09:47 29/07/2008

“Nhu cầu về sách kinh tế rất lớn”

Chu Khôi

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Alpha Books trò chuyện về thị trường sách kinh tế ở Việt Nam

Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Alpha Books.
Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Alpha Books.
Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần AlphaBooks, trò chuyện về thị trường sách kinh tế ở Việt Nam.

Xin ông cho biết vì sao Công ty Cổ phần AlphaBooks lại hướng vào việc kinh doanh loại sách kinh tế?

Bất kỳ một doanh nghiệp kinh doanh sách nào cũng muốn xuất bản và kinh doanh đa dạng loại sách, nhằm đáp ứng thị hiếu của mọi đối tượng độc giả, có như vậy mới đảm bảo lợi nhuận ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn tạo dựng thật tốt thị trường cho dòng sách kinh tế-kinh doanh, và nâng cao hơn nữa chất lượng ấn phẩm cũng như kênh tiêu thụ...

Sách kinh tế đóng vai trò rất quan trọng trong thời kỳ nền kinh tế Việt Nam đang phát triển rất mạnh và hội nhập với thế giới, nên nhu cầu của độc giả, nhất là sinh viên và các doanh nghiệp rất cao.

Đối với chúng tôi, tập trung xây dựng thương hiệu mạnh được ưu tiên và quan trọng hơn việc mở rộng hoạt động. Chúng tôi cần khai thác thế mạnh và sở trường của bản thân, vì vậy mục tiêu của AlphaBooks là trở thành thương hiệu hàng đầu về các sách nghiên cứu, kỹ năng..., nhất là dòng sách kinh tế và quản trị kinh doanh.

AlphaBooks đang có những bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực xuất bản mảng sách kinh doanh, với tủ sách AlphaBiz về lĩnh vực quản trị kinh doanh hiện có trên 120 đầu sách đã được đông đảo độc giả trong giới doanh nhân Việt Nam đón nhận.

Trong đó, những cuốn rất giá trị như: Chuyên biệt để khác biệt (tác giả Al Ries), Chiến lược đại dương xanh (tác giả W. Chan Kim & Renee Mauborgne), Đô la hay Lá nho? (tác giả Charles Wheelan), Bí quyết để đạt tới đỉnh cao (tác giả Jeffrey J. Fox)...

Có ý kiến cho rằng thị trường sách tại Việt Nam hiện nay chưa phải là một thị trường cạnh tranh. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Tôi không nghĩ như vậy. Cũng như nhiều thị trường khác, thị trường sách là một thị trường có tính cạnh tranh: cạnh tranh bản quyền, bản thảo, độc giả và cả tác giả. Nên tôi nghĩ đó cũng là động lực để các công ty phải nỗ lực hơn trong việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tức là các độc giả trong việc làm ra sách hay hơn, hữu ích hơn và với chi phí thấp hơn.

Mảng sách kinh tế hiện nay dường như rất hiếm các tác giả trong nước, vì sao vậy, thưa ông?

Việt Nam mới chuyển sang nền kinh tế thị trường, kiến thức và kinh nghiệm của chúng ta chưa nhiều. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam (trừ các doanh nghiệp nhà nước) đều chỉ có tuổi đời khoảng 10-15 năm.

Hơn nữa các tác giả, học giả, chuyên gia kinh tế vừa thiếu, lại chưa đủ tích lũy kinh nghiệm, kiến thức và chưa dành nhiều thời gian cho việc viết sách (có thể một phần do nhuận bút và hiệu quả kinh tế, các giá trị vô hình mang lại chưa lớn), nên số lượng bản thảo sách trong nước còn ít.

Mục tiêu thực sự của AlphaBooks là xuất bản các sách về Việt Nam, về nền kinh tế, kinh doanh, về các doanh nghiệp và cách thức quản lý của người Việt Nam, do người Việt Nam viết. Chúng tôi tin rằng thời gian tới sẽ nhận được sự hợp tác với các tác giả trong nước nhằm đẩy mạnh việc xuất bản các cuốn sách này.

Xin ông cho biết kinh doanh dòng sách kinh tế dịch từ sách nước ngoài đang gặp phải những trở ngại nào?

Thị trường sách ở Việt Nam còn nhỏ bé và manh mún, lượng phát hành chưa đủ lớn, trong khi lượng sách in ra của các nhà xuất bản ở các nước trên thế giới cao gấp nhiều lần, vì vậy các nhà xuất bản và tác giả nước ngoài chưa thực sự đánh giá cao việc hợp tác với các nhà xuất bản ở Việt Nam. Trên thị trường sách Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều sách in lậu, khiến hoạt động cạnh tranh giữa các công ty sách chưa lành mạnh.

Rất nhiều công ty kinh doanh sách vẫn bán cả những loại sách xuất bản chưa mua bản quyền, hoặc sách in lậu nối bản theo sách đã có bản quyền. Về mặt nội dung, sách của các tác giả nước ngoài không phù hợp hoàn toàn với người Việt, vì chưa tương đồng về tâm lý, trình độ phát triển kinh tế xã hội.

Độc giả trong nước vẫn thích sách mỏng và dễ đọc, nên ảnh hưởng nhiều đến việc chọn sách. Hoạt động mua bán bản quyền sách ở nước ta vẫn chưa được chú trọng, ít có những tổ chức chuyên làm việc với nhà xuất bản nước ngoài, nước ta cũng ít tham gia các hội chợ sách ở nước ngoài.

Xin ông cho biết hoạt động mua bản quyền sách với nước ngoài của Công ty AlphaBooks?

Chúng tôi thường giao dịch với 2 nhóm đối tác chính tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể: mua bán bản quyền sách với tác giả, mua bán bản quyền sách với các tập đoàn xuất bản, phát hành và kinh doanh. Alpha Books hiện tại chú trọng tới dòng sách kinh doanh, nên đối tác hầu hết là nhà xuất bản Mỹ, Anh.

Ở hai nước này, các tác giả thường không tham gia giao dịch mà phải qua đại diện của tác giả, là các đại lý bản quyền, công ty sách... Toàn bộ các cuốn sách được chúng tôi xuất bản đều đã được mua bản quyền trọn gói. Trong khi hiện nay, hầu hết các công ty sách của Việt Nam chỉ mua bản quyền một số cuốn đại diện và quảng bá mạnh các cuốn đó, song song với việc xuất bản cả những sách chưa mua bản quyền.

Thế mạnh của AlphaBooks là uy tín và thương hiệu, vì vậy chúng tôi không gặp nhiều khó khăn trong việc thương lượng bản quyền. Tuy nhiên để hoạt động xuất bản phát triển, Nhà nước cần phải đầu tư nhiều hơn vào việc đảm bảo bản quyền sách, chống nạn in lậu, vi phạm bản quyền hiện rất tràn lan.