09:42 30/09/2021

Những doanh nghiệp nào có lợi nhuận tăng trưởng bứt phá bất chấp quý 3 ảm đạm?

Thu Minh

Sẽ có nhiều doanh nghiệp là điểm sáng tăng trưởng trong bức tranh ảm đạm chung. Đây sẽ là những cơ hội đầu tư tốt thu hút dòng tiền trong cả ngắn, trung hạn...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy nền kinh tế trong nước đã trải qua Quý 3/2021 đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19. GDP Quý 3/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

Số doanh nghiệp ngừng hoạt động từ đầu năm cao kỷ lục. Tính chung 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Bình quân một tháng có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Những doanh nghiệp nào có lợi nhuận tăng trưởng bứt phá bất chấp quý 3 ảm đạm? - Ảnh 1

Với tình hình trên, Chứng khoán Agriseco dự đoán trong kỳ công bố kết quả kinh doanh Quý 3 sắp tới sẽ có rất nhiều doanh nghiệp rơi vào trạng thái thua lỗ hoặc tăng trưởng giảm mạnh.

Mặc dù vậy, vẫn sẽ có nhiều doanh nghiệp là điểm sáng tăng trưởng trong bức tranh ảm đạm chung. Đây sẽ là những cơ hội đầu tư tốt thu hút dòng tiền trong cả ngắn, trung hạn trong bối cảnh Việt Nam đang khống chế tốt dịch bệnh và kỳ vọng nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ trong Quý 4 tới. 

Cụ thể, những doanh nghiệp có thể có lợi nhuận tăng trưởng trong quý 3 như ACB, CTR, DGV, DPM, GMD, HPG, KBC, NLG, PTB, PVD, SLS...

Với ACB, áp lực trích lập dự phòng Quý 3/2021 dự báo thấp do đã trích lập tương đối mạnh trong 2 quý trước. Theo hợp đồng với Sunlife, Quý 3/2021 ACB dự kiến tiếp tục phân bổ 142 tỷ đồng từ hợp đồng bancassurance trong khi năm 2020 không có khoản này. Giá mục tiêu cho ACB là 40.000 đồng/cổ phiếu. 

Với Hoá chất Đức Giang (DGC), giá photpho vàng đã tiếp tục tăng 25% từ đầu Quý 2 và trên 75% so với cùng kỳ năm ngoái khi Trung Quốc đã áp thuế xuất khẩu 120% đối với mặt hàng này. Giá phân bón DAP và MAP cũng tăng mạnh hỗ trợ lợi nhuận DGC. Biên lợi nhuận cũng được cải thiện nhờ doanh nghiệp tích cực đổi mới công nghệ sản xuất và tiết giảm chi phí, giá mục tiêu là 180.000 đồng/cổ phiếu. 

Với Đạm Phú Mỹ, DPM có vị thế đầu ngành trong mảng phân ure, tình hình tài chính ổn định và lành mạnh. Nhiều tín hiệu tích cực cho thấy ngành phân bón sẽ phục hồi tốt trong giai đoạn tới nhờ thiếu hụt nguồn cung bởi chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc. Giá các loại phân bón và đặc biệt là phân Ure vẫn đang tăng mạnh, giá phân ure tháng 8/2021 cao hơn tới 80% so với cùng kỳ. Ngoài ra, DPM còn mảng hóa chất rất tiềm năng khi doanh nghiệp này cung cấp NH3 ra thị trường với giá bán cao gần gấp 2 lần năm ngoái. Giá mục tiêu DPM là 38.000 đồng/cổ phiếu. 

Những doanh nghiệp nào có lợi nhuận tăng trưởng bứt phá bất chấp quý 3 ảm đạm? - Ảnh 2

Với HPG, sản lượng bán thép thô trong tháng 8 của HPG tăng 40% so với cùng kỳ (yoy). Theo đó, việc tỷ trọng xuất khẩu ngày càng lớn giúp HPG duy trì được đà tăng trưởng mặc dù bất lợi trong đợt dịch vừa qua. Nhu cầu thép từ các thị trường xuất khẩu được kì vọng tiếp tục tăng mạnh trong quý 3 cùng với đà phục hồi của nền kinh tế thế giới. Trong khi đó, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới là Trung Quốc đã đưa ra thông báo về việc cắt giảm sản lượng thép của trong nửa cuối năm nhằm giảm lượng phát thải theo mục tiêu đã đặt ra.

Giá quặng thép đã điều chỉnh giảm trong tháng 8 và được kì vọng sẽ tiếp tục đà giảm trong thời gian tới góp phần làm tăng biên lợi nhuận của HPG trong quý 3. Giá mục tiêu cho HPG là 65.000 đồng/cổ phiếu.

Với PVD, dự kiến bắt đầu ghi nhận doanh thu cho thuê giàn khoan PVD V từ Quý 3/2021 trong khi năm ngoái giàn khoan này không đóng góp doanh thu.

Đây là giàn khoan hiện đại nhất của PVD, có giá thuê và biên lợi nhuận cao hơn nhiều so với các giàn khoan còn lại, dự kiến sẽ đóng góp tích cực vào lợi nhuận Quý 3 của PVD. Giá mục tiêu là 25.000 đồng/cổ phiếu. 

Với Đường Sơn La, SLS sở hữu vùng nguyên liệu có diện tích 7.771 ha cho năng suất cao và được hưởng chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp do hoạt động trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. SLS cải thiện được biên lợi nhuận từ xu hướng giá hàng hóa tăng mạnh trong năm 2021, giá đường quý 3 vẫn đang tiếp tục tăng 50%. Chính sách phòng vệ thương mại áp thuế chống bán phá giá và CTC 47,64% cho các sản phẩm đường mía có nguồn gốc từ Thái Lan sẽ giúp doanh nghiệp có thêm năng lực cạnh tranh khi cung chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước. Giá mục tiêu: 190.000đ/cổ phiếu. 

Xét về dài hạn, theo Agriseco, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn nhờ môi trường vĩ mô ổn định, lãi suất và lạm phát thấp và mặt bằng định giá thấp hơn các nước trong khu vực.