trong giảm phát, cũng ghi nhận tỷ lệ lạm phát 3,2% trong tháng 5.

Kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào cuối tháng 2 năm ngoái, các nền kinh tế phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề do giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt. Tuy nhiên, việc kiểm soát giá mặt hàng năng lượng của Chính phủ Trung Quốc đã giúp bảo vệ nước này khỏi những tác động tồi tệ nhất của biến động giá cả. Nhưng đổi lại, nước này đối mặt rủi ro giảm phát do nhu cầu tiêu dùng cũng như đầu tư tư nhân yếu sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau thời gian dài áp đặt các biện pháp phóng chống dịch Covid-19 hà khắc.

Nguyên nhân giảm phát ở Trung Quốc  - Ảnh 1

Dự kiến, thứ Hai tuần tới, Trung Quốc sẽ công bố số liệu tổng sản phẩm trong nước (GDP). Các nhà kinh tế đang theo dõi sát sao các tín hiệu về sức khỏe nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và liệu các nhà hoạch định chính sách nước này sẽ làm gì để phục hồi nền kinh tế - theo Financial Times.

“Điều quan trọng là nhu cầu nội địa (của Trung Quốc) thực sự rất yếu và điều này lý giải cho tâm lý tiêu cực”, bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng về châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis, nhận xét.

VÌ SAO TRUNG QUỐC ĐI NGƯỢC XU HƯỚNG LẠM PHÁT TOÀN CẦU?

Trung Quốc là nền kinh tế lớn cuối cùng mở cửa trở lại sau đại dịch với việc gỡ bỏ các biện pháp hạn chế vào tháng 12/2022. Cũng giống các quốc gia khác, nước này ứng phó với các tác động kinh tế tiêu cực do đại dịch bằng các chính sách tài khóa và tiền tệ.

Năm 2020, Bắc Kinh phát hành đợt trái phiếu trị giá 1.000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 140 tỷ USD), điều hành thâm hụt ngân sách ở mức 3,6% GDP, đồng thời giảm lãi suất 0,3 điểm phần trăm. Sang năm 2022, Bắc Kinh đưa ra các chính sách gần như tài khóa (quasi-fiscal) trị giá khoảng 1.400 tỷ Nhân dân tệ thông qua hệ thống ngân hàng nhà nước - theo nghiên cứu của ngân hàng Citi. Nước này cũng cho phép các chính quyền địa phương phát hành nhiều trái phiếu hơn và giảm lãi suất thêm 0,2 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, các chương trình kích thích tài khóa của Bắc Kinh chủ yếu được phân bổ vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp dưới dạng giảm thuế, giảm các khoản liên quan tới an sinh xã hội bắt buộc trong tiền lương, cũng như những biện pháp khác nhằm giúp doanh nghiệp không phải sa thải lao động.

Ngược lại, Mỹ tung ra chương trình kích thích tài khóa và tiền tệ với quy mô lớn hơn nhiều. Người tiêu dùng Mỹ nhận được nhiều khoản hỗ trợ dưới dạng thanh toán trực tiếp hoặc trợ cấp thất nghiệp.

Mỹ và các nước phương Tây khác cũng chịu ảnh hưởng bởi các vấn đề liên quan tới nguồn cung do thiếu lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng. Còn tại Trung Quốc, “công xưởng của thế giới”, các vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng ít hơn. Người dân nước này phải ở nhà trong thời gian dài hơn do đại dịch, còn doanh nghiệp đóng cửa dẫn tới tình trạng thất nghiệp nhiều hơn và tác động sâu sắc tới tài chính của các hộ gia đình. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản cũng ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa, làm giảm lạm phát giá đối với các nhà sản xuất.

Nguyên nhân giảm phát ở Trung Quốc  - Ảnh 3

Cùng với đó, chính quyền nhiều địa phương tại Trung Quốc tiếp tục chìm trong nợ từ đại dịch. Khu vực tư nhân rơi vào tình trạng dư thừa công suất, không muốn đầu tư do nhu cầu tiêu dùng yếu.

