06:00 11/02/2014

Những công ty chứng khoán lỡ nhịp

Nguyễn Huy Hải

Còn không ít công ty không tận dụng được cơ hội và thể hiện một kết quả kinh doanh nghèo nàn

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) bất ngờ báo lỗ gần 130 tỷ đồng và trở thành công ty lỗ nặng nhất quý 4/2013.
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) bất ngờ báo lỗ gần 130 tỷ đồng và trở thành công ty lỗ nặng nhất quý 4/2013.
Năm 2013 được xem là một năm phục hồi mạnh mẽ của các công ty chứng khoán. Đặc biệt, sự khởi sắc của thị trường chứng khoán vào cuối năm cũng đã được nhiều công ty chứng khoán tận dụng để hiện thực hóa lợi nhuận quý 4 cũng như cả năm 2013. Trong khi đó, còn không ít công ty không tận dụng được cơ hội và thể hiện một kết quả kinh doanh không ấn tượng, thậm chí nghèo nàn.

Kết thúc năm 2013, chỉ có khoảng 10% số các công ty chứng khoán bị chấm dứt hoạt động hoặc tự giải thể do hoạt động yếu kém. Con số hơn 90 công ty vẫn đang hoạt động vẫn còn là cao và cần tinh giảm nhiều. Những công ty yếu kém, hoạt động cầm chừng vẫn còn nhiều.

Việc gần hai phần ba số công ty chứng khoán báo lãi năm 2013 là dấu hiệu tốt, cho thấy các công ty đã bắt đầu tìm lại được lợi nhuận trong hoàn cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. thị trường chứng khoán đạt tăng trưởng 23% trong năm 2013 càng khẳng định điều này.

Do đó, trong năm 2014 mục tiêu tiếp tục tái cấu trúc lại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo hướng thu hẹp về số lượng, nâng cao chất lượng vẫn cần được Ủy ban Chứng khoán đặt lên hàng đầu.

Từ những khoản lỗ gây sốc

Nổi bật là khoản lỗ bất ngờ 115 tỷ đồng của công ty chứng khoán Phương Đông (ORS-HNX). Không tận dụng được đà khởi sắc của thị trường để hiện thực hóa lợi nhuận, ORS đã phải đón nhận kết quả kinh doanh quý 4/2013 tệ hại hơn cả 9 tháng đầu năm cộng lại.

Do chi phí dự phòng giảm giá chứng khoán và chi phí dự phòng phải trả tăng đột biến trong kỳ, lần lượt là 41,4 tỷ đồng và 67,9 tỷ đồng cộng với việc doanh thu giảm 57% xuống còn 1,8 tỷ đồng khiến công ty lỗ trên 115 tỷ đồng trong riêng quý 4/2013 vừa qua.

Khoản lỗ này khiến tổng lỗ lũy kế của ORS tăng lên mức 210,4 tỷ đồng, chiếm 88% tỷ trọng vốn điều lệ. ORS sẽ đối diện với thực tế hủy niêm yết bắt buộc nếu tổng lỗ lũy kế trong báo cáo kiểm toán năm 2013 vượt quá vốn điều lệ.

Cùng hoàn cảnh với ORS, Công ty Chứng khoán Artex lỗ ròng quý 4 hơn 100 tỷ đồng.

Tệ hơn, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) bất ngờ báo lỗ gần 130 tỷ đồng và trở thành công ty lỗ nặng nhất quý 4/2013. Doanh thu trong kỳ của ACBS chỉ đạt 71 tỷ đồng giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí hoạt động kinh doanh và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm khoảng 40% nhưng ACBS vẫn lỗ ròng 129,7 tỷ đồng tăng, 113% so với mức lỗ cùng kỳ 2013.

Nguyên nhân chính do doanh thu đầu tư chứng khoán kỳ này của công ty chỉ được hơn 12 tỷ đồng, giảm 220 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, khoản lãi lũy kế cả năm 90 tỷ đồng cũng đặt ra dấu hỏi về tính chính xác.

Với khoản lỗ quý 4 như trên, và nếu con số lợi nhuận lũy kế chín tháng theo báo cáo kỳ trước, 186 tỷ đồng, có chút nào đáng tin cậy, thì lợi nhuận cả năm 2013 của ACBS chỉ đạt xấp xỉ 56,5 tỷ đồng, nhưng báo cáo tài chính quý 4 của công ty lại công bố con số lợi nhuận lũy kế từ đầu năm tới cuối quý là 90 tỷ đồng.

