15:04 10/08/2008

Nỗi lo kinh tế trong mùa Olympic

Kiều Oanh

Những ngày này, mọi con mắt trên thế giới đều hướng về Bắc Kinh, nơi diễn ra sự kiện Olympic mùa hè 2008

Trung Quốc vừa tổ chức một lễ khai mạc Olympic đầy ấn tượng. Trong ảnh là cảnh bắn pháo hoa rực rỡ tại Sân vận động Quốc gia Bắc Kinh trong lễ khai mạc.
Trung Quốc vừa tổ chức một lễ khai mạc Olympic đầy ấn tượng. Trong ảnh là cảnh bắn pháo hoa rực rỡ tại Sân vận động Quốc gia Bắc Kinh trong lễ khai mạc.
Những ngày này, mọi con mắt trên thế giới đều hướng về Bắc Kinh, nơi diễn ra sự kiện Olympic mùa hè 2008.

Tuy nhiên, trái ngược với không khí nhộn nhịp tại các khu vực diễn ra sự kiện lớn này là khung cảnh ảm đạm diễn ra tại nhiều nhà máy tại Trung Quốc.

Trước ngày khai mạc Olympics Bắc Kinh, kinh tế Trung Quốc đã có những dấu hiệu giảm tốc. Sự chậm lại trong tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã được cảm nhận trên khắp nền kinh tế. Số lượng đơn đặt hàng dành cho các nhà máy đang sụt giảm, trong khi thị trường nhà đất chứng kiến sự đi xuống mạnh mẽ của khối lượng giao dịch.

“Hụt hơi”

Một dấu hiệu đang lo ngại về sự “hụt hơi” của kinh tế Trung Quốc là những số liệu thống kê mới đây nhất cho thấy sản lượng của các nhà máy tại nước này đã thực sự co lại trong tháng 7.

Chỉ số các giám đốc mua hàng (PMI) tháng 7 đã giảm xuống mức 48,4 điểm, đánh dấu lần đầu tiên ở dưới ngưỡng 50 điểm kể từ khi Chính phủ Trung Quốc bắt đầu đưa ra con số thống kê này 3 năm trước đây.

Sự đi xuống của chỉ số này cho thấy cả sản lượng công nghiệp và số đơn đặt hàng của các nhà máy ở Trung Quốc đang co lại. “Lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đang phải đối mặt với những thử thách lớn do sự giảm sút của kinh tế toàn cầu, chi phí sản xuất tăng cao, các điều kiện thắt chặt tín dụng, thiếu điện và cả sự lên giá của đồng Nhân dân tệ”, một báo cáo của Lehman Brothers nhận định.

Mặc dù không tính tới quy mô của các công ty được điều tra và không thực sự chính xác trong việc phản ánh sự thay đổi tổng sản lượng công nghiệp, PMI vẫn là một chỉ số quan trọng trong việc phản ánh những xu hướng mới trong lĩnh vực công nghiệp Trung Quốc. Chỉ số này cũng có vị trí quan trọng vì lĩnh vực công nghiệp chiếm tới 42% GDP của Trung Quốc.

Vậy kinh tế Trung Quốc có thể giảm tốc tới đâu?

Nhà kinh tế học phụ trách nền kinh tế Trung Quốc của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, ông Mingchun Sun dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong nửa sau của năm nay sẽ giảm xuống còn 8,7% so với mức 11,4% của cả năm 2007 và 10,4% trong nửa đầu năm 2008. Ông Sun cho rằng, đến năm 2009, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ còn 8%.

Điều này có nghĩa là sau nhiều năm nỗ lực kiềm chế nền kinh tế khỏi tăng trưởng quá nóng, Trung Quốc sẽ phải tìm cách ngăn không cho nền kinh tế giảm tốc quá mạnh.

