11:05 23/06/2019

Những yếu tố nào quyết định giá vàng tuần tới?

Diệp Vũ

Tiền đang được giới đầu tư quốc tế rót mạnh vào thị trường vàng, nhưng liệu điều này có kéo dài?

Tháng 6 này có thể là tháng hút vốn mạnh nhất của các ETF vàng kể từ tháng 1 - Ảnh: Star.
Tháng 6 này có thể là tháng hút vốn mạnh nhất của các ETF vàng kể từ tháng 1 - Ảnh: Star.

Có một "bộ ba" yếu tố đưa giá vàng thế giới tăng bùng nổ trong tuần này: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), và căng thẳng địa chính trị, và yếu tố kỹ thuật.

Đầu tiên phải kể tới việc Chủ tịch FED Jerome Powell phát tín hiệu sẵn sàng giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế vốn đang chịu áp lực suy giảm tăng trưởng do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Triển vọng lãi suất giảm, và sự mất giá của đồng USD do khả năng FED hạ lãi suất, giúp tạo ra một bước ngoặt lớn cho giá vàng sau một thời gian dài lình xình.

Tiếp đó, xung đột giữa Mỹ và Iran leo thang mạnh, đặc biệt sau khi Iran bắn rơi một thiết bị bay không người lái của Mỹ, càng đẩy giá vàng lên cao hơn.

Và cuối cùng, việc giá vàng vượt ngưỡng cản kỹ thuật 1.350 USD đã "kích hoạt" một làn sóng mua vào để đóng trạng thái bán khống, kết hợp với mua để đầu cơ giá lên.

Trong bối cảnh những tài sản an toàn khác như trái phiếu chính phủ đang mang lại mức lợi suất âm, và đường cong lợi suất chỉ báo khả năng sắp xảy ra suy thoái kinh tế, vàng được xem là một sự đặt cược tốt hơn. Giờ đây, một câu hỏi đang đặt ra đối với giới đầu tư là tiếp tục "đuổi theo" sự tăng giá của vàng hay khẩn trương chốt lãi.

"Tất cả các thông tin hiện nay đều có lợi cho giá vàng", ông Ole Hansen, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa cơ bản thuộc Saxo Bank, nhận xét với hãng tin Bloomberg. "Những ai mua vàng cho mấy tuần qua đều muốn có một sự đảm bảo rằng họ không vào thị trường đúng đỉnh".

Những yếu tố nào quyết định giá vàng tuần tới? - Ảnh 1.

Diễn biến giá vàng thế giới trong 6 tháng qua - Nguồn: Kitco.

Giá vàng thế giới đã kết thúc tuần giao dịch ở mức trên 1.400 USD, hoàn tất tuần tăng mạnh nhất trong 3 năm.

Theo số liệu mà Bloomberg đưa ra, tiền đang chảy mạnh vào thị trường vàng. Từ đầu tháng đến nay, giới đầu tư đã rót khoảng 3 tỷ USD vào các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng. Tháng 6 này có thể là tháng hút vốn mạnh nhất của các ETF vàng kể từ tháng 1.

Tuy nhiên, các yếu tố kỹ thuật cho thấy thị trường vàng đang trở nên "quá nóng". Chỉ số sức mạnh tương đối của vàng đang rơi sâu vào vùng mua quá nhiều, và giới đầu tư có thể sớm quyết định chốt lãi nếu không có thêm những chất xúc tác bên ngoài mới để giữ đà tăng - ông Hansen nhận xét.

Dưới đây là một số thông tin có thể tác động đến tâm lý thị trường vàng trong tuần tới:

Dữ liệu kinh tế Mỹ

Bất kỳ một dấu hiệu nào mới về sự giảm tốc của nền kinh tế Mỹ đều có thể củng cố khả năng FED hạ lãi suất, theo đó đẩy giá vàng tăng thêm. Thống kê công bố hôm thứ Sáu cho thấy ngành sản xuất của Mỹ đứng trước khả năng suy giảm trong tháng 6. Các dữ liệu được chú ý nhiều tuần tới bao gồm con số về tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ và niềm tin tiêu dùng.

Tình hình Iran

Cho đến hiện tại, lập trường chuyển sang mềm mỏng của FED là động lực tăng giá chủ chốt của vàng. Tuy nhiên, nếu quan hệ giữa Mỹ với Iran xấu đi thêm, thì một làn sóng mua vàng tiếp theo có thể xuất hiện.

Giới chức Mỹ nói Iran hiện từ chối các nỗ lực giải quyết bất đồng thông qua con đường ngoại giao. Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp thêm các biện pháp trừng phạt lên Iran. Tất cả những căng thẳng này đặt ra nguy cơ hành động quân sự có khả năng gây ảnh hưởng ngay lập tức và sâu rộng ở Trung Đông, cả về mặt kinh tế và chính trị.

Cuộc gặp Mỹ-Trung ở G20

Ông Trump dự kiến sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh khối G20 ở Osaka, Nhật Bản vào ngày 28-29/6. Nếu hai bên không đạt nhất trí về một hướng đi nhằm xuống thang chiến tranh thương mại, thì thị trường sẽ càng lo ngại về triển vọng tăng trưởng toàn cầu.

"Nguy cơ suy thoái kinh tế sẽ rất có lợi cho giá vàng", ông Hansen nhận định.

Theo đánh giá của trang Kitco News, ngưỡng kháng cự mạnh tiếp theo của giá vàng là 1.450 USD/oz, còn ngưỡng hỗ trợ chủ chốt là 1.361,5 USD/oz. Nếu ngưỡng kháng cự bị phá vỡ, giá vàng sẽ tăng mạnh hơn, còn nếu ngưỡng hỗ trợ bị xuyên thủng, giá vàng có thể rơi sâu.

Một số chuyên gia được Kitco khảo sát đều đưa ra nhận định lạc quan, cho rằng giá vàng còn có thể tăng cao hơn từ mức hiện tại.

"Đây giống như một cơn bão hoàn hảo của giá vàng, nhờ rủi ro địa chính trị tăng và FED mềm mỏng", chiến lược gia Phil Streible thuộc RJO Futures nhận định.

Ông Paul Tudor Jones thuộc Tudor Investment thì nói rằng với mốc 1.400 USD/oz được thiết lập, mốc quan trọng tiếp theo của giá vàng sẽ là 1.700 USD/oz.

"Điều này hoàn toàn có thể. FED chắc chắn sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 7", ông Streible nhận định. Theo vị chiến lược gia, nếu FED tung một chương trình nới lỏng định lượng (QE), giá vàng còn leo thang cao hơn nữa.