15:46 31/05/2023

Nợ bảo hiểm kéo dài sẽ tước đi quyền lợi của hàng triệu lao động

Thu Hằng

Tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm còn chiếm tỷ lệ khá cao; việc thu trùng bảo hiểm xã hội, chi sai bảo hiểm thất nghiệp vẫn chưa thu hồi được hết. Vì vậy, đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ xem xét có một tổ chức độc lập để khảo sát, đánh giá toàn bộ về chính sách bảo hiểm xã hội…

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre. Ảnh - Quochoi.vn.
Đại biểu Trần Thị Thanh Lam, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre. Ảnh - Quochoi.vn.

Tham gia thảo luận tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước sáng 31/5, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre kiến nghị hàng loạt giải pháp để xử lý tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp. 

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, cho biết, mặc dù chỉ tiêu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt được nhưng băn khoăn về tính bền vững và những tồn tại, bất cập liên quan đến lĩnh vực này mà báo cáo kiểm toán đã nêu.

Theo đại biểu, tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn tỷ lệ khá cao.

Đến nay chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết căn cơ số nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm đến hết năm 2021 là 16.350 tỷ đồng; còn thu trùng hơn 4.800 trường hợp bảo hiểm xã hội bắt buộc; thu hơn 100.000 bảo hiểm y tế trùng giữa ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng; thu trùng hơn 8.000 thẻ bảo hiểm y tế; chi trùng, chi sai bảo hiểm thất nghiệp cần phải thu hồi khoảng 3.000 trường hợp.

Theo quy định hàng tháng chủ sử dụng lao động và người lao động đều đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

“Sang tháng thứ hai, tháng thứ ba không đóng thì sẽ biết. Vậy sao cơ quan Bảo hiểm xã hội không xử lý mà để kéo dài trong suốt thời gian qua. Trách nhiệm kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước như thế nào. Vậy những khoản chi sai, chi trùng, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động tồn đọng nhiều năm qua có phải là lãng phí về nguồn lực, cơ hội của hàng triệu người lao động hay không”, đại biểu Trần Thị Thanh Lam trăn trở.

Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở dữ liệu luôn được cơ quan thực thi nhiệm vụ đi tiên phong với những khoản chi không nhỏ.

Qua rà soát, từ năm 2016 đến năm 2021 lĩnh vực này đã chi đầu tư gần 6.900 tỷ đồng cho ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng việc trùng lắp danh sách, bất cập trong chi các chế độ, trong theo dõi, quản lý đối tượng vẫn còn tồn tại, kéo dài, đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để.

Đại biểu tỉnh Bến Tra đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý nhà nước trong đề xuất các chính sách pháp luật, công tác phối hợp để tháo gỡ những bất cập, để chia sẻ với khó khăn của người lao động có kịp thời hay không, hay vẫn “từ từ nghiên cứu”.

“Ví dụ điển hình như 4.240 trường hợp chủ hộ kinh doanh cá thể đóng bảo hiểm bắt buộc, hay trường hợp 3.700 người lao động mượn hồ sơ thân nhân ký kết hợp đồng lao động đến bao giờ mới giải quyết, trong khi có nơi người lao động phải kiện ra tòa. Chưa kể đến việc tại sao kết dư các quỹ ngắn hạn về bảo hiểm luôn cao, có phải chính sách ban hành thiếu khả thi không? Vì sao chưa có giải pháp tháo gỡ? Trách nhiệm thực thi công vụ như thế nào trong các trường hợp này”, đại biểu nêu hàng loạt vấn đề.

Từ những thực tế nêu trên, đại biểu Trần Thị Thanh Lam kiến nghị Chính phủ xem xét cần có một tổ chức độc lập để khảo sát, đánh giá toàn bộ lĩnh vực về chính sách bảo hiểm để có thay đổi, và điều chỉnh một cách hợp lý trong từng giai đoạn.

Đại biểu cũng cho rằng cần quan tâm hơn đến các chính sách phòng ngừa, hỗ trợ doanh nghiệp để duy trì việc làm, tạo việc làm bền vững, hạn chế sa thải lao động.

“Tôi đề nghị các cơ quan có liên quan hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người lao động, người bị nợ bảo hiểm xã hội, mất cơ hội việc làm, để có chế tài mạnh mẽ và công cụ xử lý hữu hiệu hơn nữa nhằm giải quyết dứt điểm những trường hợp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài đối những người đang trong quá trình giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn”, đại biểu Trần Thị Thanh Lam nhấn mạnh.

Đặc biệt, cần sớm quy định trách nhiệm pháp luật đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ đã được giao nếu xảy ra tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm và Điều 11 Nghị định 28/2015/NĐ- CP, thì một trong những điều kiện để người lao động bị thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp, đó là người lao động đang đóng bảo hiểm bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp - được hiểu là người có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp và được tổ chức bảo hiểm xã hội xác nhận. Với việc quy định như vậy sẽ gây khó khăn trong việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho nhóm đối tượng là người lao động làm việc tại các doanh nghiệp đang nợ bảo hiểm xã hội.

Pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp quy định mức đóng góp vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp dựa trên mức tiền lương, tiền công hàng tháng theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Song quy định này còn lỏng lẻo, có nhiều trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận kê khai mức đóng bảo hiểm thấp hơn mức lương thực tế do cả 2 bên đều không có ý thức thực sự muốn đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Đây là hành vi không trung thực, không đảm bảo tính công bằng trong quyền lợi của tất cả người lao động cùng tham gia. Một hậu quả khác của hành vi này là việc dẫn đến còn tồn tại tình trạng nợ đọng bảo hiểm thất nghiệp.

Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp, sau khi đóng đủ 12 tháng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động tìm cách nghỉ việc để được hưởng trợ cấp (bởi có đóng hơn thì họ cũng chỉ được hưởng như người đóng đủ 12 tháng).

Do đó cần bổ quy định theo hướng trong trường hợp người lao động gặp trường hợp bị chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp mà không do lỗi của người lao động thì vẫn đủ điều kiện được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.