Nhà thuốc Hà Nội phải lập danh sách người có biểu hiện ho, sốt
Các phòng khám tư nhân, nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội khi phát hiện người có biểu hiện ho, sốt phải lập danh sách và thông báo với cơ quan y tế...
Ngày 12/5, Uỷ ban nhân dân Tp Hà Nội ban hành Công điện số 7 về việc tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 liên quan các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp và tại cơ sở khám chữa bệnh.
Theo đó, Uỷ ban nhân dân Tp Hà Nội yêu cầu các phòng khám tư nhân, nhà thuốc trên địa bàn thành phố khi phát hiện người dân có biểu hiện ho, sốt, khó thở,…phải lập danh sách và thông báo ngay với trạm y tế trên địa bàn.
Cùng với đó, giao Sở Y tế, các địa phương tổ chức kiểm tra, xử lý theo quy định nếu phát hiện phòng khám tư nhân, nhà thuốc không thực hiện nghiêm.
Đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Định kỳ xét nghiệm sàng lọc cán bộ, y bác sĩ và nhân viên tiếp xúc với những bệnh nhân nặng, có nguy cơ cao.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố cũng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh việc rà soát các đối tượng đi từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện K3 Tân Triều, các tỉnh/thành phố Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng và các vùng có dịch, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly.
Trong đó, đối với trường hợp có biểu hiện bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở phải báo cáo hằng ngày.
Ngoài ra, Uỷ ban nhân dân Tp Hà Nội cũng cho rằng, vừa qua trên địa bàn một số tỉnh lân cận đã ghi nhận các ca nhiễm tại một số nhà máy sản xuất quy mô lớn trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, có số lượng người lao động, chuyên gia hiện cư trú trên địa bàn Hà Nội thường xuyên di chuyển. Đây là mối nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng.
Để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm, bùng phát từ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và tỉnh lân cận, Tp Hà Nội yêu cầu Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Khu chế xuất Hà Nội lập danh sách người lao động, chuyên gia cư trú trên địa bàn, đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc các tỉnh lân cận có xuất hiện ca lây nhiễm. Từ đó, để chủ động giám sát khi xuất hiện các ca bệnh có liên quan.
Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa phải lập và lưu trữ danh sách phương tiện, lái xe, phụ xe, hành khách, tuyến đường và các địa điểm giao thương trong quá trình di chuyển đi và đến Hà Nội.
Uỷ ban nhân dân Tp Hà Nội cũng yêu cầu toàn bộ người lao động, chuyên gia, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động giao thương thường xuyên tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn các tỉnh/thành phố khác chủ động khai báo y tế hàng ngày.
Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Khu chế xuất Hà Nội, Sở Công thương, địa phương chỉ đạo doanh nghiệp chủ động xây dựng kịch bản phòng chống dịch khi xuất hiện các ca dương tính.
Đồng thời, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định và các biện pháp phòng chống dịch.