09:45 24/03/2011

Những cơn địa chấn “hao của” nhất thế giới

Diệp Anh

Theo đánh giá của AIR Worldwide, trận động đất ở Nhật vừa qua có thể gây tổn thất khoảng từ 14,5 - 34,6 tỷ USD chi phí bảo hiểm

Chi phí tái thiết sau mỗi một thiên tai vô cùng lớn - Ảnh: CNBC.
Chi phí tái thiết sau mỗi một thiên tai vô cùng lớn - Ảnh: CNBC.
Vẫn chưa có con số cuối cùng về mức độ thiệt hại trong cơn địa chấn kèm sóng thần tại Nhật Bản hôm 11/3. Hôm qua (23/3), Văn phòng Nội các Nhật Bản đưa ra con số dự đoán 309 tỷ USD, trong khi hai ngày trước Ngân hàng Thế giới đưa ra con số 239 tỷ USD.

Nếu con số của Nhật Bản là chính xác, thì mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra ở quốc gia này có thể lập kỷ lục thế giới, vượt xa tổng tổn thất do siêu bão Katrina gây ra cho Mỹ. Xét về khía cạnh gánh nặng đối với các hãng bảo hiểm, theo đánh giá của AIR Worldwide, trận động đất ở Nhật vừa qua có thể gây thiệt hại khoảng từ 14,5 - 34,6 tỷ USD chi phí bảo hiểm.

Trong lúc chờ đợi con số cụ thể về mức độ thiệt hại tại Nhật Bản, mời bạn đọc cùng VnEconomy điểm lại các trận động đất tốn kém nhất trong lịch sử nhân loại xét về khía cạnh chi phí bảo hiểm, căn cứ vào số liệu do Viện Thông tin bảo hiểm tập hợp và công bố:

Newcastle, Australia (năm 1989)

Những cơn địa chấn “hao của” nhất thế giới - Ảnh 1

Thiệt hại của các hãng bảo hiểm: 670 triệu USD
Tổng thiệt hại: 1,2 tỷ USD
Số người chết: 13

Theo đánh giá của Chính phủ Australia, thì đây là một trong những thiên tai nghiêm trọng nhất ở quốc gia này. Trận động đất năm 1989 ở Newcastle có độ mạnh 5,6 độ richter đã cướp đi sinh mạng của 13 người và làm 160 người khác bị thương. Chính phủ Australia ước tính, các công ty bảo hiểm phải chi trả 1 tỷ USD, nhưng theo Viện thông tin bảo hiểm thì con số này chỉ là 670 triệu USD.

Nantou, Đài Loan (năm 1999)

Những cơn địa chấn “hao của” nhất thế giới - Ảnh 2

Thiệt hại của các hãng bảo hiểm: 750 triệu USD
Tổng thiệt hại: 14 tỷ USD
Số người chết: 2.400

Đây là trận động đất có số người thiệt mạng nhiều thứ hai trong lịch sử vùng lãnh thổ này. Trận động đất Nantou xảy ra vào tháng 9/1999 đã giết hại 2.400 người và gây ra những tổn thất có tổng trị giá lên tới 14 tỷ USD. Các phương tiện thông tin đại chúng địa phương gọi đây là "cơn địa chấn thế kỷ". Sau khi trận động đất qua đi, 100.000 người bị mất nhà cửa, hơn 50.000 cao ốc bị phá hủy và buộc ba nhà máy điện hạt nhân ở hòn đảo này phải ngừng hoạt động.

Niigata, Nhật Bản (năm 2004)

Những cơn địa chấn “hao của” nhất thế giới - Ảnh 3

Thiệt hại của các hãng bảo hiểm: 760 triệu USD
Tổng thiệt hại: 28 tỷ USD
Số người chết: 33

Trận động đất này xảy ra gần bờ biển phía tây của Nhật Bản vào tháng 10/2004, làm ít nhất 33 người thiệt mạng, 2.900 người khác bị thương. Cường độ của cơn địa chấn này là 6,6 độ richter. Một trận động đất khác với cường độ 5,9 độ richter đã xảy ra sau đó 16 phút, kèm theo vô số dư chấn nhỏ hơn.

