10:11 12/05/2007

Nhà quản lý có tấm lòng nhân ái

Hà Linh

Câu chuyện về ông Mike Asao, Trưởng đại diện của Tập đoàn Canon (Nhật Bản) tại Việt Nam

Tại một nhà máy lắp ráp sản phẩm của Canon tại châu Á.
Tại một nhà máy lắp ráp sản phẩm của Canon tại châu Á.
Gần đây, các báo đài liên tục đưa tin về một làn sóng đầu tư thứ hai từ Nhật Bản vào Việt Nam. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng “chất xúc tác” hút các doanh nghiệp Nhật Bản đến Việt Nam chính là các doanh nghiệp Nhật đang kinh doanh thành công tại thị trường Việt Nam.

Và một trong những lực dẫn mạnh mẽ ấy chính là Tập đoàn Canon với người thuyền trưởng Mike Asao.

Ông Mike Asao bắt đầu làm việc tại Canon vào năm 1985, khi ông vừa tốt nghiệp Đại học Keio, Nhật Bản, chuyên ngành kinh tế. Và đây cũng là nơi làm việc đầu tiên và duy nhất của ông cho tới nay. Trải qua 22 năm làm việc cho Canon, có thể nói Mike Asao đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp phát triển của hãng điện tử Nhật này.

Là người khiêm tốn, ông Mike Asao luôn đề cập đến đóng góp của các nhà lãnh đạo tiền nhiệm và cộng sự hơn là nói về bản thân mình. Thế nhưng không chỉ nhân viên của Canon mà hầu hết những ai quan tâm đến Canon đều biết rằng Canon có được thương hiệu và vị trí số 1 trên thị trường Việt Nam như ngày hôm nay chính là nhờ tài điều hành của Mike Asao.

Bí quyết thành công

Trước khi đến làm việc tại Việt Nam, ông Mike Asao đã được biết đến là người rất thành công trong sự nghiệp trên cương vị là Giám đốc tiếp thị các thiết bị y tế của Canon tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Ông đã tài tình đưa doanh thu bán thiết bị y tế cho Ấn Độ tăng 10 lần.

Với thành công đó, ông đã được tin tưởng bổ nhiệm làm Giám đốc cao cấp văn phòng chủ tịch sau đó là Giám đốc Ban chiến lược tập đoàn. Mike Asao không chỉ đặc biệt quan tâm tới thị trường Việt Nam mà còn say mê đất nước và con người ở đây. Ngay khi tới Việt Nam, ông chủ trương không ngừng mở rộng mạng lưới phân phối rộng khắp, đồng thời cung cấp hoạt động tiếp thị, hỗ trợ về huấn luyện và dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng các sản phẩm thiết bị văn phòng, thiết bị và linh kiện hình ảnh một cách hiệu quả.

Mục đích của Canon là đón đầu nhu cầu sử dụng máy đa năng đang có khuynh hướng rộ lên từ các doanh nghiệp. Nói cách khác, xu thế sản xuất máy “tất cả trong một” (All in one), với các tính năng được thiết kế riêng biệt. Ông nhận định, tăng tuổi thọ sử dụng và độ bền cao cho thiết bị là xu hướng sẽ chiếm vị thế cao trong thời gian tới.

Chính vì vậy, hiện Canon đang từng bước khẳng định vị thế của mình tại thị trường Việt Nam thông qua việc giới thiệu hàng loạt sản phẩm và công nghệ mới, như máy fax (với công nghệ đặc trưng là phần mềm Imageware do Canon tự sản xuất giúp quá trình sử dụng dễ dàng hơn) hoặc công nghệ SA 800 giúp máy ảnh chụp trong bóng tối; công nghệ FINE giúp bản in sắc nét hơn, sẽ giúp kéo dài tuổi thọ bản in và màu sắc tới hơn 100 năm, và giải pháp phần mềm image Ware nhằm giúp các doanh nghiệp hoàn thiện hơn các công việc hàng ngày và gia tăng hiệu suất công việc.

Những thiết bị văn phòng tối tân, kết hợp đa tính năng, nhiều tiện ích, và hiệu quả cao được coi là dòng sản phẩm chiến lược này của hãng tại thị trường Việt Nam đang tạo ra không ít bất ngờ và làm hài lòng người sử dụng.

Trong suốt 5 năm hiện diện tại thị trường Việt Nam, mức tăng trưởng của hãng luôn tăng đều và mạnh. Tuy nhiên, Canon đã vấp phải 2 khó khăn lớn khi đến Việt Nam. Thứ nhất là mực in lậu. Mực in lậu ảnh hưởng rất nhiều đến việc kinh doanh máy in Canon. Thiệt hại mà hãng chịu hàng năm cho vấn đề này đến 40%. Thứ hai đó là nạn máy ảnh lậu, máy ảnh nhập qua đường “xách tay”. Giá bán ra của các sản phẩm nhập lậu này rẻ hơn rất nhiều so với đường chính ngạch. Thiệt hại mà hãng ước tính lên đến 90%.

