Những khó khăn của thị trường bất động đang giảm dần
Thị trường bất động sản đã đi qua “vùng đáy”, tuy nhiên về tổng thể, thị trường hiện nay còn khó khăn, nhưng mức độ khó khăn có xu thế giảm dần, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước…
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), xu thế này thể hiện rất rõ ở diễn biến của thị trường bất động sản TP.HCM trong 10 tháng đầu năm. Báo cáo mới đây của HoREA cho thấy, tại TP.HCM, quý 1/2023, tăng trưởng bất động sản âm 16,2%, đến cuối quý 3, dù vẫn tăng trưởng âm 8,71%, song giảm được thêm 2,87% so 6 tháng đầu năm. Sau 9 tháng thì mức độ khó khăn của thị trường bất động sản giảm 42,3% so với quý 1.
LƯỢNG GIAO DỊCH TĂNG
“Trong 9 tháng đầu năm 2023, thành phố có 13 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện để huy động vốn với 15.020 căn, đã tăng 1,37 lần so cùng kỳ năm 2022, gồm: 13.767 căn hộ chung cư, chiếm 91,6% và 1.253 căn nhà thấp tầng, chiếm 8,4%”, ông Châu chia sẻ.
Tương tự ở sự kiện bất động sản gần đây, bà Phạm Thị Miền, Phó ban Nghiên cứu thị trường và tư vấn xúc tiến đầu tư ban bất động sản, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho biết: Dữ liệu của VARS cũng thể hiện, thanh khoản trên thị trường bất động sản đang dần cải thiện, đặc biệt so với giai đoạn khó khăn hồi cuối năm trước và những tháng đầu năm nay. Thị trường bắt đầu xuất hiện nhiều điểm sáng hơn. Đó là những địa phương kinh tế phát triển, được quan tâm và chú trọng thúc đẩy đầu tư hạ tầng, giao thông như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… có nhiều nguồn cung phù hợp nhu cầu.
“Lượng giao dịch trên toàn thị trường ghi nhận tăng dần theo thời gian với nhiều hơn các sản phẩm phù hợp nhu cầu của người dân được đưa vào thị trường. Theo đó, quý 2/2023 thị trường ghi nhận 3.700 giao dịch, tăng 37% so mức 2.700 của quý 1. Đến quý 3, thị trường ghi nhận gần 6.000 giao dịch, gấp 1,5 lần quý 2 và hơn 2 lần so quý 1/2023”, bà Miền thông tin.
Từ những diễn biến trên thị trường, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất (về tài chính, giao dịch bất động sản, tháo gỡ các vướng mắc chính đối với dự án bất động sản…). Thị trường đang dần phục hồi từ tháng 5/2023 đến nay và nếu cần lượng hóa, có thể hình dung đâu đó khoảng 30-50% khó khăn, vướng mắc chính, số dự án bất động sản vướng về pháp lý, thủ tục được tháo gỡ, tùy vào mỗi địa phương.
Theo các chuyên gia, sở dĩ đạt được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực, liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; nhờ những động thái quyết liệt của Chính phủ cùng các cơ quan, bộ ngành để giúp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững. Bởi thực tế, khoảng 20 động thái, văn bản dưới luật liên quan liên tục phát đi một cách dồn dập từ phía Chính phủ với nội dung ngày càng sát hơn với nhu cầu của thị trường lẫn doanh nghiệp.
Đặc biệt, trên tinh thần tiếp thu ý kiến đóng góp, sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp với chiến lược nhà ở của quốc gia. Thông tin hàng trăm dự án tái khởi động trở lại càng góp phần tạo thêm niềm tin, sức mạnh cho thị trường cũng như các chủ thể tham gia. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, sự phục hồi còn chậm, nhiều khó khăn chưa tháo gỡ kịp thời.
THỰC HIỆN NGHIÊM TÚC CÁC CHÍNH SÁCH ĐÃ BAN HÀNH
Do đó, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, đánh giá về pháp lý, cần tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc trong những Luật liên quan, đã và đang phần nào cản trở sự phát triển của thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, rà soát các chính sách ban hành, khắc phục những nút thắt, chồng chéo, mâu thuẫn. Đây cũng là lực cản lớn đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, của doanh nghiệp, làm cho chính sách chậm đi vào thực tiễn, giảm niềm tin của người dân vào chính sách của Nhà nước.
Về vốn nói chung và vốn tín dụng ngân hàng nói riêng, cần phát triển thị trường vốn, trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp để các doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn trên thị trường này. “Thực tế cho thấy doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực đều có nhu cầu vốn, nhưng lại không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn tín dụng ngân hàng, bao gồm cả một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, trong khi các ngân hàng có vốn. Vì vậy, cần sự phối hợp đồng bộ của bộ ngành cùng giải bài toán vốn cho sản xuất kinh doanh. Cụ thể, Chính phủ cần tiếp tục có chính sách và biện pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng; chính sách tài khóa... cải thiện khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp”, bà Mùi nhấn mạnh và khuyến nghị phía doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp cũng phải nhanh chóng tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao năng lực tài chính, quản trị rủi ro, nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng hấp thụ vốn. Mặt khác, hệ thống ngân hàng tiếp tục rà soát cắt giảm chi phí, để có điều kiện hạ lãi suất cho vay, rà soát điều kiện vay vốn, xem xét phối hợp các hoạt động bảo lãnh để giúp doanh nghiệp có vốn phát triển kinh doanh.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị, các bộ ban ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện thật nghiêm túc, tốt các cơ chế, chính sách đã ban hành, nhất là những chính sách tài khóa; chính sách tiền tệ về giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ…; cùng nghị định, thông tư liên quan đến thị trường bất động sản, lĩnh vực xây dựng và đất đai. Riêng dự án, vấn đề tồn đọng lâu nay cần bóc tách để giải quyết, tránh tồn đọng cả cụm vấn đề…
“Dù thị trường bất động sản hiện nay chưa thể hồi phục như thời điểm cuối năm 2021 hay đầu năm 2022, nhưng đã đỡ hơn nhiều so cuối năm 2022. Và thời gian tới sẽ là lúc bất động sản tiếp tục phục hồi, nhất là khi những rào cản pháp lý dần được gỡ bỏ, một số quy định thắt chặt trước kia nay tạm thời chưa áp dụng, trong khi nguồn vốn giá rẻ ngày càng nhiều và kết cấu hạ tầng tiếp tục cải thiện với tâm lý đầu tư đỡ bị “ức chế” so với những tháng đầu năm 2023 và quý cuối 2022”, TS. Lê Xuân Sang, Viện Kinh tế Việt Nam, nhận xét.