Loma Prieta, Mỹ (năm 1989)

Những cơn địa chấn “hao của” nhất thế giới - Ảnh 4

Thiệt hại của các hãng bảo hiểm: 960 triệu USD
Tổng thiệt hại: 10 tỷ USD
Số người chết: 63

Với tâm chấn nằm cách Santa Cruz 10 dặm về hướng đông bắc, trận động đất này có cường độ 6,9 độ richter, đã tấn công San Francisco và Oakland. Cơn địa chấn này đã khiến mảng kiến tạo Thái Bình Dương dịch chuyển khoảng 2m về phía tây bắc.

Ấn Độ Dương (năm 2004)

Những cơn địa chấn “hao của” nhất thế giới - Ảnh 5

Thiệt hại của các hãng bảo hiểm: 1 tỷ USD
Tổng thiệt hại: 10 tỷ USD
Số người chết: 227.898

Trận động đất lớn nhất này có cường độ tới 9,1 độ richter, xảy ra hôm 26/12/2004. Cơn địa chấn này đã gây ra một chuỗi các đợt sóng thần cao tới 30 m lan tỏa khắp Ấn Độ Dương, tàn phá các cộng đồng dân cư ven biển ở hàng loạt quốc gia châu Á và Đông Phi, làm 227.898 người chết. Cho đến nay, thiên tai này là một trong những thảm họa có số người chết nhiều nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.

Kobe, Nhật Bản (năm 1995)

Những cơn địa chấn “hao của” nhất thế giới - Ảnh 6

Thiệt hại của các hãng bảo hiểm: 3 tỷ USD
Tổng thiệt hại: 100 tỷ USD
Số người chết: 5.502

Động đất Kobe xảy ra vào ngày 17/1/1995 ở phía nam tỉnh Hyogo, Nhật Bản. Độ mạnh của cơn địa chấn này vào khoảng 6,9 độ richter. Trước khi xảy ra thảm họa hôm 11/3 vừa qua, đây là trận động đất tồi tệ nhất ở Nhật Bản kể từ cơn địa chấn Kanto 1923. Với con số thiệt hại kinh tế lên tới 100 tỷ USD, mức tổn thất của động đất Kobe năm 1995 vượt qua bất cứ thảm họa nào trong danh sách này, cho dù chi phí bảo hiểm chỉ ở mức 3 tỷ USD.

Canterbury, New Zealand (năm 2010)

Những cơn địa chấn “hao của” nhất thế giới - Ảnh 7

Thiệt hại của các hãng bảo hiểm: 5 tỷ USD
Tổng thiệt hại: 6,5 tỷ USD
Số người chết: 0

Cũng giống như California và Nhật Bản, New Zealand nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, nổi tiếng với những trận động đất và núi lửa. Động đất Canterbury năm 2010 cường độ 7,1 độ richter xảy ra hôm 4/9/2010 tại đảo nam ở New Zealand, cách thành phố đông dân Christchurch hơn 40km. Hai cư dân đã bị trọng thương, một người bị một ống khói đổ vào và một người thị bị kính bay vào người.

Christchurch, New Zealand (năm 2011)

Những cơn địa chấn “hao của” nhất thế giới - Ảnh 8

Thiệt hại của các hãng bảo hiểm: 10 tỷ USD
Tổng thiệt hại: 20 tỷ USD
Số người chết: 166

Thực chất, đây là một dư chấn của trận động đất Canterbury năm 2010. Sự việc xảy ra vào ngày 22/2/2011, nhưng mức độ tàn phá của nó lớn hơn nhiều so với "người tiền nhiệm", bởi lẽ tâm chấn của nó chỉ cách thành phố đông dân Christchurch hơn 9,5km. Số người chết trong vụ này là 166 người, mặc dù con số ước tính là trên 200 người.

Northridge, California (năm 1994)

Những cơn địa chấn “hao của” nhất thế giới - Ảnh 9

Thiệt hại của các hãng bảo hiểm: 15,3 tỷ USD
Tổng thiệt hại: 44 tỷ USD
Số người chết: 60

Vào ngày 17/1/1994, một trận động đất 6,7 độ richter đã xảy ra ở thung lũng San Fernando, phía bắc thành phố Los Angeles (California, Mỹ). Thảm họa đã làm 60 người thiệt mạng, hơn 7.000 người khác bị thương, gây hư hỏng 40.000 cao ốc và đẩy 20.000 người vào cảnh màn trời chiếu đất. Viện thông tin bảo hiểm ước tính, ngành bảo hiểm thua lỗ khoảng 15,3 tỷ USD, nhưng tổng số cao hơn thế nhiều.