Trước tình thế đó, ông Mike Asao đã sáng suốt đưa ra đấu pháp là chủ động bảo vệ khách hàng khi mua sản phẩm Canon. Ngày 13/7/2006, Canon đã ký kết biên bản thỏa thuận chính thức với Cục Quản lý thị trường, Bộ Thương mại để tham gia vào phong trào truy quét hàng giả, giúp khách hàng không bị đánh lừa và thiệt hại về tài chính.

Không chỉ có vậy, ông Asao còn chủ trương thường xuyên huấn luyện đại lý bán hàng và người tiêu dùng về tính chất nguy hiểm của hàng giả và các cách thức để nhận biết hàng giả dễ dàng hơn. Hiện Canon đang hỗ trợ các chương trình truy quét hàng giả trong nước và quốc tế để loại bỏ hàng giả tận gốc.

Là một nhà quản lý quốc tế dầy dạn kinh nghiệm, Mike Asao đặc biệt coi trọng năng lực làm việc. Thời gian làm việc tại Việt Nam chưa phải nhiều nhưng ông đã gây dựng được một đội ngũ nhân sự “tuổi trẻ tài cao” mà các công ty khác đều phải ghen tỵ. Với phương châm “Sống và làm việc vì mục đích tốt đẹp hơn”, đội ngũ nhân viên đã làm việc hết mình để đưa Canon trở nên thân thiết với người dân Việt Nam.

“Lãnh đạo của công ty luôn tạo điều kiện cho nhân viên phát huy hết khả năng, sự sáng tạo”, Lê Thanh Hằng - Chuyên viên Marketing tâm sự. “Canon là nguồn sức mạnh tinh thần cho tất cả những thành viên của mình. Giống như những fan hâm mộ bóng đá vậy, tôi và những đồng nghiệp của tôi có thể nói rằng “ăn cùng Canon, ngủ cùng Canon và làm việc cùng Canon”, Sỹ Phú, chuyên viên sản phẩm tự hào nói.

Phương châm của công ty là luôn tạo cho khách hàng cảm giác thoải mái khi đến với Canon. Trong công việc hàng ngày, khách hàng luôn là mối quan tâm lớn nhất. Việc làm hài lòng khách hàng chính là phương châm tốt nhất không chỉ riêng ông Asao thấm nhuần mà ông đã truyền tinh thần đó cho toàn bộ nhân viên của mình đã, đang và sẽ làm tốt.

Một tấm lòng giữa vạn tấm lòng

Là Trưởng đại diện của Canon tại Việt Nam, luôn bận rộn công việc nhưng ông Mike Asao vẫn dành thời gian đó tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội. Ông còn hướng nhân viên Canon tích cực tham gia những hoạt động xã hội như mình.

Trong cảnh đổ nát, điêu tàn mà cơn bão Xansane đã gây ra cho đồng bào miền Trung Việt Nam năm 2006, ông đã cùng các nhân viên của mình xuống tận nơi thăm hỏi và trao quà tiếp tế. Vào cuối tháng 3 vừa rồi ở Tp.HCM, ông Asao đã trao 30 triệu đồng tiền cá nhân cho chương trình đem ánh sáng cho trẻ em nghèo khó. Hành động này lại lần nữa chứng minh cho tấm lòng thiện của một con người hảo tâm.

Được công ty phân công đến Việt Nam làm việc 2 năm trước. Từ đó đến nay, ông Asao luôn luôn cảm động bởi nền văn hoá và lòng mến khách mà người dân dành cho ông. Ông cho biết: “Tôi yêu đất nước và con người Việt Nam. Sự nhiệt tình giúp đỡ của các bạn đồng nghiệp cũng như sự thân thiện của người dân đã giữ chân tôi lại đây, cống hiến nhiều hơn nữa cho người dân đất nước này”.

Chính vì vậy, ông đã tham gia vào nhiều chương trình hỗ trợ người nghèo và khó khăn của công ty. Không chỉ có vậy, ông còn tham gia với tư cách cá nhân để thể hiện lòng biết ơn đối với đất nước mà gia đình và bản thân ông đang sống và làm việc.

“Tôi biết nhiều trẻ em ở Việt Nam không có điều kiện được hưởng một nền giáo dục cơ bản. Bản thân tôi có 3 người con và tôi nhận thấy những đứa con tôi thật may mắn biết bao nhiêu. Tôi mong muốn nhiều trẻ em Việt Nam sẽ có cơ hội như nhau và họ là tương lai tươi sáng của đất nước Việt Nam.Tôi cũng thấy có rất nhiều sự tương đồng trong hai nền văn hoá. Khi tôi nhìn trẻ em Việt Nam, thì tôi thấy hoàn toàn không có một sự khác biệt nào. Bất kỳ trẻ em nào cũng làm tôi gợi nhớ lại những đứa con của tôi”, ông tâm sự.

Ông cho biết triết lý đằng sau sự hỗ trợ đến từ Canon luôn là “Kyosei”, có nghĩa là cùng sống và làm việc vì một cuộc sống tốt đẹp.

