"Kinh tế Trung Quốc cần thời gian để chữa lành vết sẹo do Covid-19"
Theo ông Lou Jiwei, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc, Bắc Kinh không nên “giải cứu” cho các chính quyền trung ương đang ngập nợ mà thay vào đó nên tăng thâm hụt ngân sách để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế...
Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang chật vật kiểm soát lạm phát, Trung Quốc đang đối mặt nguy cơ giảm phát.
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 10/7, CPI toàn phần tháng 6 của Trung Quốc không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức yếu nhất kể từ tháng 2/2021. Trong khi đó, mức tăng CPI lõi, thước đo lạm phát không bao gồm giá của hai nhóm mặt hàng nhiều biến động là thực phẩm và năng lượng, giảm còn 0,4% từ mức 0,6% của tháng trước.
Theo các nhà phân tích, những con số này củng cố bằng chứng cho thấy đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 ngày càng yếu, khiến niềm tin của nhà đầu tư suy giảm do mối lo giảm phát. Nhiều người dự báo rằng những điều này có thể khiến Bắc Kinh tung ra các biện pháp kích cầu mới để thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, theo ông Lou Jiwei, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc, Bắc Kinh không nên “giải cứu” cho các chính quyền trung ương đang ngập nợ mà thay vào đó tăng chi tiêu ngân sách để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế.
Bốn việc quan trọng về kinh tế Trung Quốc diễn ra trong tháng 7
“Cần cả một quy trình và thời gian để chữa lành các vết sẹo do đại dịch Covid-19 để lại”, ông Lou nhận định trong một cuộc phỏng vấn mới đây vói tò China Daily. “Các nhà hoạch định chính sách cần điều chỉnh ưu tiên của mình một cách kịp thời để vực dậy nền kinh tế”.
Ông Lou giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính từ năm 2013-2016 và từng nhiều lần lên tiếng về các vấn đề kinh tế của đất nước.
“Những vết thương để lại sẹo do đại dịch tương đối nghiêm trọng”, ông Lou nói.
Theo ông, các doanh nghiệp, người dân và chính quyền địa phương đều đang phải sửa chữa bảng cân đối kế toán của mình.
“Để vực dậy niềm tin là cả một quá trình. Chỉ khi bảng cân đối kế toán trở về bình thường, niềm tin được khôi phục, thì các doanh nghiệp mới dám đầu tư. Còn người dân chỉ dám tiêu dùng khi tình hình việc làm được cải thiện và họ có niềm tin vào thu nhập trong tương lai. Tương tự, thu ngân sách của các địa phương cũng phải tăng lên”, ông nói.
Nền kinh tế thứ hai thế giới phục hồi chậm hơn dự báo đang ngày càng là mối lo lớn của các nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp tại Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh các chính quyền địa phương đang gánh khối nợ khổng lồ. Một số chính quyền địa phương gần đây nói rằng họ có nguy cơ không thể trả nợ, làm tăng mối lo về nguy cơ vỡ nợ.
Tuy nhiên, theo ông Lou, ở thời điểm hiện tại, xu hướng phóng đại rủi ro vỡ nợ của chính quyền địa phương và xu hướng gây áp lực tới các nhà hoạch định chính sách đang gia tăng.
Ông Lou đề xuất Chính phủ tăng thâm hụt tài khóa - chi tiêu nhiều hơn thu ngân sách - thêm khoảng 1.500-2.000 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 208-277 tỷ USD) để hỗ trợ tiền thuê nhà và dịch vụ tiện ích cũng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ trả lãi nợ vay.
“Bắc Kinh cũng nên bỏ chính sách hạn chế với hoạt động cho vay bất động sản cũng như giao dịch mua bất động sản, đồng thời áp đặt giới hạn đối với mức tăng/giảm giá nhà đất. Những việc này sẽ giúp kích thích phục hồi nhu cầu của thị trường bất động sản”, ông Lou nói thêm. "Nên tăng thâm hụt ngân sách một cách hợp lý để giải quyết vấn đề tài chính cho các dự án hiện tại, thay vì các dự án mới".
Theo ông, nếu về mặt khoa học cho thấy cần nới rộng chính sách tài khóa trong ngắn hạn, cần phải tăng thâm hụt ngân sách kịp thời để đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường càng sớm càng tốt.
“Đây là cách tiếp cận ít tốn kém nhất”, ông Lou nói.
Năm 2023, Chính phủ Trung Quốc chốt giới hạn thâm hụt ngân sách ở mức khoảng 3% GDP. Do đó, nếu tăng thâm hụt ngân sách từ 1.500-2.000 tỷ Nhân dân tệ sẽ nâng tỷ lệ này lên khoảng 4,16-4,55%.