23:33 14/09/2009

Những nỗi sợ của nhà đầu tư huyền thoại

Mai Phương

Lần khủng hoảng tài chính này đã nghiền vụn không ít nguyên tắc tồn tại từ lâu, thậm chí cả những nguyên tắc của Buffett

Ở tuổi 79, Buffett không chỉ lo về chuyện lỗ lãi trong những khoản đầu tư.
Ở tuổi 79, Buffett không chỉ lo về chuyện lỗ lãi trong những khoản đầu tư.
Giữa lúc thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo mạnh cách đây một năm, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã không ngại mua vào cổ phiếu. Nhưng ngay thời điểm thị trường đang lên hiện nay, ông lại tỏ thái độ ưu tư.

Ở tuổi 79, Buffett không chỉ lo về chuyện lỗ lãi trong những khoản đầu tư, ông còn canh cánh lo về hình ảnh của mình trong thời gian cuối của sự nghiệp, về chuyện ai sẽ là người kế nhiệm…

Đi ngược thị trường

Có rất ít người có thể tận dụng được những cơ hội mà lần khủng hoảng này đem lại như Buffett đã làm.

Sau khi cố vấn cho Chính phủ Mỹ cứu viện ngành tài chính của nước này và công khai thúc giục người Mỹ đầu tư vào chứng khoán giữa lúc thị trường đổ dốc, Buffett đã mạnh tay tung tiền gom cổ phiếu. Ông đã tranh thủ cơ hội để kiếm lời lớn từ sự chao đảo của thị trường, nhờ chính những khoản giải cứu bằng tiền thuế của dân Mỹ, và nhờ đó bảo đảm cho bản thân danh hiệu một trong những nhà đầu tư giỏi nhất mọi thời đại.

Ở thời điểm mùa thu năm ngoái, khi các nhà đầu tư khác còn đắm chìm trong sợ hãi, Buffett đã đầu tư hàng tỷ USD vào Goldman Sachs, với những điều khoản có lợi hơn nhiều những điều khoản trong thỏa thuận rót vốn cứu trợ giữa Chính phủ Mỹ với ngân hàng này. Sau đó, ông lại đầu tư thêm hàng tỷ USD nữa vào tập đoàn công nghiệp General Electric (GE).

Những “đại gia” trong làng tài chính Mỹ như Goldman, American Express, Bank of America, Wells Fargo, U.S. Bancorp… đều được nhận tiền cứu trợ của Chính phủ Mỹ, và rốt cục, những khoản cứu trợ này lại làm lợi cho những cổ đông như Buffett.

Giới phân tích nhận định, lần khủng hoảng này đem lại cho Buffett cơ hội mà bấy lâu ông mong đợi. Trước khi khủng hoảng nổ ra, trong suốt những năm thị trường đi lên, Buffett đã phải nỗ lực rất nhiều mới tìm ra được những kênh đầu tư tốt.

Nếu như những lựa chọn để rót vốn nói trên của Buffett là đúng - và tới thời điểm hiện nay, có vẻ như Buffett đã chọn đúng - thì những khoản lợi nhuận mà ông có thể thu được là khổng lồ.

Tuy vậy, ở thời điểm hiện nay, đúng một năm sau ngày khủng hoảng leo thang mạnh sau vụ phá sản của Lehman Brothers, Buffett lại tỏ ra lo ngại về khả năng thị trường chứng khoán thế giới có thể giảm trở lại.

Sau một thời gian dũng cảm mua cổ phiếu giữa lúc những nhà đầu tư khác bán ra, tập đoàn Berkshire Hathaway của Buffett lúc này đang mua ít cổ phiếu hơn và thay vào đó tăng mua trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu Chính phủ. Những dữ liệu mà hãng tin tài chính Bloomberg thu thập được, ở thời điểm cuối quý 2 vừa qua, Berkshire bán cổ phiếu nhiều hơn mua.

Bản thân Buffett cảnh báo, kinh tế Mỹ mặc dù đang trong quá trình hồi phục trở lại những vẫn đối mặt với rất nhiều thách thức. “Chúng ta chưa thoát hẳn khỏi những rắc rối”, Buffett phát biểu trong cuộc phỏng vấn do tờ New York Times thực hiện.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn này New York Times, Buffett đã từ chối dự báo xu hướng ngắn hạn của thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới .

