08:51 22/11/2013

Nhìn lại các phiên chất vấn: Áp lực nghị trường

Nguyên Thảo

Chiều 21/11, có đến 14 vị đại biểu cùng nhấn nút đăng ký chất vấn Thủ tướng

<font face="Arial, Verdana" size="2">Nhìn lại cả ba ngày chất vấn, Chủ tịch Quốc hội khẳng định những vấn đề Quốc hội lựa chọn đã đúng với những vấn đề cần phải giải quyết, mà cuộc sống thực tế cũng như nhân dân đặt ra.</font>
<font face="Arial, Verdana" size="2">Nhìn lại cả ba ngày chất vấn, Chủ tịch Quốc hội khẳng định những vấn đề Quốc hội lựa chọn đã đúng với những vấn đề cần phải giải quyết, mà cuộc sống thực tế cũng như nhân dân đặt ra.</font>
"Bộ trưởng nói với tốc độ 4G, nghe mệt lắm". Đó chỉ là câu nói vui của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói quá nhanh ở những phút đầu trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội chiều 20/11.

Lời nói vui đó cũng cho thấy áp lực không hề nhỏ của các vị được chọn vào “ghế nóng” mỗi kỳ chất vấn. Bởi, không phải chỉ là chất lượng của thông tin trong mỗi câu trả lời, mà còn đòi hỏi cả cách chuyển tải đến người nghe cũng cần phù hợp.

Nhưng, sự căng thẳng của người ngồi ghế điều hành cũng không hề thua kém.

Điều đó được thể hiện rõ nhất từ 15h30 phút chiều 21/11, khi có đến 14 vị đại biểu cùng nhấn nút đăng ký chất vấn Thủ tướng, mà thời gian còn lại của buổi chiều lại quá eo hẹp.

Bởi thế, dù đã dày dạn kinh nghiệm qua 5 kỳ họp ngồi ở vị trí điều hành các phiên chất vấn của Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng vẫn liên tục ngắt lời, đề nghị các vị đại biểu chỉ đặt một câu hỏi và đi thẳng vào vấn đề cần hỏi.

Thậm chí, khi có nữ đại biểu xin phép “nói một chút để có đầu, có cuối của câu hỏi”, ông đã hơi gay gắt nhắc đại biểu cần “tôn trọng Quốc hội”.

Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể cả 5 phiên chất vấn các thành viên Chính phủ thì cuối chiều 21/11, vất vả của Chủ tịch chỉ dồn vào khoảng 20 phút khi đại biểu nêu câu hỏi. Bởi trước đó Thủ tướng đọc báo cáo khá dài. Còn trong khoảng gần 1 tiếng người đứng đầu Chính phủ trả lời chất vấn trực tiếp thì ông cũng không phải liên tục nhắc lại câu hỏi của đại biểu như với Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình. Cũng không cần nhắc người ở ghế nóng cần “tăng tốc” như với Chánh án Trương Hòa Bình.

Ít thời gian nên Thủ tướng cũng là thành viên Chính phủ “nợ “ nhiều chất vấn trực tiếp nhất, khi chỉ đủ thời gian để trả lời chất vấn của 4/14 vị đại biểu.

Theo dõi trực tiếp cả hai phần hỏi - đáp khi người đứng đầu Chính phủ đăng đàn, một vị chuyên gia kinh tế nói ông rất tâm đắc với chất vấn của đại biểu Trần Thị Hiền dành cho Thủ tướng về giải pháp hữu hiệu để ngăn lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô không quay trở lại khi Quốc hội đã đồng ý nâng mức bội chi ngân sách từ 4,8-5,3% GDP và phát hành 170 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ.

Trong vai trò cử tri, vị chuyên gia này cũng cảm thông với người điều hành - Chủ tịch Quốc hội, khi câu hỏi của một số vị đại biểu quá lan man.

