12:15 13/03/2023

Để nợ bảo hiểm xã hội càng lâu càng khó thu hồi

Nhật Dương

Các chuyên gia cho rằng việc xử lí hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội cần được thực hiện kịp thời ngay khi phát hiện vi phạm, vì nếu để càng lâu, nợ càng khó thu hồi. Nhiều giải pháp mạnh hơn đang được tính đến như phong tỏa tài khoản, ngừng cấp hóa đơn, thậm chí khởi kiện…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất thêm các biện pháp nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng gian lận, trục lợi, trốn đóng, chậm đóng, đặc biệt là tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội thời gian dài dẫn đến không có khả năng thu, nộp.

CHẬM ĐÓNG, TRỐN ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI SẼ TIẾP TỤC TĂNG

Theo số liệu báo cáo của cơ quan Bảo hiểm xã hội, số tiền chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016 - 2020 liên tục tăng, cụ thể năm 2016 là trên 9.500 tỷ đồng, năm 2017 là trên 9.700 tỷ đồng; năm 2019 là trên 10.000 tỷ đồng và năm 2020 trên 11.600 tỷ đồng. Trong đó, số nợ đóng bảo hiểm xã hội từ 3 năm trở lên chiếm trên 30% tổng số nợ đóng bảo hiểm xã hội.

Tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội của các cơ quan, đơn vị bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng trên 10.000 tỷ đồng. Xu hướng chậm đóng vẫn tiếp tục tăng trong các năm tới, đặc biệt là trong bối cảnh các đơn vị doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, pháp luật về bảo hiểm xã hội cũng chưa có quy định cụ thể về việc giải quyết chế độ của người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, nay đã phá sản, dừng hoạt động.

Mặc dù Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản, Luật Hợp tác xã, Luật Các tổ chức tín dụng cũng đã có quy định về ưu tiên giải quyết các khoản tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng không phải là khoản ưu tiên thanh toán đầu tiên (sau chi phí phá sản, nợ lương, trợ cấp thôi việc,...) khi thanh lý tài sản.

Mặt khác, phần lớn các doanh nghiệp phá sản, chấm dứt hoạt động thời gian qua khi thanh lý tài sản không thu hồi được hoặc thu hồi được rất ít so với các khoản tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, nên người lao động không được ghi nhận đối với khoảng thời gian doanh nghiệp chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Vì vậy, Bộ cho rằng bên cạnh các giải pháp như tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội để tăng tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội cần nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung trong luật.

Đơn cử như bổ sung quy định cơ quan Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm xác định, khai thác và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội, các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp.

Để quản lý được đối tượng tham gia, trước hết phải nhận diện đầy đủ được đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thông qua việc cơ quan Bảo hiểm xã hội tổ chức phối hợp với các cơ quan, ban ngành ở địa phương. Từ đó để điều tra, khảo sát xác định và nắm bắt được đầy đủ các đơn vị sử dụng lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên địa bàn.

Bên cạnh đó, có văn bản nhắc đóng bảo hiểm xã hội tối đa 3 lần, sau đó thành lập đoàn kiểm tra, tiếp tục vi phạm thì tổ chức thanh tra, thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Nếu tiếp tục vi phạm thì khởi kiện và phối hợp với các cơ quan tiến hành xử lý hình sự một số vụ trọng điểm để răn đe cho các chủ sử dụng lao động khác.

CÓ GIẢI PHÁP XỬ LÍ “MẠNH TAY” HƠN

Các biện pháp xử lí “mạnh tay” hơn cũng đang được cơ quan soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất trong lần sửa đổi lần này, đơn cử, bổ sung quy định nhằm hạn chế các trường hợp chậm đóng kéo dài như ngừng cấp hóa đơn, phong tỏa tài khoản, hoãn xuất cảnh với chủ doanh nghiệp trốn đóng từ 12 tháng trở lên...

Thanh tra về đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh - Thu Hiền. 
Thanh tra về đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh - Thu Hiền. 

Trao đổi về tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội hiện nay, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhìn nhận, dù đã có nhiều giải pháp để xử lí tình trạng này song cũng còn những vướng mắc về cơ chế nên vẫn còn doanh nghiệp chây ì không thực hiện.

Vì vậy, ông Quảng cho rằng, tới đây khi sửa Luật cần có những quy định như đóng băng tài khoản, hạn chế tham gia vào các hoạt động kinh tế, đấu thầu khi doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng để khiến doanh nghiệp có trách nhiệm hơn trong thực thi pháp luật về bảo hiểm xã hội, thậm chí phải thực hiện khởi kiện.

“Thực tế có nhiều doanh nghiệp nợ nhưng vin vào cớ đang quá khó khăn. Chúng ta cũng chưa xử lí mạnh vì lo ngại doanh nghiệp khó khăn như vậy sẽ phải đóng cửa, từ đó ảnh hưởng đến môi trường sản xuất, kinh doanh chung. Vì vậy, có thể nói đây chính là những yếu tố làm cho tình trạng chậm đóng tiếp tục gia tăng và ngày càng khó giải quyết được quyền lợi cho người lao động”, ông Quảng phân tích.

Theo ông Quảng, một trong những bài học đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện nghiêm minh, kịp thời, khi phát hiện vi phạm cần xử lí ngay. Bởi “càng để lâu, nợ càng tích tụ lại khó thu hồi”, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động, chính doanh nghiệp cũng khó xoay sở vì số nợ tăng cao.

Với giải pháp đề xuất như phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp trốn đóng, ông Quảng cho rằng, có thể sẽ nâng cao hơn ý thức tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động, song cũng có ý kiến băn khoăn, nếu quy định thì cũng cần tính đến trường hợp sẽ có những doanh nghiệp trong cơ chế thị trường không tránh khỏi những lúc khó khăn dẫn đến bị chậm đóng. Vì vậy, việc áp dụng quy định này có thể đánh mất cơ hội để doanh nghiệp phục hồi là vấn đề cần cân nhắc.

“Tuy nhiên chúng tôi cho rằng, các chế tài về phong tỏa tài khoản, cấm tham gia một số hoạt động kinh tế cũng là một trong những giải pháp cần thiết nên đưa ra nghiên cứu để quy định trong bối cảnh hiện nay, khi tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội tăng rất cao và có những diễn biến phức tạp”, ông Quảng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để giải quyết được vấn đề thu hồi nợ bảo hiểm xã hội sẽ cần sự vào cuộc của rất nhiều cơ quan liên quan, từ quản lý nhà nước về lao động, bảo hiểm xã hội cũng như phối hợp với các đơn vị khác.

 

Tại Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Chính phủ cũng yêu cầu Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục đôn đốc thu, giảm nợ bảo hiểm xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.