Mike Asao nói: “Chúng tôi không chỉ chia sẻ niềm vui mà cả những lúc khó khăn với những người chúng tôi cùng sống và làm việc”. Hoạt động hỗ trợ của Canon tại Việt Nam bao gồm việc tài trợ cho bác sĩ Hattori, một chuyên gia về phẫu thuật mắt, người đã mang đến ánh sáng cho hàng ngàn người khiếm thị Việt Nam.

Mike Asao tự hào cho biết Canon còn giúp đỡ những nạn nhân chất độc màu da cam và cả những trẻ em cần phẫu thuật nụ cười và gần đây nhất là cán bộ Canon đã đến tận nơi để thăm và trao tặng những vật dụng thiết yếu để khôi phục lại thảm hoạ tại một làng quê bị thiên tai bão lụt tàn phá nặng nề.

Chặng đường hình thành

Rất nhiều người, khi nhắc đến Canon, thường chỉ nghĩ tới máy ảnh. Tuy nhiên, trên thực tế, tên tuổi này còn gắn với nhiều điều thú vị hơn thế. Đó là hãng chuyên về sản xuất thiết bị hình ảnh, máy móc văn phòng, dụng cụ quang học và các sản phẩm khác. Theo tài liệu nghiên cứu của Công ty Gartner, Canon hiện giữ vị trí số 1 tại thị trường Việt Nam trong năm vừa qua về lĩnh vực máy thiết bị văn phòng.

Sản phẩm của Canon có mặt trên thị trường Việt Nam đã lâu nhưng đến năm 2002, Canon mới mở văn phòng đại diện chính thức, ban đầu chỉ có 3 nhân viên ở Tp.Hồ Chí Minh. Kể từ đó, Canon ngày càng lớn mạnh, doanh thu hơn 25 triệu USD. Hiện Canon có 22 nhân viên làm việc tại 2 văn phòng ở Hà Nội và Tp.HCM. Mạng lưới phân phối và dịch vụ đã bao phủ gần hết các tỉnh thành của Việt Nam. Số lượng các đại lý chính thức đã tăng lên gấp 3 lần so với 3 năm qua.

Năm 2006, sản lượng sản xuất của nhà máy Canon đã tăng 70%, đồng thời sản lượng bán hàng của Canon tại Việt Nam tăng 36% so với năm 2005. Canon đã tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm cho hơn 12.000 người dân Việt Nam.

Đến nay, việc kinh doanh sản phẩm Canon tại Việt Nam đã phát triển khá quy mô. Theo số liệu của Tập đoàn dữ liệu quốc tế Gartner, Canon hiện đang nắm các vị trí hàng đầu ở Việt Nam đối với máy in laser (với 48% thị phần) và với máy photocopy (31% thị phần). Mục tiêu hãng đặt ra là mở rộng quy mô kinh doanh đạt 100 triệu Đôla Mỹ doanh thu bán các sản phẩm của Canon tại Việt Nam. Cùng sự hỗ trợ tối đa từ mạng lưới đối tác, Canon sẽ có mặt tại tất cả 64 tỉnh thành trong năm nay với 5 nhà phân phối chính và hơn 300 đại lý.

Hiện nay, tổng vốn đầu tư của Canon tại Việt Nam đã đạt 260 triệu USD. Sau khi khảo sát môi trường đầu tư một lần nữa vào cuối năm 2005, Canon (Nhật Bản) đã chính thức đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất máy in phun lớn nhất thế giới của mình tại Khu công nghiệp Bắc Ninh, với tổng vốn đầu tư cho giai đoạn I là 70 triệu USD.

Vào cuối năm 2007, Canon sẽ tiếp tục đầu tư thêm 40 triệu USD nữa để nâng tổng vốn đầu tư của Canon tại Việt Nam lên 370 triệu USD. Và quan trọng hơn, Việt Nam sẽ là “cứ điểm” đầu tư lớn nhất cho sản xuất máy in phun ngoài Nhật Bản.

“Chúng tôi rất ấn tượng về đức tính cần cù, chịu khó và sự thông minh, nhạy bén của nguồn nhân lực Việt Nam. Chính điều này cộng với sự tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam và môi trường chính trị ổn định đã thuyết phục ban lãnh đạo của Canon”, ông Asao cho biết.

Một bước ngoặt phát triển nữa của Canon tại Việt Nam, chính là việc hãng đã khai trương Trung tâm giải pháp hình ảnh tại Tp.HCM. Đây có thể xem là nơi trưng bày những sản phẩm “nóng” nhất của Canon, từ các dòng máy chụp hình chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp, nghiệp dư cho đến các sản phẩm công nghệ như máy in, fax, máy chiếu... Đây cũng là điểm liên lạc trực tiếp để trưng bày những công nghệ mới nhất của Canon và truyền lại kiến thức về sản phẩm cho người tiêu dùng.

“Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), chúng tôi vẫn tiếp tục ủng hộ và hợp tác với các nhà đại lý và phân phối của Việt Nam, vì không ai làm chúng tôi an tâm hơn họ khi chúng tôi làm ăn, đầu tư kinh doanh tại đây”. Tuyên bố đó của ông Asao được xem là cam kết làm ăn lâu dài của Canon tại Việt Nam và thông điệp đã càng khẳng định sức hút của Việt Nam đối với các nhà đầu tư của Nhật Bản.