Với nhiều vị đại biểu thì ngoại trừ ít phút Chủ tịch có phần quyết liệt khi dồn dập ngắt lời đại biểu chiều 21/1, phần điều hành các phiên còn lại của ông được đánh giá khá cao. Không chỉ bởi các câu nói dí dỏm giúp cho không khí đỡ “căng” mà còn giúp đại biểu “truy” bộ trưởng khi cần. Và ngược lại đôi khi cũng giúp “gỡ bí” cho bộ trưởng.

"Chủ tịch điều hành rất thú vị, nhắc nhở các bộ trưởng rất tế nhị và nhắc một số vị đại biểu cũng rất đúng", đại biểu Hồ Trọng Ngũ nhận xét.

Đề nghị chấm điểm các vị bộ trưởng, điều khá bất ngờ là ông Ngũ lại dành điểm cao nhất cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, dù ông Vinh chỉ xuất hiện ít phút khi có ý kiến đại biểu về báo cáo sau chất vấn của Chính phủ, có liên quan đến lĩnh vực mà ông phụ trách.

Cũng không riêng đại biểu Ngũ mà đại biểu Chu Sơn Hà khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã khen Bộ trưởng Vinh dũng cảm khi nói rằng “chạy dự án là có nhưng đến bây giờ chúng tôi chưa phát hiện được, chưa xử lý được”. Còn Bộ trưởng Bình lại mang nghị quyết ra trích dẫn khi đại biểu hỏi về chạy chức, chạy quyền và có tham nhũng trong đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ hay không.

Vẫn luôn có phần cho điểm các vị đã đăng đàn, song ở kỳ này đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khá ngắn gọn và có phần hơi “rộng rãi”.

“Rất thành công. Bộ trưởng đã giải quyết vấn đề một cách rất thấu đáo” là nhận xét của Chủ tịch dành cho Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son.

Nhưng, một vị đại biểu chuyên trách bình luận rằng, phần trả lời của tư lệnh ngành thông tin là ít… thông tin nhất, và quản lý thông tin lại kém nhất, dù khá hoạt ngôn.

Cùng đánh giá ở góc nhìn của đại biểu, trong khi một số vị chỉ thở dài cho phần trả lời của vị tư lệnh ngành nội vụ, thì một số vị khác lại thông cảm, vì “bộ trưởng không hoạt ngôn” nhưng trả lời rõ vấn đề.

Việc Bộ trưởng luôn trích dẫn nghị quyết để trả lời đại biểu là không nên, có đến ba vị đại biểu cùng chung nhận xét này.

Nắm vấn đề khá toàn diện nhưng gần như không có đột phá gì về giải pháp trên thực tế cũng như “giải pháp” trong “trả bài” chất vấn là nhận xét được nhiều vị đại biểu dành cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, người đang giữ kỷ lục về số lần được chọn trả lời chất vấn trực tiếp trong nhiệm kỳ Quốc hội này với 3/5 kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội nhận xét, Bộ trưởng Cao Đức Phát rất am hiểu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các câu hỏi của đại biểu Bộ trưởng trả lời đều rất thấu đáo.

Nhìn lại cả ba ngày chất vấn, Chủ tịch Quốc hội khẳng định những vấn đề Quốc hội lựa chọn đã đúng với những vấn đề cần phải giải quyết, mà cuộc sống thực tế cũng như nhân dân đặt ra.

Các vị bộ trưởng, trưởng ngành trả lời một cách đầy đủ, các câu hỏi của các vị đại biểu nêu ra cũng rất ngắn gọn, súc tích. Bộ trưởng, trưởng ngành, các vị đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn nhìn vào tồn tại, yếu kém và đưa ra được những giải pháp để tiến hành, giải quyết những vấn đề đặt ra, Chủ tịch nhận xét.

Ở vị trí điều hành, ông cũng nhấn mạnh rằng các phiên chất vấn "rất có kết quả, bầu không khí rất thẳng thắn, trên tinh thần đoàn kết và xây dựng".

Chủ tịch đề nghị Quốc hội cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng với các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ, của Tòa án Nhân dân Tối cao chuẩn bị nghị quyết đối với những kết luận tại phiên họp này để trình Quốc hội cho ý kiến, sau đó sẽ hành nghị quyết chất vấn tại kỳ họp thứ sáu.