07:53 10/01/2024

Nhờ chuyển đổi số, doanh thu du lịch Cà Mau lần đầu đạt hơn 2.900 tỷ đồng

Tường Bách

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, cho biết lượng khách du lịch đến địa phương trong năm 2023 tăng mạnh, giúp tổng thu từ du lịch tỉnh này cũng tăng đáng kể…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong năm 2023, lượng khách du lịch đến Cà Mau đạt hơn 2 triệu lượt, tăng 23,5% so với 2022, vượt 19% kế hoạch năm. Tổng thu từ du lịch năm 2023 đạt hơn 2.900 tỉ đồng, tăng 20,4% so với năm trước, vượt 9% kế hoạch năm. "Sở dĩ có con số tăng ấn tượng như vậy là năm 2023 Cà Mau thực hiện nhiều chương trình sự kiện quan trọng để thu hút du khách, trong đó nổi bật là các hoạt động trong chuỗi sự kiện Cà Mau điểm đến và Festival tôm", ông Trần Hiếu Hùng cho biết.

THUẬN LỢI PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI

Cà Mau là tỉnh cuối cùng ở cực Nam của Tổ quốc, nơi có thể ngắm bình minh trên Biển Đông và hoàng hôn trên Biển Tây. Đây còn là vùng đất chứa đựng nhiều nét đẹp hoang sơ cùng giá trị lịch sử, văn hóa trong hơn 300 năm hình thành và phát triển.

Nếu ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ - thuộc hệ sinh thái rừng ngập ngọt, người dân được trải nghiệm gác kèo ong, thưởng thức các đặc sản nước ngọt thì đến với hệ sinh thái ngập mặn Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động hấp dẫn không kém. Ðơn cử như đi bắt cá thòi lòi-loài cá có thể bò lên cạn và leo cây ở rừng đước Cà Mau; đi soi bắt ba khía trong đêm; đặt lú bắt tôm, câu cua, cá, vọp, ốc len... để một lần biết về nghề truyền thống bao đời nay của người dân địa phương; tham gia chế biến và thưởng thức những món ăn dân dã; trải nghiệm tuyến du lịch xuyên rừng... 

Ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, không chỉ có hệ sinh thái rừng ngập ngọt, ngập mặn, biển, đảo, góp phần làm nên sức hút cho du lịch địa phương còn có nét văn hóa bản địa, di tích lịch sử-văn hóa, các lễ hội, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như nghệ thuật đờn ca tài tử, nghề làm mắm ba khía cùng đặc sản ẩm thực đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận: Cua Năm Căn, lẩu mắm U Minh nằm trong Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam hay tôm khô Cà Mau và mật ong rừng U Minh được xếp trong Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam...

Đây là vùng đất chứa đựng nhiều nét đẹp hoang sơ cùng giá trị lịch sử, văn hóa trong hơn 300 năm hình thành và phát triển.
Đây là vùng đất chứa đựng nhiều nét đẹp hoang sơ cùng giá trị lịch sử, văn hóa trong hơn 300 năm hình thành và phát triển.

Tuy nhiên, một thực tế phải nhìn nhận, đó là du lịch Cà Mau chưa đánh giá đúng để khai thác, phát huy những mối quan tâm lớn của xã hội để thúc đẩy tăng trưởng du lịch. Tại Hội thảo khoa học “Du lịch gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo môi trường và các hệ sinh thái sinh sống hiện tại và tương lai trên địa bàn tỉnh Cà Mau”, Th.S Phan Ðình Huê, Chuyên gia du lịch đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng ngay cả những loại hình du lịch đã, đang hình thành tại Cà Mau cũng chưa khai thác hết những tài nguyên sẵn có.

“Cà Mau chưa có những loại hình du lịch đủ tầm để phục vụ những đối tượng du khách đặc thù, cao cấp hơn, như du lịch: nghỉ dưỡng, hội thảo, mạo hiểm... Với khách quốc tế, Cà Mau gần như chưa chạm đến. Khi nói về du lịch, số lượng du khách là quan trọng, nhưng doanh thu, lợi nhuận, tác động tổng thể lên kinh tế - xã hội địa phương mới là vấn đề cốt lõi, doanh thu của du lịch Cà Mau chưa thể hiện điều đó”.

