16:01 03/05/2007

Nhà máy nước đầu tiên bán cổ phần

Hải Bằng

Ngày 22/5 tới, tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, Nhà máy nước Bảo Lộc sẽ bán đấu giá 1.202.100 cổ phần

Nhà máy nước Bảo Lộc là đơn vị duy nhất sản xuất và cung cấp nước sạch cho 7.011 hộ dân, chiếm tỷ lệ khoảng 50% dân số thị xã Bảo Lộc.
Nhà máy nước Bảo Lộc là đơn vị duy nhất sản xuất và cung cấp nước sạch cho 7.011 hộ dân, chiếm tỷ lệ khoảng 50% dân số thị xã Bảo Lộc.
Ngày 22/5 tới, tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, Nhà máy nước Bảo Lộc sẽ bán đấu giá 1.202.100 cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần) để thực hiện cổ phần hóa, giá khởi điểm 10.100 đồng/cổ phần.

Nhà đầu tư có thể đăng ký mua toàn bộ số lượng cổ phần chào bán nhưng chỉ được ghi một mức giá duy nhất vào phiếu tham dự đấu giá cho toàn bộ số cổ phần đăng ký mua.

Sau khi cổ phần hóa, công ty có tên là Công ty Cổ phần Cấp thoát nước và Xây dựng Bảo Lộc, vốn điều lệ 27 tỷ đồng, trong đó Nhà nước chiếm 40%, cổ đông cán bộ công nhân viên nắm giữ 3,5% (được mua cổ phần với giá ưu đãi bằng 60% giá trúng đấu giá bình quân), cổ đông chiến lược sở hữu 12% (dự kiến gồm 2 đơn vị là Công ty TNHH Cơ khí Hiệp Lực, Tp.HCM với tỷ lệ khoảng 60% cổ phần ưu đãi cho các nhà đầu tư chiến lược tương ứng 194.400 cổ phần và Công ty TNHH Thương mại và Kỹ thuật Trương Nguyệt, Tp.HCM với tỷ lệ khoảng 40% cổ phần ưu đãi cho các nhà đầu tư chiến lược tương ứng 129.600 cổ phần với giá bán giảm 20% so với giá trúng đấu giá bình quân) và các nhà đầu tư bên ngoài qua bán đấu giá sẽ nắm giữ 44,5%.

Hiện nay, Nhà máy nước Bảo Lộc là đơn vị duy nhất sản xuất và cung cấp nước sạch cho 7.011 hộ dân, chiếm tỷ lệ khoảng 50% dân số thị xã Bảo Lộc. Về mặt thị trường, Nhà máy nước Bảo Lộc nhận định, thị trường Bảo Lộc là một thị trường ổn định và có tiềm năng phát triển tốt.

Theo quy hoạch phát triển thị xã sẽ mở rộng nhiều khu dân cư, khu công nghiệp mới nên nhu cầu về nước sạch là rất lớn và khả năng phát triển và mở rộng hệ thống cấp nước cho thị xã là rất khả thi. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của thị xã ngày càng lớn, các khu dân cư và các khu công nghiệp đang mở ra, đây là thị trường rất tiềm năng cho công tác tư vấn, công tác xây dựng cơ bản. Thị trường này nhà máy hiện tại còn bỏ ngỏ vì nhiều lý do trong đó có lý do về vốn đầu tư.

Các khu quy hoạch dân cư và công nghiệp mới của thị xã Bảo Lộc đang phát triển mạnh mẽ, kinh doanh bất động sản tại thị xã là một ngành nghề còn mới mẻ, tiềm năng rất lớn. Đây cũng là một định hướng cần được khai thác triệt để nhằm tăng sự thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong quá trình xã hội hóa ngành cấp thoát nước.

Năm 2003 Nhà máy nước Bảo Lộc được cải tạo nâng cấp và mở rộng toàn bộ hệ thống cấp nước hiện có. Việc cải tạo này đã trang bị cho nhà máy 4 trạm bơm mới, 2 đài nước và thay thế khoảng 20 km đường ống các loại từ D100 - D200 PVC. Hiện nay, hệ thống cấp nước của Nhà máy nước Bảo Lộc gồm có khoảng 45.000 m đường ống các loại từ D100 đến D200 (PVC-gang-thép), 10 trạm bơm nước, 2 đài nước và hệ thống ống nhánh cung cấp cho 7.011 hộ khách hàng. Trong quá trình hoạt động, nhà máy được Công ty thay thế trang bị dần các thiết bị của từng trạm bơm, đầu tư xây dựng mở rộng thêm mạng lưới cấp nước.

