15:09 08/05/2018

Nỗi lo bệnh trĩ - cách phòng và điều trị

Diệu Hương

Trước đây, bệnh trĩ thường gặp ở lứa tuổi trung niên trở lên nhưng ngày nay, bệnh gặp cả ở lớp trẻ, thanh niên, các khối văn phòng. Bệnh trĩ ngày càng phổ biến, vì thế cần chủ động phòng tránh, ngay khi có những triệu chứng đầu tiên hay nghi ngờ bị bệnh bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám.


Nỗi lo bệnh trĩ - cách phòng và điều trị - Ảnh 1.
Bệnh trĩ là do sự căng giãn quá mức tại các tĩnh mạch ở trực tràng - hậu môn. Chỉ cần có chèn ép, cản trở lâu dài sự lưu thông mạch máu ở đây là bệnh trĩ có thể xuất hiện. Tĩnh mạch xung huyết thành một búi hoặc nhiều búi tùy vị trí của tĩnh mạch ở trực tràng hay hậu môn. Người bị bệnh trĩ mới đầu chỉ có cảm giác ngứa rát đôi chút. Lâu dần, sẽ đi ngoài ra máu và đau rát nhiều hơn. Bệnh trĩ ở cấp độ nặng, người bệnh có thể sờ được bên ngoài hậu môn gọi là sa búi trĩ, gây cảm giác vướng víu, khó chịu và dễ làm tổn thương dẫn đến xuất huyết nặng, gây viêm sưng, hay nhiễm trùng búi trĩ. Những ai dễ mắc trĩ?Trĩ là bệnh mãn tính phổ biến gây nhiều biến chứng, đứng hàng thứ 2 trong các loại bệnh của hệ thống tiêu hóa. Tuy không phải bệnh hiểm nghèo nhưng nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến công suất làm việc và sinh hoạt hàng ngày. Trên lâm sàng, trĩ được phân chia thành trị nội, trĩ ngoại, trĩ hỗn hợp hay trĩ vòng. Ở mọi người từ trẻ nhỏ, nam, nữ hay người lớn đều có nguy cơ mắc phải bệnh trĩ. Người xưa đã đúc kết rằng " Bệnh tòng khẩu nhập", bệnh trĩ có 70 - 80 % là do rối loạn chức năng tiêu hóa, do ăn uống thái quá như không ăn uống đúng giờ, sử dụng một số loại thực phẩm chức năng bị ô nhiễm trong quá trình sản xuất, ăn nhiều đồ cay nóng, thức ăn quá béo, đặc biệt là sử dụng rượu bia...Những người có thói quen ngồi lâu, ngồi nhiều như những người lái xe, công nhân may mặc, điện tử, những người chơi game thường xuyên, nhân viên văn phòng, giáo viên... thường dễ mắc trĩ. Do tính chất công việc thường xuyên phải đứng lâu, ngồi nhiều trong thời gian dài, khiến toàn bộ áp lực trong cơ thể dồn xuống vùng hậu môn trực tràng, điều đó gây cản trở lưu thông máu ngược trở lại gây tắc nghẽn khiến các tĩnh mạch trĩ sưng phồng quá mức gây ra bệnh trĩ. Phụ nữ có thai, trong thời kỳ mang thai, thai tì vào tĩnh mạch chủ dưới gây tăng áp lực của hệ thống tĩnh mạch ở phía dưới vùng tiểu khung do đó làm tăng áp lực ở hệ thống tĩnh mạch và trực tràng gây giãn tĩnh mạch trĩ và trở thành bệnh trĩ, người già, béo phì đến thời điểm nhất định thì những dây chằng tự bị suy yếu đi gây bệnh trĩ. Biểu hiện hay gặp của bệnh trĩ là chảy máu, sa lồi ra ngoài và đau, hoặc là có một số triệu chứng khác như ngứa hậu môn, khi đó người bệnh cần gặp bác sĩ tiêu hóa ngay lập tức để có thông tin chính xác bệnh tình và có hướng điều trị thích hợp.
Nỗi lo bệnh trĩ - cách phòng và điều trị - Ảnh 2.
Các giải pháp điều trị Theo các bác sĩ chuyên khoa Hậu môn Trực tràng, bệnh trĩ phân loại dựa vào vị trí của búi trĩ so với đường lược, nếu trĩ xuất phát từ đám rối tĩnh mạch phía trên đường lược thì gọi là trĩ nội, nếu xuất phát từ đám rối tĩnh mạch phía dưới đường lược thì là trĩ ngoại. Ngoài ra, còn có phối hợp giữa trĩ nội, trĩ ngoại theo chiều từ trên xuống dưới, ở trên phát triển các mạch máu giãn to ra liên lạc phía dưới gọi là trĩ hỗn hợp. Giữa các búi trĩ với nhau đi theo hình chu vi của hệ ống hậu môn sẽ lại có những tĩnh mạch giãn ra và nối