12:12 09/04/2013

Nợ xấu, tái cơ cấu tập đoàn, bauxite... vào tầm giám sát tối cao

Nguyễn Lê

Không ít “đại vấn đề” của nền kinh tế đã được đề nghị đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội trong năm 2014

Xử lý nợ xấu là một trong những vấn đề được các cơ quan kiến nghị đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội trong năm 2014.<br>
Xử lý nợ xấu là một trong những vấn đề được các cơ quan kiến nghị đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội trong năm 2014.<br>
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, tại phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ bắt đầu từ sáng 9/4, cho biết tính đến đầu tháng 4/2013, đã có 64 cơ quan kiến nghị 205 nội dung cần giám sát trong chương trình giám sát của Quốc hội năm 2014.

Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội giám sát về nội dung tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản công, chính sách đầu tư công; tính hiệu quả sử dụng vốn của một số ngành, công trình trọng điểm như điện lực, dự án bauxite.

Nhóm vấn đề thứ hai cũng nhận được nhiều đề nghị là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước; tổ chức và hoạt động của hệ thống ngân hàng, quản lý thị trường vàng, việc xử lý nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp...

Nổi lên là các ý kiến về xử lý, khắc phục nợ xấu của ngân hàng, công tác quản lý giá và thực hiện các biện pháp bình ổn giá, Chủ nhiệm Phúc nhấn mạnh.

Qua tổng hợp ý kiến, Văn phòng Quốc hội đề nghị tại kỳ họp tháng 5/2014 sẽ lựa chọn một trong hai nội dung để giám sát tối cao.

Một là công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống sân bay, cảng biển tại các địa phương. Hai là việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý đầu tư, xây dựng các công trình thuỷ điện.

Với kỳ họp Quốc hội cuối năm, hai chuyên đề được dự kiến là hiệu quả tổng thể về kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng của hai dự án Tân Rai và Nhân cơ do Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư. Và, việc thực hiện chính sách pháp luật về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Với Ủy ban thường vụ Quốc hội, có 4 chuyên đề được đề xuất cho chương trình giám sát năm sau.

Một là việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng không thực hiện đúng kế hoạch được phê duyệt.

Hai là việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Chuyên đề thứ ba tập trung vào việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, giai đoạn 2006-2013 là chuyên đề thứ tư.

Nội dung giải trình về sự cần thiết giám sát các nội dung trên cũng được cung cấp cho các vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên việc tại sao không chọn các vấn đề đang nổi lên như xử lý nợ xấu hay tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không được giải thích cụ thể.

Nhấn mạnh việc tái cấu trúc các tập đoàn và ngân hàng thương mại được nhân dân rất quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị nên chọn các vấn đề này để giám sát, đặt trong việc tổ chức thực hiện đề án tổng thể tái  cơ cấu nền kinh tế.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, giám sát của Quốc hội phải ở tầm vĩ mô hơn, còn chuyên đề sân bay cảng biển thì nên để Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm. Hay vấn đề thủy điện thì giao cho Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường là được.

"Năm 2014 nên chọn hai chủ đề lớn là tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế để phát triển bền vững và chính sách giảm nghèo gắn với mục tiêu thiên niên kỷ", ông Hùng gợi ý.

Trong chủ đề lớn thứ nhất, theo phân tích của Chủ tịch đã bao gồm nhiều nội dung được Văn phòng Quốc hội dự kiến. Ông cũng lưu ý cần giám sát xem mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng đặt ra đến 2015 thì đến 2014 đã làm được đến đâu và cần làm tiếp những gì.