14:56 04/06/2010

Nhật Bản có thủ tướng thứ 6 trong 4 năm

Huy Anh

Quốc hội Nhật Bản đã chính thức bầu tân Chủ tịch đảng Dân chủ Nhật Bản cầm quyền, ông Naoto Kan, làm thủ tướng

Ông Naoto Kan trở thành thủ tướng thứ 6 ở Nhật Bản trong 4 năm - Ảnh: Reuters.
Ông Naoto Kan trở thành thủ tướng thứ 6 ở Nhật Bản trong 4 năm - Ảnh: Reuters.
Chiều nay (4/6), Quốc hội Nhật Bản đã chính thức bỏ phiếu, bầu tân Chủ tịch đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền, ông Naoto Kan, làm thủ tướng. Với thắng lợi này, ông Naoto Kan đã trở thành thủ tướng thứ 6 ở Nhật Bản trong vòng 4 năm qua.

Theo kết quả kiểm phiếu tại Hạ viện, ông Naoto Kan đã nhận được 313 phiếu trong tổng số 477 phiếu, vượt qua lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Sadakazu Tanigaki với 116 phiếu. Số phiếu còn lại thuộc về ứng cử viên các đảng nhỏ hơn. Ngay sau đó, Thượng viện Nhật Bản đã chính thức thông qua kết quả này.

Trước đó, sáng nay, đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền đã tiến hành bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới. Với 291 phiếu thuận trong tổng số 420 nghị sĩ tham gia bỏ phiếu, DPJ đã nhất trí bầu ông Naoto Kan làm chủ tịch đảng này.

“Nhiệm vụ của tôi là tái thiết quốc gia này”, ông Kan phát biểu sau khi được bầu làm Chủ tịch DPJ. Cùng với cam kết đương đầu với các vấn đề liên quan tới “tài chính và chính trị”, ông Kan cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo giới phân tích, sau khi trở thành Thủ tướng Nhật Bản, ông Kan sẽ phải đối mặt với những lựa chọn để làm thế nào lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn đang phải gánh món nợ công khổng lồ, tăng trưởng chậm chạp và dân số già hóa.

Ông Naoto Kan cũng sẽ phải cố gắng giành được sự ủng hộ của cử tri trước cuộc bầu cử Thượng viện sẽ diễn ra vào tháng tới. “Ưu tiên hàng đầu của chúng ta là giành lại niềm tin của công chúng”, ông nói sau cuộc bỏ phiếu của DPJ.

Về chính sách ngoại giao, ông Naoto Kan mô tả mối quan hệ giữa Nhật Bản và Mỹ là sống còn, nhưng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các mối quan hệ với những quốc gia láng giềng trong khu vực”.

"Cùng với quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật làm nền tảng trong chính sách ngoại giao của chúng ta, chúng ta cũng phải cố gắng vì sự phồn vinh của khu vực châu Á”, ông Kan phát biểu.

Sinh năm 1946 tại miền Tây Nhật Bản, ông Naoto Kan là con trai duy nhất trong một gia đình tiểu thương. Năm 1970, ông tốt nghiệp ngành vật lý tại Học viện kỹ thuật Tokyo và quyết tâm theo đuổi sự nghiệp chính trị. Trong những năm 1980, ông đã tham gia nhiều hoạt động, nhưng mãi sau đó mới giành được một vị trí trong tổ chức nay là đảng Dân chủ xã hội thống nhất (USDP).

Bắt đầu từ đó, ông Kan mới dần đạt được những chức vụ cao hơn. Tuy nhiên, tên tuổi của ông chỉ trở nên nổi tiếng vào năm 1996 khi ông đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế của Nhật Bản. Khi đó, ông đã lôi ra ánh sáng vụ bê bối liên quan đến các sản phẩm máu đông lạnh nhiễm HIV, khiến 5.000 bệnh nhân bị nhiễm loại virus chết người này. Sau vụ việc này, ông đã trở thành người hùng trong mắt công chúng Nhật.

Năm 1998, ông đã cùng với ông Hatoyama sáng lập ra đảng Dân chủ. Naoto Kan nhiều năm liền giữ chức Chủ tịch của Đảng này, cho đến năm 2003 thì tự nguyện từ chức vì một sai sót nhỏ. Đầu năm nay, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Sau khi nhận chức, ông quyết tâm giảm nợ công đang mấp mé gần 200% GDP. Ông đề nghị Chính phủ thảo luận tăng 5% thuế tiêu dùng, thúc giục đảng cầm quyền xem xét lại các chương trình phúc lợi xã hội đang làm gia tăng chi phí công, nỗ lực trình Quốc hội dự luật cải tổ chính sách hành chính và sát cánh với Bộ trưởng Bộ Chiến lược quốc gia Yoshito Sengoku xây dựng lộ trình giảm nợ.

Ông cũng thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm chi tiêu, chủ trương duy trì đồng Yên yếu so với USD để kích thích xuất khẩu, yêu cầu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có biện pháp kiềm chế giảm phát và ấp ủ nhiều biện pháp phát triển kinh tế.

Hiện nay, ông Kan là một trong những tiếng nói có trọng lượng nhất trong Nội các Nhật Bản, luôn đòi hỏi cải tổ hệ thống tài chính vốn đang ốm yếu của nước này. Giáo sư Hidekazu Kawai thuộc trường Gakushuin ở Tokyo nhận định, ông Kan là sự lựa chọn tối ưu hiện nay, bởi lẽ ông là một chính khách đầy kỷ luật, trực tính và luôn chú trọng vực dậy nền kinh tế còn rất ảm đạm.