Ngổn ngang những mối lo

Từ lâu, những nhận định của Buffett luôn được các nhà đầu tư từ nhỏ tới lớn theo sát. Giới đầu tư có lý do chính đáng để tin Buffett, vì nếu ai đó đầu tư 1.000 USD vào cổ phiếu tập đoàn Berkshire của Buffett vào năm 1965, thì tới năm 2007, số tiền đó đã sinh lợi ra hàng triệu USD.

Tuy vậy, cuộc khủng hoảng tài chính này thực sự là một “đòn đau” đối với Buffett. Nhà đầu tư huyền thoại đang trải qua năm tồi tệ nhất trong sự nghiệp đầu tư của ông.

Buffett có hai nguyên tắc đầu tư chính: Thứ nhất: Không bao giờ được thua lỗ, và thứ hai: Không bao giờ được quên nguyên tắc thứ nhất. Lần khủng hoảng tài chính này đã nghiền vụn không ít nguyên tắc tồn tại từ lâu, thậm chí cả những nguyên tắc của Buffett.

Trên sổ sách, cá nhân tỷ phú này đã thiệt hại 25 tỷ USD trong cơn địa chấn tài chính năm 2008, khiến ông không còn giữ được ngôi vị người giàu nhất thế giới. Theo xếp hạng của tạp chí Forbes, danh hiệu này hiện đang thuộc về tỷ phú công nghệ Bill Gates. Với tài sản 37 tỷ USD, Buffett hiện đứng thứ hai trong xếp hạng tỷ phú này.

Mặc dù Buffett vẫn giữ nguyên quan điểm đầu tư hướng tới giá trị - đó là mua bất kỳ thứ gì với giá rẻ - giới chuyên gia đang đặt câu hỏi liệu điều gì sẽ định nghĩa cho những chương cuối trong sự nghiệp vẻ vang của ông.

Theo tác giả Alice Schroeder của cuốn “The Snowball”, một cuốn tiểu sử về Buffett, sự chuyển biến này trong chiến lược đầu tư thời gian này của Buffett cho thấy tỷ phú này đang bắt đầu lo lắng về khả năng đi xuống một lần nữa của thị trường cổ phiếu.

Bà Schroeder cũng cho rằng, Buffett cũng đang lo về chuyện người ta sẽ nhớ đến ông như thế nào sau khi ông “về vườn”. Theo tác giả này, Buffett vẫn muốn được duy trì được sự quan tâm của dư luận trong quãng thời gian còn lại của sự nghiệp của ông, và như thế, ông đang tích cực phát ngôn trên báo đài nhiều hơn.

Điều này đồng nghĩa với việc, các nhà đầu tư có cơ hội được tiếp cận nhiều hơn với lời khuyên của người được coi là “nhà tiên tri của Omaha”, nhưng đương nhiên, những lời khuyên này không phải bao giờ cũng đúng.

Giống như rất nhiều người khác, nhà đầu tư huyền thoại này đã không lường trước được sự sụp đổ của thị trường nợ dưới chuẩn vào trận suy thoái xảy ra sau đó. Ông cũng đã thừa nhận mắc một số sai lầm trong đầu tư, bao gồm khoản đầu tư vào ngành năng lượng ngay khi giá dầu đạt đỉnh vào mùa hè năm ngoái, và khoản đầu tư vào hai ngân hàng của Iceland giữa lúc hệ thống tài chính nước này kề bờ vực đổ vỡ.

Tương lai đối với tập đoàn Berkshire thời kỳ hậu Buffett cũng là một vấn đề nữa. Giá trị vốn hóa thị trường của Berkshire trong năm qua đã giảm khoảng 1/5, ngang với tốc độ sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ. Trong quý 1 năm nay, tập đoàn này thua lỗ 1,53 tỷ USD, và sau đó mất luôn cả định mức tín nhiệm hàng đầu, trước khi làm ăn có lãi trở lại vào quý 2.

Đối với Buffett, thời gian không còn nhiều. Mặc dù Buffett chưa có kế hoạch nghỉ hưu, nhưng dư luận cho là ông đang cân nhắc một số ứng cử viên kế nhiệm ông cho vị trí lãnh đạo Berkshire, trong đó nổi bật là David L. Sokol, Chủ tịch của MidAmerican Energy Holdings và NetJets, hai công ty con trong tập đoàn.

(Theo New York Times)