09:45 17/11/2022

Nhà đầu tư ở Phố Wall bắt đầu “bỏng tay” vì những giao dịch đặt cược vào lạm phát

An Huy

Đặt cược vào sự mất giá của cổ phiếu công nghệ và trái phiếu kho bạc Mỹ, hoặc đặt cược vào sự tăng giá của đồng USD là vài trong số những chiến lược lãi nhất trên thị trường tài chính Mỹ trong năm nay...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Giao dịch sôi động nhất ở Phố Wall thời gian qua, là những giao dịch đặt cược rằng lạm phát ở Mỹ sẽ dai dẳng ở mức cao, đang gặp trở ngại bất ngờ. Điều này dẫn tới một làn sóng thanh lý các trạng thái đầu cơ ở các quỹ lớn - hãng tin Bloomberg cho hay.

Đặt cược vào sự mất giá của cổ phiếu công nghệ và trái phiếu kho bạc Mỹ, hoặc đặt cược vào sự tăng giá của đồng USD là vài trong số những chiến lược lãi nhất trên thị trường tài chính Mỹ trong năm nay, trong bối cảnh lạm phát tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ trở thành nhân tố chi phối khả năng sinh lời của các tài sản.

Giờ đây, khi cả chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 10 của Mỹ đều tăng yếu hơn dự báo, những giao dịch nói trên bất ngờ trở nên không còn chắc chắn.

Cổ phiếu công nghệ - một trong những loại tài sản thất bại nhất trong năm nay - đã tăng giá mạnh trong những phiên giao dịch gần đây. Điển hình như trong phiên ngày thứ Ba, chỉ số Nasdaq có lúc tăng tới 2,8%.

Cùng với đó, giá trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, khiến lợi suất đi xuống. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác cũng giảm mạnh, có lúc chạm đáy 3 tháng.

Những biến động này của thị trường là một đòn giáng mạnh vào các quỹ đầu tư trước đó đặt cược lớn rằng chiến dịch chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao và làm gia tăng sức hấp dẫn của đồng USD. Nhiều nhà đầu tư khác cũng thiệt hại, chẳng hạn khách hàng của Bank of America gần đây cắt giảm mạnh mức nắm giữ cổ phiếu công nghệ xuống mức thấp nhất 16 năm.

Những diễn biến đầy bất ngờ này gây “đau thương” đặc biệt lớn đối với những quỹ đầu tư áp dụng chiến lược theo xu hướng (trend-following) như các Commodity Trading Advisor (CTA). Bằng cách đầu cơ dựa trên lạm phát, quỹ này đã đạt mức lãi hai con số trong năm nay. Giờ đây, quỹ đang chìm trong kết quả tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020 - theo một chỉ số của ngân hàng Societe Generale.

Lạm phát đã qua đỉnh hay chưa vẫn đang là một chủ đề gây tranh cãi, và các nhà đầu tư cũng như giới hoạch định chính sách đã không ít lần dự báo sai về xu hướng giá cả trong những năm gần đây. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn hơn là những giao dịch sôi động nhất ở Phố Wall có thể chứng kiến sự thoái vốn đồng loạt, bao gồm việc đóng nhiều trạng thái bán khống của các quỹ chuyên “lướt sóng”, dẫn tới mức độ biến động của thị trường càng lớn.

“Giao dịch lạm phát, từng bị coi là đi ngược số đông, đã trở thành xu hướng trong năm nay. Đối với các CTA, vấn đề vào lúc này không phải là xu hướng giao dịch đó đã đảo ngược, mà là sự đảo ngược đó diễn ra đồng loạt”, nhà quản lý danh mục Andrew Beer của Dynamic Beta Investments LLC nhận định.

Một hiệu ứng từ sự đảo lộn trạng thái đầu tư này có thể là việc thị trường đang lạc quan quá sớm về lạm phát.

Từ khi báo cáo CPI tháng 10 của Mỹ được công bố vào hôm thứ Năm tuần trước cho tới khi báo cáo PPI được công bố vào hôm thứ Ba tuần này, chỉ số S&P 500 đã tăng 6%. Điều này khiến nhiều chiến lược gia ở Phố Wall đặt câu hỏi các nhà đầu tư đang hứng thú quá mức với điều gì. Họ cho rằng báo cáo CPI đúng là cho thấy lạm phát dịu đi, nhưng chưa hề phản ánh một sự suy yếu thực sự của áp lực giá cả. Sự tăng điểm này của thị trường được coi là sản phẩm phụ của việc các nhà giao dịch buộc phải rút khỏi các trạng thái đầu cơ trước đó, thay vì phản ánh một cách thực chất những gì đang diễn ra trong nền kinh tế.

Và cũng cần nói thêm rằng những đợt phục hồi như thế này đã diễn ra nhiều lần trong vòng 1 năm trở lại đây, và tất cả đều không duy trì được lâu.

Mức độ biến động lớn của thị trường đã dẫn tới một số các nhà giao dịch buộc phải bán tháo tài sản trong danh mục như thể xảy ra một sự kiện khiến giá trị tài sản bị đặt vào tình thế rủi ro (VaR event) - theo chiến lược gia Charlie McElligott của Nomura Securities International. Ông McElligott nói rằng khi xảy ra cú sốc do các báo cáo lạm phát mới nhất của Mỹ dẫn tới sự điều chỉnh kỳ vọng vào chính sách tiền tệ toàn cầu, nhiều nhà giao dịch không còn cách nào khác ngoài việc phải cắt lỗ và giảm trạng thái.

Vị chiến lược gia cho rằng báo cáo PPI càng củng cố kỳ vọng của thị trường rằng Fed sẽ chuyển sang một lập trường mềm mỏng hơn và lãi suất cực đại của Fed trong chu kỳ thắt chặt này sẽ thấp hơn so với dự tính trước đó.

Hiện chưa rõ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với các giao dịch trên thị trường tài chính Mỹ đặt cược vào sự dai dẳng của lạm phát. Tuy nhiên, chiến lược gia Jared Woodard của Bank of America nói rằng áp lực giá cả có thể duy trì trong nhiều năm, khiến cho việc rót nhiều vốn vào những tài sản như cổ phiếu công nghệ trở nên thiếu bền vững.

“Nếu chúng tôi đúng khi cho rằng thị trường mới đang ở vào giai đoạn đầu của một cuộc dịch chuyển lớn về kinh tế vĩ mô, thì sự định giá lại tài sản có thể sẽ rất lớn và kéo dài”, ông Woodard nói với Bloomberg TV.