Nhiều "cá mập" vẫn âm thầm rót vốn vào Trung Quốc
Nhiều nhà đầu tư lớn, bao gồm ông David Tepper, người sáng lập Appaloosa Management, và huyền thoại bán khống Michael Burry, người sáng lập quỹ Scion Capital, gần đây cho biết họ vẫn kiên định với các khoản đầu tư tại Trung Quốc của mình...
Hơn nửa năm 2024 đã trôi qua và thế giới vẫn đang lo lắng về Trung Quốc. Từ cuộc khủng hoảng bất động sản cho tới dữ liệu kinh tế ảm đạm, Trung Quốc được cho là đang trải qua các triệu chứng “Covid kéo dài”.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang chật vật với hậu quả của các biện pháp phong tỏa trên diện rộng phòng Covid kể từ năm 2020. Điều này thể hiện rõ qua tăng trưởng GDP suy yếu, thị trường chứng khoán lao đao và tỷ lệ thất nghiệp cao. Những yếu tố này “thổi bay” mọi hy vọng về sự phục hồi nhanh chóng hậu đại dịch.
Tuy nhiên, giữa tất cả những bất ổn đó, không phải mọi nhà đầu tư đều có cái nhìn tiêu cực về nền kinh tế lớn thú hai thế giới.
“Mọi người đều đang có cái nhìn thiếu tích cực về Trung Quốc. Với những gì đang diễn ra, chúng ta khó mà thấy được sự chuyển biến bất ngờ trong xu hướng tiêu cực hiện tại. Tuy nhiên, ở Trung Quốc vẫn đang diễn ra sự sáng tạo và đổi mới tuyệt vời”, ông Ted Alexander, giám đốc đầu tư (CIO) của BML Funds, nhận định với CNBC tuần trước. “Tôi cho rằng những người đầu tư vào Trung Quốc sẽ ổn”.
Nhiều nhà đầu tư lớn, bao gồm ông David Tepper, người sáng lập Appaloosa Management và huyền thoại bán khống Michael Burry, người sáng lập quỹ Scion Capital, gần đây cho biết họ vẫn kiên định với các khoản đầu tư tại Trung Quốc của mình.
Hồ sơ 13F nộp lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) cho thấy cổ phiếu tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc vẫn giữ tỷ trọng hàng đầu trong danh mục đầu tư của Appaloosa, dù quỹ đã bán bớt 7% cổ phiếu Alibaba trong quý 2. Trong danh mục cổ phiếu trị giá 6,2 tỷ USD của Appaloosa, Alibaba hiện chiếm 12%.
Công ty của ông Tepper cũng mua thêm cổ phiếu Trung Quốc gồm JD.com, KE Holdings, và 2 quỹ ETF là iShares China Large-Cap ETF và KraneShares CSI China Internet ETF).
Ông Burry gần đây cũng có các động thái tương tự. Nhà đầu tư nổi tiếng này đã mua thêm cổ phiếu Alibaba trong quý 2, nâng tổng giá trị cổ phiếu đang nắm giữ tại công ty này lên 11,2 triệu USD. Theo đó, Alibaba trở thành mã chiếm tỷ trọng cao nhất trong danh mục đầu tư của ông. Ngoài Alibaba, danh mục của ông Burry còn có một số cổ phiếu công nghệ Trung Quốc khác như Baidu và JD.com.
Nhà đầu tư kỳ cựu George Boubouras, giám đốc nghiên cứu của K2 Asset Management, cũng đang đặt cược vào Trung Quốc, thông qua các công ty xuất khẩu vào quốc gia này.
Dù vậy, Phố Wall nhìn chung không mấy lạc quan về Trung Quốc. Ngân hàng Goldman Sachss gần đây chấm dứt vị thế dài hạn của mình với kim loại đồng và hạ dự báo giá đồng năm 2025 do nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc. Ngân hàng Bank of America cũng hạ dự báo tăng trưởng Trung Quốc năm nay xuống còn 4%.
Tuần trước, dữ liệu lạm phát của Trung Quốc không đạt dự báo của các nhà phân tích khi giá nhà, cước vận tải, hàng gia dụng, giá thuê nhà đều giảm. Doanh số bán lẻ và số liệu công nghiệp cũng không đạt dự báo.
Tuy nhiên, bức tranh kinh tế Trung Quốc vẫn có một vài điểm sáng. Hoạt động sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai tăng nhẹ trong tháng 8 với Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tăng lên 50,4 điểm. Doanh số bán lẻ dù không đạt dự báo nhưng cũng đang trong xu hướng đi lên với mức tăng trong tháng 7 là 2,7% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng tăng thứ 18 liên tiếp.
Ngành du lịch Trung Quốc cũng đang trong đà tăng. Trong mùa du lịch hè, nước này ghi nhận khoảng 872 triệu lượt đi lại bằng đường sắt, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu từ Bộ Giao thông Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, nhà chức trách dự báo lượng khách du lịch bằng đường hàng không sẽ lập kỷ lục trong năm 2024, vượt qua mức hơn 619,6 triệu lượt vào năm ngoái. Tại Hội nghị thượng đỉnh Châu Á - Thái Bình Dương về An toàn Hàng không gần đây, ông Song Zhiyong, giám đốc Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, dự báo con số này sẽ đạt 700 triệu lượt trong năm nay.
Kỳ nghỉ Tết nguyên đán, Thế vận hội Paris và nhu cầu đi lại giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, châu Âu được nhận định sẽ là những nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng của ngành du lịch Trung Quốc.
“Các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có lợi nhuận khả quan trong năm nay, bất chấp những lo ngại về số liệu vĩ mô”, ông Eric Lin, giám đốc nghiên cứu Trung Quốc đại lục tại ngân hàng UBS, nhận định với CNBC. “Đây sẽ là động lực cho thị trường cổ phiếu trong ngắn hạn, ít nhất là vào cuối năm nay”.
Nhóm nghiên cứu của ông Lin đã tăng 10% mức điểm mục tiêu của MSCI China trong phần còn lại của năm nay.