với nhau, có 3 vị trí chính là vị trí 3h, 8h và 11h, 3 búi liên lạc với nhau gọi là trĩ vòng. Nếu bị trĩ hỗn hợp và trĩ vòng thì đó là trường hợp rất nặng. Không chỉ gây ra cảm giác đau đớn, khó chịu khi đi đại tiện cũng như sinh hoạt hàng ngày mà đối với bệnh trĩ nếu không được điều trị sớm có thể gây ra những biến chứng của bệnh trĩ nội, trĩ ngoại vô cùng nguy hiểm như viêm nhiễm nặng, nhiễm trùng máu, dẫn tới tử vong, đồng thời cũng làm người bệnh tốn khá nhiều tiền trong việc chữa trị. Vì vậy, nếu bạn đang gặp phải những dấu hiệu ban đầu của trĩ thì nên chữa trị tích cực phòng ngừa biến chứng có thể xảy ra. Các bác sĩ khuyên rằng, để chữa trị bệnh trĩ nên kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Bệnh trĩ cần điều trị tận gốc, loại bỏ những nguyên nhân gây bệnh không chỉ là điều trị nội khoa hay thủ thuật, phẫu thuật. Theo y học hiện đại, trĩ độ 1, độ 2, bệnh nhân có thể điều trị nội khoa, nhưng nếu cuối độ 2, đầu độ 3 nếu điều trị nội khoa không đỡ thì lúc đó phải phẫu thuật, độ 3 độ 4, chúng ta phải phẫu thuật.Để trị bệnh trĩ tận gốc và ngăn ngừa tái phát, thuốc trị bệnh trĩ thường tập trung tác động chính trên tĩnh mạch trĩ. Có nhiều phương pháp điều trị bệnh trĩ khác nhau. Đầu tiên phải kể đến phương pháp nội khoa. Đây là điều trị đầu tay, khởi nguồn cho mọi phương pháp điều trị khác. Muốn điều trị triệt để bệnh trĩ, cần phải triệt tiêu hoàn toàn búi trĩ. Tây y sẽ dùng các thủ thuật, hay bằng phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ và thắt các tĩnh mạch trĩ tận gốc bằng phẫu thuật Longgo cho kết quả khá khả quan như: thời gian nằm viện ngắn, giảm đau nhiều sau mổ.
Nỗi lo bệnh trĩ - cách phòng và điều trị - Ảnh 3.
Để phòng tránh, giảm khó chịu cho người mắc trĩ
Để tránh mắc chứng bệnh "khó nói" này bạn cần xây dựng cho mình thói quen tốt, lối sống lành mạnh:+ Chế độ ăn đủ chất xơ: Chế độ ăn nhiều rau xanh quả tươi, uống đủ nước (>1.5 lít nước/ngày), hạn chế đồ ăn cay, nóng như rượu bia, cà phê, ớt, hạt tiêu để tránh táo bón và suy mạch.+ Tập thể dục: Vận động là cách hiệu quả nhất giúp con người trao đổi chất trong cơ thể, giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động nhịp nhàng. Mỗi ngày bạn dành khoảng 30 phút để đi bộ, bơi lội,… Tránh đứng nhiều, ngồi lâu.+ Phòng tránh táo bón: Táo bón là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh trĩ trong đa số trường hợp. Vì vậy, phòng tránh táo bón sẽ ngăn chặn bệnh trĩ hình thành. Tập thói quen đi cầu hàng ngày bằng cách xoa bụng vòng theo khung đại tràng vào một giờ nhất định.+Chườm đá: Đây cũng là cách giúp giảm đau trong điều trị bệnh trĩ. Bạn có thể đặt một túi nước đá chườm nhiều lần mỗi ngày giúp giảm đau, sưng. Nếu cách giảm đau không hiệu quả, cần tìm đến gặp bác sĩ.+ Ngồi xổm khi đi vệ sinh: Tư thế đi vệ sinh tốt nhất hỗ trợ người bệnh trĩ là ngồi xổm. Có thể đặt chân lên mặt bồn cầu, tư thế này giúp cho ruột của bạn tống phân ra ngoài thuận tiện nhất.+Ngồi trên gối: Ngồi trên một chiếc đệm, gối, thay vì bề mặt cứng sẽ giảm bớt sưng khối trĩ. Nó cũng giúp ngăn ngừa những búi trĩ mới hình thành. +Giữ hậu môn sạch sẽ: Nên vệ sinh hậu môn sạch sẽ hàng ngày, nên rửa bằng nước ấm và xà phòng không mùi. Lau khô bằng cách vỗ nhẹ nhàng. +Chọn quần lót cotton: Mặc quần lót mềm mại, tốt nhất bằng vải bông cotton, nếu sử dụng vải nilon sẽ khó thoát hơi ẩm, môi trường ẩm ướt sẽ làm bệnh trĩ nặng thêm. Quần lót nên mặc rộng rãi để tránh áp lực lên búi trĩ.