... và “trợ lực”

Mối bận tâm lớn nhất của Chính phủ Trung Quốc sẽ là duy trì tăng trưởng thị trường việc làm. Mục tiêu chính thức của Trung Quốc là tạo ra 9 triệu việc làm mới mỗi năm để hút hết lực lượng lao động đổ tới các đô thị lớn và sinh viên mới tốt nghiệp ra trường.

“Nếu mức tăng trưởng kinh tế xuống dưới 8%, Chính phủ Trung Quốc sẽ rất lo lắng”, ông Sun cho biết.

Ông dự báo, thậm chí với tốc độ tăng trưởng 8%, sẽ chỉ có 2 triệu việc làm mới được tạo ra. “Điều này rất quan trong vì tình trạng thất nghiệp có liên hệ mật thiết với tình trạng bất ổn định”, ông nói.

Bắc Kinh có nhiều “vũ khí” để kích cầu trở lại đối với nền kinh tế nếu cần thiết. Hiện nước này đang có trong tay lượng dự trữ ngoại hối lên tới 1.800 tỷ USD, nợ Chính phủ ở mức thấp và ngân sách luôn trong tình trạng thặng dư.

Điều này có nghĩa là Chính phủ Trung Quốc có thể tăng chi tiêu công để bù đắp cho sự giảm xuống của đầu tư trong lĩnh vực tư nhân. Nhà kinh tế nghiên cứu về Trung Quốc của ngân hàng đầu tư JPMorgan Chase, ông Frank Gong, dự báo rằng Trung Quốc có thể dễ dàng chi từ 1 - 2% GDP chỉ để xây thêm đường sắt và đường tàu điện ngầm.

Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường niềm tin vào nền kinh tế nước này. Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã tăng mức hoàn thuế xuất khẩu đối với các nhà sản xuất trong một số ngành công nghiệp, trong đó có dệt may, và cho phép các ngân hàng trong nước mở rộng hoạt động cho vay.

Vào ngày 6/8, Trung Quốc công bố quy chế mới về quản lý ngoại hối. Theo đó, Chính phủ cam kết sẽ áp dụng hình phạt lên tới 30% giá trị giao dịch đối với những vụ chuyển đổi ngoại tệ sang đồng Nhân dân tệ mà không được phép.

“Dòng tiền nóng đổ vào có những tác động tiêu cực nhất định đối với nền kinh tế. Hy vọng là quy chế mới này có thể tăng cường giám sát và kiểm soát những dòng vốn đầu cơ và vốn ngoại đổ vào Trung Quốc”, hãng tin Tân Hoa Xã dẫn lời ông Zhang Ming, một chuyên gia thuộc Viện Khoa học Xã hội  Trung Quốc, nhận xét.

Ngoài ra, một số biện pháp khác cũng có thể được áp dụng. Sự cần thiết phải tạo ra kích thích đối với nền kinh tế đang càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh bức tranh kinh tế toàn cầu đã xấu đi.

Theo nhà kinh tế Gong, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm xuống còn 21%, so với mức 26% cùng kỳ năm ngoái, và có thể giảm xuống mức 10 - 15% trong nửa sau của năm nay. Mặc dù ông Gong vẫn dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ ở mức 9,5 - 9,8%, ông cho rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ các công ty đang thiếu vốn.

Cho tới lúc này, những biện pháp hỗ trên vẫn chưa thể giúp thị trường chứng khoán Trung Quốc khởi sắc trở lại. Lợi nhuận doanh nghiệp Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay đã giảm tới một nửa, từ mức 42% trong năm 2007 xuống còn 21%. Chỉ số CSI 300 của thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện đã giảm khoảng 60% so với mức đỉnh hồi tháng 10 năm ngoái.

Tuy nhiên, chuyên gia Ulrich tin tưởng rằng có lý do để lạc quan, khi mà Chính phủ Trung Quốc đã có các biện pháp hỗ trợ khu vực xuất khẩu và các biện pháp này sẽ có tác dụng đối với các công ty nhỏ và tầm trung của nước này.

(Theo Business Week)