Hiện nay, tại các giếng khoan đã được trang bị toàn bộ các máy bơm chìm mới theo tiêu chuẩn châu Âu, hệ thống cấp nước đã được mở rộng gần khắp thị xã, tuy nhiên hệ thống còn thiếu nhiều các trục nhánh phân phối vào từng hộ dân do thiếu vốn đầu tư. Công suất cấp nước hiện nay của nhà máy đạt khoảng 6.000 m3/ngày đêm, tương ứng 2.145.600 m3/năm.

Về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, Nhà máy nước Bảo Lộc đánh giá: doanh thu của nhà máy chủ yếu thực hiện từ hoạt động kinh doanh cấp nước cho khách hàng, doanh thu ổn định và tăng liên tục qua từng năm. Hiệu quả kinh doanh của Nhà máy nước Bảo Lộc còn rất hạn chế mặc dù doanh thu tăng đều qua các năm.

Sở dĩ còn tồn tại hạn chế này vì hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị mang tính đơn ngành với hoạt động chính là sản xuất và cung cấp nước sinh hoạt, các hoạt động khác như khảo sát thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống cấp nước là những hoạt động mang tính bổ trợ, quy mô nhỏ và sản lượng tăng trưởng hàng năm thấp bình quân từ 4-5%/năm. Công suất khai thác đạt khoảng 80% công suất thiết kế (1.774.000 m³/2.145.600 m³).

Năm 2003 lợi nhuận trước thuế đạt 184 triệu, năm 2004 lỗ 236 triệu đồng, nguyên nhân do tăng giá trị khấu hao cơ bản của dự án cải tạo hệ thống cấp nước Bảo Lộc là 18 tỷ, năm 2005 đã giảm lỗ còn 45 triệu đồng. Sản lượng nước sản xuất của Nhà máy nước Bảo Lộc tăng liên tục từ năm 2003 đến năm 2005. Năm 2003 tổng lượng nước sản xuất đạt 1.561.502 m3, năm 2004 tăng lên 1.584.324 m3 và đến năm 2005 tăng lên 1.694.185 m3.

Bên cạnh những thuận lợi, Nhà máy nước Bảo Lộc vẫn còn một số khó khăn và tồn tại như: hệ thống cấp nước thị xã Bảo Lộc tuy đã được cải tạo mở rông, nhưng vẫn chưa bao phủ hết phạm vi thị trấn, còn rất nhiều khu vực chưa có hệ thống cấp nước cho nhân dân, tỷ lệ người dùng nước sạch mới chỉ đạt 50% chưa đạt tiêu chí cấp nước theo định hướng của địa phương. Nguồn nước tại các trạm bơm ngày càng cạn kiệt do thời gian khai thác của các giếng khoan đã lâu. Hiện nay việc quản lý khai thác nước dưới đất đối với người dân chưa được quan tâm quản lý đúng mức nên việc khai thác này còn bừa bãi dẫn đến tình trạng một số giếng bơm đã hụt nước và ô nhiễm nguồn nước không thể khai thác tiếp được.

Việc cải tạo đường, chỉnh trang đô thị của thị xã Bảo Lộc dẫn đến việc phải di dời hệ thống cấp nước, gây khó khăn rất lớn cho đơn vị về kinh phí cho việc di dời. Hiện nay, việc định giá nước máy còn mang tính bao cấp chưa phản ánh một cách đầy đủ các khoản mục chi phí. Giá nước máy chỉ đủ chi phí cho sản xuất bình thường cho nên mỗi khi có biến động về giá nguyên nhiên vật liệu, giá điện hay điều chỉnh giá trị khấu hao đúng theo giá trị thực tế đầu tư sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của nhà máy. Việc quản lý hệ thống cấp nước cũng gặp nhiều khó khăn vì phạm vi của hệ thống này khá rộng, hiện nay vẫn xảy ra tình trạng mất trộm nắp trụ, đầu trụ chữa cháy và mất nước do bị đục đường ống...

Để khắc phục việc này, cần tăng cường công tác kiểm tra, bảo vệ hệ thống, tuy nhiên như thế lại sử dụng nhiều nhân lực làm tăng giá thành nước máy. Hiện nay thị xã đang quy hoạch và đầu tư xây dựng nhiều khu dân cư mới, khu công nghiệp mới nên nhu cầu sử dụng nước rất cấp thiết. Trong khi đó nguồn vốn ngân sách còn nhiều khó khăn, nguồn vốn tái đầu tư của nhà máy không đáng kể.

Cho nên, nhà máy rất thiếu vốn để đầu tư mở rộng hệ thống. Hiện tại nhà máy hoạt động chủ yếu là sản xuất và cung cấp nước sạch, đối với ngành nghề này vẫn còn mang tính công ích nên hiệu quả kinh doanh của nhà máy không cao.