10:33 12/10/2010

Những con số đẹp và những con số “giật mình” của Hà Nội

Nguyên Hà

Sau 10 năm, mức thu nhập bình quân đầu người tại Hà Nội đã tăng 332%, và hiện cao hơn 64,8% so với mức trung bình cả nước

Đường phố Hà Nội trong dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội - Ảnh: Reuters.
Đường phố Hà Nội trong dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội - Ảnh: Reuters.
Sau 10 năm, mức thu nhập bình quân đầu người tại Hà Nội đã tăng 332%, và hiện cao hơn 64,8% so với mức trung bình cả nước. Đây là một trong nhiều con số so sánh được đưa ra tại hội thảo “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”, diễn ra tại Hà Nội mới đây.

Cùng với thông tin này, tác giả bản tham luận về 10 năm phát triển kinh tế xã hội Hà Nội (2000 - 2010) thành tựu và một số vấn đề đặt ra trong công tác quản lý, TS. Mai Thị Thanh Xuân (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) còn đưa ra nhiều con số đáng chú ý khác về những thành tựu nổi bật của Thủ đô.

Thu nhập của người dân tăng đáng kể

Theo đó, nếu như năm 2000, GDP của Hà Nội mới đạt 39.944 tỷ đồng (chiếm 9,04 tổng GDP của cả nước) thì đến năm 2009 đã là 205.890 tỷ đồng (chiếm 12,41%).

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn nằm trong “top” đầu cả nước, tốc độ tăng GDP dự báo cả năm 2010 đạt khoảng 8 - 8,5%, đưa tốc độ tăng trưởng trung bình thời kỳ 2006 - 2010 đạt khoảng 9,85% (cả nước 6,96%).

Theo TS. Xuân, 10 năm qua, cơ cấu kinh tế Hà Nội đã chuyển dịch theo hướng giá trị nông lâm thủy sản tăng tuyệt đối (từ 4.154 tỷ đồng năm 2000 lên 13.033 tỷ đồng năm 2009) nhưng giảm tương đối (từ 10,4% xuống còn 6,3%).

Giá trị công nghiệp vừa tăng tuyệt đối (từ 14.570 tỷ đồng lên 82.297 tỷ đồng), vừa tăng tương đối (từ 36,5% lên 41,3%). Ngành dịch vụ, tuy tỷ trọng có giảm nhẹ từ 53,1% năm 2000 xuống còn 52,4% năm 2009, nhưng giá trị tuyệt đối vẫn tăng lên 5 lần, từ 21.220 tỷ đồng lên 107.590 tỷ đồng.

Để chứng minh cho nhận định thu nhập và đời sống người dân được cải thiện đáng kể, tác giả tham luận đưa ra con số bình quân mức thu nhập đầu người tại Hà Nội đã tăng lên bình quân 33,2% (cả nước tăng bình quân 29%) mỗi năm trong 10 năm qua.

Theo dự báo của thành phố, năm 2010 thu nhập bình quân có thể lên đến 35 - 36 triệu đồng, tăng 10 - 13% so với năm 2009. Hiện tại, thu nhập bình quân của Hà Nội đã cao gấp 64,8% với mức trung bình cả nước. Con số tương ứng ở năm 2009 là Hà Nội 31,8 triệu đồng và cả nước là 19,3 triệu đồng.

Thu nhập tăng lên đã làm cho hộ nghèo toàn thành phố từ 3% năm 2006 xuống 2,4% năm 2008. Từ năm 2009, Hà Nội áp dụng chuẩn nghèo riêng (cao hơn 2 lần chuẩn quốc gia) nên tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 6,09%, nhưng năm 2010 ước tính giảm xuống còn khoảng 5,4%.

Một chỉ số rất đáng chú ý là diện tích nhà ở bình quân của người dân đô thị đã có thể đạt 7 - 7,5 m2/người trong năm nay (năm 2003 có 30% dân số Hà Nội phải sống ở mức 3 m2/người).

Lượng người mù chữ cao

Bên cạnh những thành tựu nổi bật, bản tham luận đã nêu ra không ít vấn đề bức xúc cần được khắc phục. Đó là không gian kiến trúc đô thị còn tùy tiện, lộn xộn, thậm chí phản cảm. Hình ảnh điển hình là chưa bao giờ hè đường Hà Nội có được “một ngày bình yên” mà luôn ở trong tình trạng “đào bới, cày xới” một cách “không thương tiếc”.

Cạnh đó là giao thông đô thị xô bồ và luôn bị tắc nghẽn. Số phương tiện tham gia giao thông tại khu vực nội thành đã tăng bình quân 14 -15% mỗi năm, khiến cho lưu lượng phương tiện giao thông quá lớn (trung bình mỗi giờ có 1.800 - 3.600 xe qua lại).

Sự khác biệt lớn giữa nông thôn và thành thị cũng được nhìn nhận như một vấn đề bức xúc đặt ra cho công tác quản lý. Theo TS. Xuân, mặc dù thu nhập bình quân đầu người toàn Hà Nội vào năm 2009 cao thứ hai cả nước, chỉ thấp hơn Tp.HCM (31,8 triệu đồng/người so với 46,3 triệu/người), nhưng số hộ nghèo vẫn còn trên 6%. Huyện có tỷ lệ nghèo đói cao nhất là Mỹ Đức, với 22,65%.

Năm 2008, chênh lệch giữa nhóm thu nhập thấp nhất và cao nhất lên tới 7,1 lần. Chênh lệch mức tiền lương của người cao nhất so với mức trung bình là 42 lần (75,2 triệu đồng/tháng so với 1,8 triệu đồng/tháng).

Bên cạnh thu nhập, phân tích sự khác biệt về trình độ dân trí, bản tham luận đã đưa ra những con số “giật mình”.

Đó là, dù tập trung đến 60,9% tổng số các trường đại học, học viện… của cả nước, nhưng Hà Nội lại có lượng người mù chữ cao nhất, tính đến năm 2008, với gần 235.000 người lớn không biết đọc biết viết trong tổng số 1,7 triệu người của cả nước (chiếm 13,82%), cao gấp 2,6 lần Tp.HCM.

“Giữa thủ đô ngàn năm văn hiến, lại có đến 2,39% số người từ 5 tuổi trở lên không biết đọc biết viết”, theo TS. Xuân là "điều phi lý".

Cũng theo số liệu được nêu ra tại bản tham luận thì môi trường Hà Nội đã ô nhiễm đến mức “báo động đỏ” với 5.000 tấn rác thải sinh hoạt và trên 100.000 m3 rác từ các bệnh viện, nhà máy, làng nghề mỗi ngày. Song thành phố mới chỉ có 4 trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, chỉ giải quyết được 6,9% nhu cầu.

Khá nhiều khuyến nghị, giải pháp đã được tác giả tham luận đưa ra để giải quyết những bức xúc nêu trên. Theo tác giả, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phá vỡ cảnh quan, không gian đô thị thì yếu kém trong hoạt động quản lý của thành phố là nguyên nhân cơ bản nhất.

Một trong những giải pháp được nhấn mạnh tại tham luận, là phải giúp người nghèo phá bỏ tư tưởng an phận và cam chịu. Bởi, khi họ đã giàu lên rồi, thì tự khắc những vấn đề khác như nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, tiếp cận các dịch vụ xã hội cũng sẽ từng bước được giải quyết.