15:13 06/03/2010

Những ai sẽ được tặng rồng thiêng?

1.000 con rồng thời Lý đúc xong sẽ được phân phối dưới nhiều hình thức, trong đó có đấu giá qua cầu truyền hình trực tiếp

Mẫu rồng thời Lý (chưa bao gồm chân đế gắn logo Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội) - Ảnh: Cao Mạnh Tuấn.
Mẫu rồng thời Lý (chưa bao gồm chân đế gắn logo Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội) - Ảnh: Cao Mạnh Tuấn.
Sáng 5/3, dưới sự chủ trì của Đại đức Thích Minh Hiền, lễ khởi công đúc những sản phẩm rồng đầu tiên đã diễn ra tại xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần Mỹ nghệ Đông Sơn, Hà Nội.

Ông Lê Huy Đắc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Mỹ nghệ Đông Sơn cho biết, 1.000 con rồng thời Lý đã được thiết kế dựa trên những ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu để đảm bảo 4 yếu tố: là sản phẩm mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, sản phẩm mang đậm nét văn hóa Việt, sản phẩm mỹ nghệ cao cấp và mang yếu tố tâm linh.

Theo đó, 1.000 con rồng thời Lý bằng đồng (nặng khoảng 3 - 3,5kg/con) sau khi hoàn thành, “chầu” trên đế gắn logo chính thức của đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Hai mắt rồng gắn bằng đá quý và dựa trên nguyên mẫu rồng thời Lý. Đồng thời rồng sẽ được đánh số từ 1 đến 1.000 (con số biểu trưng cho 1.000 năm Thăng Long lịch sử).

Mỗi rồng cũng sẽ có một giấy chứng nhận xuất xứ riêng và được làm quà lưu niệm chào mừng kỷ niệm đại lễ và đã được đăng ký bản quyền để đảm bảo sản phẩm là độc bản.

Sau khi 1.000 con rồng thời Lý đúc xong sẽ được phân phối dưới nhiều hình thức, trong đó có đấu giá qua cầu truyền hình trực tiếp để gây quỹ từ thiện và để xây dựng quỹ văn hóa Hà Nội.

Tuy nhiên, một vài điểm xoay quanh vấn đề này được báo chí quan tâm là các vị khách thuộc diện như thế nào thì sẽ được tặng rồng? Thông tin sẽ tổ chức bán đấu giá rồng nhưng là bán số lượng nhiều hay chỉ chọn ra một con mang số hiệu cụ thể? Giá khởi điểm là bao nhiêu?

Ông Lê Huy Đắc nhấn mạnh: rồng thời Lý đúc ra làm quà lưu niệm chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long không mang mục đích thương mại và được sản xuất trên nguồn vốn xã hội hóa do Công ty Cổ phần Mỹ nghệ Đông Sơn đầu tư chứ không phải vốn từ ngân sách.

Vì rồng mới chỉ được khởi đúc nên đại diện khác của Công ty Cổ phần Mỹ nghệ Đông Sơn cũng chưa thể công bố mức giá khởi điểm cho phiên bán đấu giá mà chỉ dự kiến trong thời gian tới, công ty sẽ tổ chức họp báo và công bố giá khởi điểm và bán đấu giá một số sản phẩm đặc biệt với ý nghĩa dành cho công tác từ thiện, xây dựng quỹ văn hóa Hà Nội trên trang mạng để đông đảo quần chúng nhân dân được rõ và tham gia phiên đấu giá này.

Tuy vậy, có thể khẳng định chắc chắn một điều là “con rồng nào sẽ được chọn để bán đấu giá thuộc thẩm quyền của Ban chỉ đạo 1.000 năm Thăng Long chứ Công ty Cổ phần Mỹ nghệ Đông Sơn không quyết định được việc này”, ông Đắc kết luận.

Nguyễn Vũ (TT&VH)