Trong khi đó, PGS. TS Ðào Ngọc Cảnh, Trưởng khoa Du lịch và Quản trị nhà hàng - khách sạn, Trường Ðại học Nam Cần Thơ, cho rằng biến đổi khí hậu là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn cho du lịch Cà Mau. “Hiện nay đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là 1 trong 3 đồng bằng bị tổn thương lớn nhất trên thế giới về biến đổi khí hậu, trong đó Cà Mau có nguy cơ cao nhất. Do đó, thế giới rất quan tâm, vì vậy tỉnh cần tận dụng để khai thác những đặc thù, bứt phá phát triển du lịch thuận thiên”.

CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ ĐỘNG LỰC

Những năm gần đây, nhờ vào vị trí thuận lợi, hạ tầng giao thông phát triển, Cà Mau đẩy mạnh phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, nhiều chính sách phát triển du lịch, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quảng bá, giới thiệu du lịch, hình ảnh Cà Mau, kết nối tour tuyến, sản phẩm mới đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan và trải nghiệm.

Biến đổi khí hậu là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn cho du lịch Cà Mau.
Biến đổi khí hậu là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn cho du lịch Cà Mau.

Đại diện Khu du lịch sinh thái cộng đồng Hoàng Hôn (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) nhìn nhận, trước đây doanh thu của khu du lịch đạt cao nhất là 9 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, từ khi tỉnh Cà Mau có những chính sách phát triển du lịch, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quảng bá, giới thiệu du lịch, kết nối tour tuyến, sản phẩm mới với nhiều công ty du lịch xa gần thì lượng khách đến rất đông, nhờ đó doanh thu tăng lên vài chục triệu đồng mỗi ngày.

Ông Giang Hoàng Hon, chủ cơ sở du lịch Hương Tràm, huyện U Minh cho biết, năm 2023, mỗi tháng cơ sở của ông đón tiếp từ 4.000 - 5.000 lượt du khách. Để quảng bá hình ảnh khu du lịch đến với du khách, ông Hon đã thành lập trang web riêng hoặc giới thiệu hình ảnh, các hoạt động, món ăn trên nền tảng mạng xã hội; đồng thời, thúc đẩy kết nối với các đơn vị lữ hành để tổ chức các tour du lịch. “Trên trang web của mình, chúng tôi thường xuyên nhận lịch trình của khách đặt trước. Từ khi ứng dụng công nghệ số, lượng khách biết đến cơ sở du lịch Hương Tràm ngày càng tăng lên”, ông Hon chia sẻ.

Ông Lê Chí Thắng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ngọc Hiển cho biết, để thu hút khách du lịch đến địa phương, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đã linh hoạt ứng dụng công nghệ số như quảng bá qua kênh thông tin của Sở VH-TT-DL Cà Mau; trên nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook, TikTok hay thông qua các kênh xúc tiến, quảng bá, hội thảo về du lịch...

Năm 2024 Cà Mau đặt mục tiêu thu hút khoảng 2,3 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, vui chơi giải trí.
Năm 2024 Cà Mau đặt mục tiêu thu hút khoảng 2,3 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, vui chơi giải trí.

Năm 2024, ngành du lịch Cà Mau sẽ đổi mới công tác quảng bá, truyền thông gắn với ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch; nâng cấp phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch. Đồng thời, tỉnh cũng khuyến khích các khu du lịch đẩy mạnh việc thanh toán không tiền mặt nhằm tạo thuận lợi cho du khách mua sắm khi đi du lịch; xây dựng các clip ngắn 3 - 5 phút để giới thiệu trong các hội thảo, sự kiện nhằm quảng bá du lịch...

 Phát huy kết quả đạt được, năm 2024 Cà Mau đặt mục tiêu thu hút khoảng 2,3 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, vui chơi giải trí tại địa phương, với tổng thu đạt cao hơn năm 2023 khoảng 10%. Hiện ngành du lịch tỉnh đang tiếp tục thực hiện hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau và lập đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau; hoàn thiện và triển khai có hiệu quả đề án phát triển du lịch tỉnh Cà Mau giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.