Một công ty chứng khoán lớn khác là Công ty Chứng khoán Ngân hàng Agribank (AGR-HOSE) cũng bất ngờ báo lỗ 9 tỷ đồng quý 4/2013, do doanh thu giảm mạnh 53,8% so với cùng kỳ 2012. Trong đó, doanh thu đầu tư chứng khoán, góp vốn giảm 61 tỷ đồng, doanh thu khác giảm 35 tỷ đồng.

Do vậy, mặc dù chi phí hoạt động giảm mạnh 48,8%, công ty vẫn không thoát lỗ. Năm 2013 là một năm trầm lắng đối với AGS về cả doanh thu và lợi nhuận. Doanh thu cả năm công ty chỉ đạt 158 tỷ đồng, bằng 42% so với năm 2012. Khoản lợi nhuận gần 20 tỷ đồng cả năm 2013 chỉ bằng 30% so với lợi nhuận 2012.

Đến những kết quả kinh doanh nghèo nàn

Tuy nằm trong tốp dẫn đầu về thị phần môi giới, Công ty Chứng khoán VNDirect (VND-HNX) chỉ thu về hơn 6 tỷ đồng lợi nhuận trong quý 4/2013, giảm 22,8% so với cùng kỳ. Tuy doanh thu tăng 67,7% so với cùng kỳ 2012, nhưng chi phí hoạt động tăng 160%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 56% so với cùng kỳ 2012 đã kéo lợi nhuận của VND sụt giảm ngoài mong đợi.

Chi phí dự phòng giảm giá chứng khoán ở mức 34,2 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ 2012 là nguyên nhân đẩy chi phí hoạt động lên cao. Số nhân viên của VND năm qua tăng gấp rưỡi (từ 257 lên 385 nhân viên), do vậy khiến chi phí lương nhân viên quản lý kỳ vừa qua tăng hơn gấp đôi (110%) cùng kỳ 2012, lên tới gần 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước kiểm toán cả năm của VND vẫn đạt hơn 124 tỷ đồng nhờ kết quả kinh doanh khả quan trong 9 tháng đầu năm.

Một số công ty chứng khoán niêm yết khác cũng không gây được ấn tượng trong năm 2013. Công ty Chứng khoán phố Wall (WSS-HNX) những tưởng đang dần tìm lại con đường tăng trưởng sau 9 tháng đầu năm lãi 5 tỷ đồng, thì khoản lỗ 4,8 tỷ đồng trong quý 4/2013 khiến công ty gần như quay lại vạch xuất phát.

Khả năng lỗ liên tiếp năm thứ 2 là không nhỏ đối với WSS nếu báo cáo kiểm toán 2013 phải điều chỉnh lại số liệu. 2013 vẫn là một năm lận đận với Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS-HNX). 9 tháng đầu năm 2013 VDS chỉ lãi 3,8 tỷ đồng, đến quý 4/2013 công ty lại lỗ 2,3 tỷ đồng, quy ra lãi ròng cả năm 2013 chỉ được 1,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đây là một tiến bộ nếu so với khoản lỗ trên 27 tỷ đồng năm 2012 và 126 tỷ đồng năm 2011. Mặc dù vậy, VDS sẽ đối diện với hủy niêm yết bắt buộc nếu báo cáo kiểm toán 2013 báo lỗ.

Công ty Chứng khoán Hòa Bình (HBS-HNX), Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI-HNX) tuy đã đạt được lợi nhuận dương trong năm 2013 nhưng khoản lãi vài chục cho tới vài trăm triệu mỗi kỳ không thực sự ấn tượng.

Khoản lãi 65 triệu đồng của HBS trong quý 4 giúp công ty này đạt lợi nhuận năm 250 triệu đồng, chỉ tăng 6,8% so với 2012. Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) lại có thêm một năm thất bại sau khi tiếp tục báo lỗ năm vừa qua. Đây là năm thứ 3 liên tiếp PHS thua lỗ nặng nề, tổng lỗ lũy kế của PHS hiện lên tới 170 tỷ đồng, chiếm gần 50% vốn điều lệ của công ty.

Nếu không hủy niêm yết tự nguyện vào đầu tháng 1/2014 vừa rồi thì công ty cũng không tránh khỏi cảnh hủy niêm yết bắt buộc với ba năm liên tiếp báo lỗ.

Nhiều công ty chứng khoán đại chúng khác như: công ty chứng khoán BETA, công ty chứng khoán Đông Á cũng trải qua một năm xuống dốc. Cả năm 2013, Công ty Chứng khoán Đông Á và Công ty Chứng khoán Beta lỗ lần lượt là 28,7 tỷ đồng và 21,7 tỷ đồng.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)