“Trung Quốc đang đứng trên bờ vực rơi vào ‘bẫy niềm tin’ do họ tự tạo ra khi những xung lực ban đầu của việc mở cửa trở lại bắt đầu suy yếu”, các nhà phân tích của Citi viết trong một báo cáo gần đây.

MỐI NGUY HIỂM CỦA GIẢM PHÁT VỚI TRUNG QUỐC

Đối với các nhà hoạch định chính sách, nếu xu hướng giảm phát ăn sâu vào kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp thì sẽ hết sức nguy hiểm. Các doanh nghiệp sẽ không mở rộng đầu tư do lợi nhuận kém, còn người tiêu dùng chi tiêu ít hơn do lo lắng về an ninh việc làm, giá bất động sản tiếp tục giảm.

Trên thị trường bất động sản, xuất hiện nhiều bằng chứng cho thấy, sau thời gian ổn định hồi đầu năm, lĩnh vực này đang tiếp tục rơi vào vòng xoáy đi xuống. Theo Nomura, lượng giao dịch tính theo diện tích sàn tại Trung Quốc trong tháng 6 đã giảm 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái, sâu hơn so với mức giảm 3,5% của tháng 5. Số liệu này được đưa ra dựa mẫu nghiên cứu từ 330 thành phố được thực hiện bởi công ty dịch vụ dữ liệu Wind.

Các nhà kinh tế cảnh báo giá tiêu dùng tại Trung Quốc sẽ còn tiếp tục giảm nữa. Dù CPI toàn phần tháng 6 không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái, CPI lõi - thước đo lạm phát không bao gồm giá của hai nhóm mặt hàng nhiều biến động là thực phẩm và năng lượng – của Trung Quốc đã giảm còn 0,4% từ mức 0,6% của tháng trước.

“Điều này cho thấy nước này đang mất động lực phục hồi tiêu dùng nội địa”, các nhà phân tích của ngân hàng HSBC nhận định trong một báo cáo gần đây. Trong tháng 6, giá thịt lợn giảm đã ảnh hưởng tới CPI do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu yếu.

Nguyên nhân giảm phát ở Trung Quốc  - Ảnh 4

Dù lạm phát được dự báo sẽ tăng nhẹ trong những tháng tới, nhưng do hiệu ứng từ cơ sở so sánh thấp, nhiều nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh cần hành động để hỗ trợ nền kinh tế đi đúng hướng.

“Việc nới lỏng hơn nữa chính sách với nhà ở và cơ sở hạ tầng - có thể được thực hiện trong vài tuần tới - sẽ rất quan trọng nhằm ổn định nhu cầu”, các nhà phân tích của Morgan Stanley viết trong một báo cáo nghiên cứu mới đây.

Về phía nhà chức trách Trung Quốc, gần như ngay sau khi dữ liệu giá tiêu dùng được công bố hôm đầu tuần, Bắc Kinh đã gia hạn một gói biện pháp về tín dụng dành cho các nhà phát triển bất động sản nhằm ngăn chặn đà giảm giá của thị trường nhà đất.

Từ đầu năm, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã giảm lãi suất 10 điểm phần trăm. Nhiều nhà phân tích dự báo ngân hàng này sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong quý 3 để duy trì tăng trưởng tín dụng. Các nhà phân tích đang dồn chú ý vào cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc trong tháng này và dự báo sẽ có thêm các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế được đưa ra.

Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Lou Jiwei, Chính phủ nên tăng thâm hụt ngân sách của năm 2023 thêm 1.500-2.000 tỷ Nhân dân tệ để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Các biện pháp hỗ trợ, cùng với việc gỡ bỏ các hạn chế về cho vay thế chấp mua nhà và rào cản mua nhà, là cần thiết để đưa nền kinh tế phục hồi bền vững”, ông Lou nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ China Daily.