09:09 25/07/2008

Nhập siêu tiếp tục giảm

Anh Quân

Tình hình nhập siêu tháng 7 vẫn duy trì xu thế giảm, khi đứng ở mức thấp là 0,8 tỷ USD

Nhập siêu chủ yếu là nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất, nhiên liệu đầu vào từ các nước trong khu vực.
Nhập siêu chủ yếu là nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất, nhiên liệu đầu vào từ các nước trong khu vực.
Tình hình nhập siêu tháng 7 vẫn duy trì xu thế giảm, khi đứng ở mức thấp là 0,8 tỷ USD.

Theo con số ước tính của Bộ Công Thương, giá trị hàng hóa xuất khẩu tháng 7 ước tính đạt 6,25 tỷ USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước (giá trị xuất khẩu tháng 7/2007 đạt 4,25 tỷ USD), vượt xa con số 5,5 tỷ USD của tháng trước đó.

Tính chung trong bảy tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 36,876 tỷ USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đóng góp vào mức tăng của xuất khẩu trong bảy tháng qua là dầu thô, dệt may, gạo, sản phẩm đá quý và kim loại quý, giày dép… Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của việt Nam đều tăng một phần do tăng khối lượng xuất khẩu, nhưng mặt khác còn do giá xuất khẩu các mặt hàng này tăng cao.

Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu cao nhất thuộc về nhóm sản phẩm đá quý và kim loại quý khi tăng tới 525,6% so với cùng kỳ năm 2007. Tiếp đến là dầu mỡ động, thực vật tăng 246,1%.

Xuất khẩu được giá cũng khiến giá trị ngoại tệ thu về từ gạo trong bảy tháng qua tăng 87,6% so với cùng kỳ năm 2007.

Giá trị hàng hóa nhập khẩu tháng này cũng tăng nhẹ so với tháng trước đó. So với con số 6,8 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu tháng 6, con số của tháng này tăng 3,67% và đạt giá trị 7,05 tỷ USD. Nhưng so với cùng tháng này năm trước, nhập khẩu tháng 7 tăng 39,6%.

Tính chung trong bảy tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 51,887 tỷ USD, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm trước. So với mức tăng 60,3% kim ngạch nhập khẩu 6 tháng so với cùng kỳ, đến tháng này, mức tăng đã giảm hơn.

Chỉ 3 nhóm hàng hóa có giá trị nhập khẩu tăng cao đã đóng góp khoảng 45% vào mức tăng bảy tháng qua, gồm có xăng dầu, sắt thép và máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng.

So với cùng kỳ, nhóm hàng nhập khẩu tăng mạnh trong 7 tháng qua gồm có ô tô tăng 299,1%, trong đó ô tô nguyên chiếc tăng 365,1%; phân bón tăng 218,9%, trong đó Urê tăng tới 238,3%; dầu mỡ động, thực vật tăng 196,8%; sắt thép tăng 196,6%; xăng dầu tăng 190,7%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu tăng 178,3%...

Nhập siêu hàng hóa tháng 7 ước tính 0,8 tỷ USD, là tháng có giá trị nhập siêu thấp nhất từ đầu năm đến nay. Tính chung trong bảy tháng đầu năm, giá trị nhập siêu ước tính là 15,01 tỷ USD, bằng 40,7% kim ngạch xuất khẩu.

Mức nhập siêu đã giảm đáng kể trong nhứng tháng gần đây: tháng 3 nhập siêu đạt 3,28 tỷ USD, tháng 4 là 3,2 tỷ USD, tháng 5 còn 1,91 tỷ USD, tháng 6 xuống mức 1,3 tỷ USD.

Nhập siêu chủ yếu là nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất, nhiên liệu đầu vào từ các nước trong khu vực. Với các thị trường như Mỹ, châu Âu thì Việt Nam vẫn duy trì mức xuất siêu, do duy trì được mức tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh.